Tập trung phát triển rừng theo hướng bền vững
Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên chuẩn bị cây giống lâm nghiệp để trồng rừng. Ảnh: ANH NGỌC
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, được các cấp, ngành và địa phương quan tâm. Sở NN-PTNT và các địa phương đang tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa lâm nghiệp, khẩn trương xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.
Diện tích trồng rừng tập trung tăng 13% so với kế hoạch
Theo Sở NN-PTNT, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp ở Phú Yên hiện có 276.045ha, chiếm gần 55% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp, ngành và địa phương quan tâm. Năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhưng công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều kết quả tích cực.
Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu, cho biết: Hiện đơn vị quản lý khoảng 13.900ha rừng, trong đó rừng phòng hộ khoảng 7.570ha, rừng sản xuất khoảng 5.550ha, còn lại là diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Năm 2021, Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu khai thác rừng trồng keo tại tiểu khu 16 và V1.3 thuộc xã Xuân Lâm với diện tích hơn 61ha và tại tiểu khu 34 thuộc xã Xuân Phương với diện tích gần 45ha, tổng sản lượng gỗ khai thác khoảng 7.570m3. Đơn vị cũng trồng xong 135ha rừng, trong đó trồng rừng sản xuất khoảng 100ha và khoảng 35ha rừng trồng thay thế. Nhờ chủ động nguồn cây giống nên mùa trồng rừng gặp nhiều thuận lợi, tỉ lệ cây sống đạt rất cao và phát triển tốt.
Còn ông Trần Ngọc Bích, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI, thông tin: Diện tích đất lâm nghiệp mà công ty được UBND tỉnh cho thuê và liên kết gần 6.710ha để trồng rừng, tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và TX Sông Cầu. Hiện tổng diện tích rừng trồng của công ty khoảng 4.670ha đã được cấp chứng chỉ FSC (quản lý rừng bền vững). Năm qua, công ty khai thác 655ha rừng trồng và khẩn trương triển khai trồng lại rừng đối với diện tích đã khai thác. Ngay từ tháng 8/2021, công ty tổ chức phát dọn xong thực bì, làm đất, đào hố, bón phân và đặt hàng các vườn ươm giống cây lâm nghiệp có uy tín, nhằm chủ động số lượng và chất lượng cây giống. Bắt đầu vào mùa mưa, đơn vị đã tập kết cây giống đến các vị trí chuẩn bị trồng rừng, triển khai trồng lại diện tích rừng đã khai thác và đến cuối tháng 11/2021 đã hoàn thành.
Ngay từ đầu năm 2021, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương đôn đốc các chủ rừng đẩy nhanh tiến độ khai thác rừng trồng, tổ chức phát dọn thực bì, dọn vệ sinh rừng ngay sau khai thác để ngăn chặn tình trạng cháy rừng và chuẩn bị hiện trường để trồng lại rừng. Sở NN-PTNT cũng yêu cầu các đơn vị chức năng và địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn, kiểm tra chất lượng nguồn cây giống, hướng dẫn các chủ rừng trồng đảm bảo đúng kỹ thuật nhằm tăng tỉ lệ cây sống và phát triển tốt. “Đến nay, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh gần 7.010ha (tăng 13% so với kế hoạch), trong đó trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng gần 130ha, trồng rừng sản xuất hơn 6.880ha (trồng mới khoảng 1.285ha, trồng lại rừng sau khai thác khoảng 5.595ha)”, ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết.
Nhân rộng các mô hình, tạo sinh kế cho người dân
Hiện nay, nhiều chủ rừng và địa phương đang triển khai và nhân rộng các mô hình phát triển rừng theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho người dân sống dựa vào rừng. Theo ông Tôn Thất Thịnh, đối với số diện tích rừng sản xuất, Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu đang xin chủ trương thực hiện liên kết, hợp tác đầu tư phát triển rừng và đăng ký chứng chỉ rừng hướng tới mục đích quản lý bền vững. Đơn vị đang xây dựng kế hoạch và triển khai trồng thử nghiệm cây trà mã dọ với diện tích khoảng 3ha và xây dựng một số mô hình sản xuất nông lâm kết hợp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất lâm nghiệp như trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Đơn vị cũng đang triển khai đề án cho thuê môi trường rừng với diện tích khoảng 500ha để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ, rừng sản xuất do đơn vị quản lý.
Theo Ban quản lý Rừng phòng hộ Đồng Xuân, hiện đơn vị quản lý và bảo vệ hơn 22.130ha rừng; trong đó, rừng phòng hộ gần 17.940ha, rừng sản xuất hơn 4.070ha, đất khác khoảng 120ha. Thời gian qua, ngoài công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đơn vị còn gây trồng các loài cây quý hiếm nhằm vừa bảo tồn nguồn gen, vừa cho giá trị kinh tế như giáng hương, re hương, trắc nghệ, dó gạch, lan kim tuyến, sa nhân… Ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Đồng Xuân, cho biết: Đơn vị đang xây dựng kế hoạch từ nay đến năm 2024, trồng các loài cây lan kim tuyến, dó gạch, sa nhân dưới tán rừng với diện tích khoảng 110-120ha. Ban cũng đã xây dựng xong đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trong rừng phòng hộ với diện tích hơn 135ha và ký kết hợp đồng cho thuê môi trường rừng với đơn vị có đủ điều kiện và năng lực làm du lịch.
Những năm gần đây, mỗi năm Phú Yên trồng khoảng 6.000-7.000ha rừng, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.800ha rừng trồng kinh doanh cây gỗ lớn, khoảng 9.500ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC. Đến cuối năm 2021, tỉ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 46%, phấn đấu đến năm 2022 đạt 46,5%. “Để đạt mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh đang khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng sản xuất, trồng rừng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm rừng trồng, phát triển trồng rừng cây gỗ lớn. Đồng thời phát triển nông lâm kết hợp, tạo điều kiện cho các chủ rừng xây dựng phương án và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Sở NN-PTNT đã yêu cầu các chủ rừng, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có, tăng cường quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên…”, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho hay.
Theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tập trung đẩy mạnh CNH-HĐH, gắn với ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Giá trị sản phẩm thu được bình quân 1ha đất trồng trọt, mặt nước nuôi trồng thủy sản chủ lực, đất rừng trồng sản xuất ở Phú Yên tăng gấp 1,3-1,5 lần, trong đó các sản phẩm chủ lực có chất lượng và giá trị kinh tế tăng gấp 1,3 lần; đảm bảo độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 48%.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/269394/tap-trung-phat-trien-rung-theo-huong-ben-vung.html