Tập trung phát triển thị trường khoa học công nghệ
Chiều 14/2, Sở KH&CN Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác khoa học và công nghệ trên địa bàn TP năm 2023. Tới dự và chỉ đạo có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, cùng đại diện các Sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn TP.
Động lực phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Năm 2022, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. KHCN&ĐMST đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô.
UBND TP đã ban hành và chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về đẩy mạnh phát triển KHCN&ĐMST trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển thị trường KHCN cùng nhiều giải pháp hỗ trợ DN, DN khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc triển khai các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Điển hình trong sản xuất nông nghiệp, việc ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác... góp phần tăng năng suất lao động xã hội. Nhiều mô hình sản xuất nông -lâm - ngư nghiệp đạt hiệu quả đã được nhân rộng, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô và xuất khẩu.
Hoạt động ứng dụng tiến bộ KHCN, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước, công tác sáng kiến, hoạt động duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực đã được sự quan tâm của UBND các quận, huyện, thị xã.
Khẳng định vai trò của KHCN&ĐMST đối với thực tế phát triển, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết: Với việc triển khai hiệu quả Chương trình số 07/CTr-TU của Thành Ủy, Kế hoạch số 185/KH-UBND và Kế hoạch số 345/KH-UBND của UBND TP, ngành Công Thương năm 2022 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ, năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, góp phần cải cách công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của Sở Công Thương.
Năm 2023, Sở sẽ tiếp tục khuyến khích sáng tạo, sáng kiến, giải pháp, ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước; động viên cá nhân phát huy tính sáng tạo, đổi mới, có những hoạt động, mô hình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất- kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công thương, năm 2023
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan chia sẻ: Việc triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến và những kết quả tích cực. Ứng dụng KHCN trong hoạt động quản lý điều hành, các phong trào thi đua, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, ứng dụng CNTT… đã góp phần tạo môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ, công chức và hiệu quả tích cực về phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.
Cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc
Nhấn mạnh vị trí, vai trò của KHCN&ĐMST, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn khẳng định: KHCN&ĐMST đã và đang trở thành lực lượng sản xuất, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Phát triển KHCN&ĐMST không chỉ là nhiệm vụ riêng của Sở KH&CN, của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Do đó, cần có sự quan tâm tham gia, triển khai thực hiện của toàn thể các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trên địa bàn TP.
Đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Nhấn mạnh thế mạnh của Hà Nội, đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết, Thủ đô Hà Nội ngoài vị trí là trung tâm hành chính quốc gia còn là một trung tâm lớn về KHCN. Đây cũng là nơi tập trung đông đảo các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu, trường viện. Vì vậy, để tiếp tục triển khai khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ KHCN&ĐMST của TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị các sở, ban, ngành tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để đưa vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Cùng với đó, cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về KHCN. Chính sách phải đi trước một bước, có các chính sách đặc thù về KHCN như đào tạo nhân lực, thu hút nhân lực chất lượng cao, nguồn lực tài chính…
Tiếp tục đẩy nhanh nhiệm vụ hoàn thiện xây dựng mô hình chính quyền Thủ đô (mô hình tổ chức bộ máy và con người phải lồng ghép khả thi); Mô hình TP thuộc Thủ đô. Ngoài ra, cần thành lập Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội. Trong đó, Sở KH&CN cần phải điều chỉnh lại nguồn đầu tư công vào đề án; Sở KH&ĐT phải làm nhanh danh mục điều chỉnh danh mục đầu tư công cho đề án.
Mặt khác, cần phối hợp với Bộ KH&CN để hoàn thiện đề án chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa lạc về Hà Nội và ra mắt trung tâm ĐMST, trung tâm thiết kế giới thiệu sản phẩm làng nghề ngay trong năm nay; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn TP.
Song song với đó, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức đặt hàng, liên kết các nhà khoa học, viện, đại học trong và ngoài nước trong nghiên cứu khoa học Thủ đô. Chủ động xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ KH&CN, tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND triển khai các nội dung đã ký kết hợp tác giữa Bộ KH&CN và TP Hà Nội, trong đó tập trung cao cho hoạt động phát triển thị trường KHCN, thúc đẩy ĐMST, đặc biệt là trong DN.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tap-trung-phat-trien-thi-truong-khoa-hoc-cong-nghe.html