Tập trung phát triển lưới điện nông thôn
ĐBP - Là huyện vùng cao, biên giới, những năm qua tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện Mường Nhé đã và đang tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng lưới điện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ðặc biệt, huyện luôn chú trọng, quan tâm kéo điện đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); từ đó góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Công nhân Ðiện lực Mường Nhé kiểm tra, sửa chữa cấp điện cho khách hàng.
Ðã gần 10 tháng kể từ ngày được sử dụng điện lưới quốc gia, đời sống nhân dân bản Huổi Lanh (xã Mường Toong) đã dần thay da đổi thịt. Ðể tiếp cận với thông tin, cuộc sống hiện đại, nhiều hộ đã tích cực mua sắm ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện... Trưởng bản Giàng A Chầu phấn khởi chia sẻ: Chỉ cách đây gần 1 năm, cuộc sống người dân Huổi Lanh vẫn chìm trong bóng tối, không có điện cuộc sống vất vả lắm! Mọi sinh hoạt của người dân chủ yếu dựa vào ánh đèn dầu, bếp củi. Nay khác nhiều rồi, từ tháng 1/2020, người dân Huổi Lanh đã được kéo điện lưới quốc gia về bản. Từ ngày có điện, việc đi lại, giao thương buôn bán của hơn 100 hộ dân cũng thuận lợi hơn, nhất là thông qua ti vi, hệ thống loa đài người dân đã tiếp cận với những thông tin chính trị, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Hiện xã Mường Toong có 8/16 bản đã có điện lưới quốc gia, đến hết tháng 12/2020 dự kiến sẽ có thêm 5 bản (Huổi Pinh, Tà Hàng, Huổi Ðanh...) sẽ hoàn thành việc đóng điện. Ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong khẳng định: Dù đời sống người dân nơi đây còn nhiều gian khó, vất vả nhưng việc kéo điện lưới về thôn, bản vùng cao đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Ðảng và Nhà nước, tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện đối với bà con vùng cao. Ðặc biệt, có điện đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con sinh hoạt và phát triển sản xuất; tiếp cận và nắm bắt thêm nhiều thông tin quan trọng, hữu ích, các chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật Nhà nước, nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, góp phần cùng Ðảng bộ, chính quyền xã đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Là huyện vùng cao, biên giới dân cư thưa thớt và sống phân tán nên công tác đưa điện đến vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Mường Nhé gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, được các cấp chính quyền địa phương hưởng ứng, tạo điều kiện và nỗ lực lớn của ngành Ðiện lực, việc đưa điện về thôn bản đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Ðặc biệt, từ năm 2019 đến nay Công ty Ðiện lực Ðiện Biên đã triển khai công trình cấp điện cho 15 điểm bản thuộc 5 xã (Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong, Pá Mỳ). Công trình có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng, thi công 6,57km đường dây trung thế, hơn 20km đường dây hạ thế, 10 trạm biến áp có tổng công suất hơn 501kVA. Ðến nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé có 100% xã và 79/110 thôn, bản đã được cấp điện lưới quốc gia. Ông Ngô Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Nhé cho biết: Ðể đạt được mục tiêu trên, huyện đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Phối hợp với các ngành, các cấp trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất thực hiện dự án cấp điện. Ðồng thời, đẩy mạnh triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình, đề án, nội dung chính sách tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống điện ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Ðiện lực Mường Nhé hiện đang quản lý 336km đường dây 35kv, 105 trạm biến áp, 187km đường dây hạ thế thuộc 13 xã (11 xã thuộc huyện Mường Nhé và 2 xã thuộc huyện Nậm Pồ). Ông Lường Văn Phong, Phó Giám đốc Kỹ thuật Ðiện lực Mường Nhé cho biết: Ðể đảm bảo an toàn lưới điện, Ðiện lực Mường Nhé thực hiện tốt công tác quản lý kỹ thuật vận hành, thực hiện nghiêm các quy trình, quy định của Công ty; thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật vận hành hệ thống lưới điện, đường dây trung thế, đường dây 0,4kv, trạm biến áp... Ðồng thời, Ðiện lực thường xuyên kiểm tra công tác an toàn tại các tổ, đội sản xuất trong khi thực hiện nhiệm vụ; bố trí công nhân có trình độ tay nghề, bậc an toàn để thực hiện chỉ huy, giám sát công việc. Từ đó góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục và nâng cao chất lượng điện áp hệ thống lưới điện.