Tập trung phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng

Để chủ động sản xuất, phòng trừ các đối tượng dịch bệnh trên cây trồng, bảo đảm sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 thắng lợi, nhất là trong dịp nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu, ngành chức năng đã kịp thời khuyến cáo các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo người dân phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng.

 Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân ra đồng chăm sóc lúa vụ đông xuân - Ảnh: B.B

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân ra đồng chăm sóc lúa vụ đông xuân - Ảnh: B.B

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 25.500 ha lúa, sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày năng suất và chất lượng, có hiệu quả kinh tế cao như: HN6, Đài Thơm 8, Bắc Thơm 7, An Sinh 1399, Khang Dân 18, HC95, Bắc Thịnh, Thiên Ưu 8, Lộc Trời 1… Triển khai sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 trong điều kiện ảnh hưởng rét đậm, rét hại, nhưng đến cuối tháng 1/2021, toàn tỉnh đã gieo cấy với diện tích ước đạt 25.300 ha, đạt 99% kế hoạch, diện tích còn lại tập trung chủ yếu ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Qua thực tế triển khai sản xuất của các địa phương cho thấy, do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi nên các diện tích lúa gieo trà đầu sinh trưởng chậm, nhiều diện tích lúa bị bạc lá do rét mới bắt đầu phục hồi. Đặc biệt, tiến độ gieo trồng các cây màu như lạc, ngô, sắn…bị chậm so với thời vụ, diện tích gieo trồng hiện mới đạt 50% so với kế hoạch, nguy cơ bị ảnh hưởng khô hạn làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm cuối vụ rất cao.

Đakrông là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong các đợt mưa lũ cuối năm 2020, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp, ảnh hưởng đến tiến độ làm đất và gieo trồng vụ đông xuân. Tính đến hết tháng 1/2021, toàn huyện gieo trồng được hơn 2.111/4.901 ha, đạt 40% kế hoạch vụ sản xuất. Huyện Đakrông đang nỗ lực chỉ đạo UBND các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên tiếp tục thực hiện việc khôi phục, cải tạo hơn 148 ha đất màu giai đoạn hai bị ướt, đồng thời đốc thúc các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại cây vụ đông xuân 2020 - 2021 theo đúng khung lịch thời vụ. Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và chuột hại trên các loại cây trồng.

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây rau màu và chăm sóc, bón phân cho các diện tích lúa trà đầu. Tại Hợp tác xã (HTX) Quảng Điền A, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, người dân tích cực ra đồng chăm sóc tỉa dặm lúa. Vụ đông xuân 2020 - 2021, HTX Quảng Điền A triển khai gieo cấy 130 ha lúa. Giám đốc HTX Quảng Điền A Nguyễn Công Khánh cho biết: “Tranh thủ những ngày nắng ráo, chúng tôi động viên người dân tích cực ra đồng chăm sóc, tỉa dặm cây lúa. Các cán bộ khuyến nông cũng sâu sát hướng dẫn người dân tiến hành bón phân thúc và tỉa dặm sớm cho cây lúa kịp thời cũng như thường xuyên thăm đồng trước, trong và sau Tết để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng sâu bệnh gây hại”.

Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu, thời tiết diễn biến thuận lợi cho các loại cây trồng phát triển, tuy nhiên cũng là điều kiện tốt cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại trên tất cả các loại cây trồng. Phổ biến nhất là bệnh đạo ôn gây hại trên cây lúa, sâu keo gây hại trên cây ngô, bệnh héo rủ gây hại trên cây lạc, bệnh khảm lá vi rút gây hại trên cây sắn...

Để có biện pháp phòng ngừa kịp thời các loại sâu bệnh có thể gây hại trong vụ đông xuân, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời phòng, chống hiệu quả. Đồng thời huy động mọi nguồn lực tập trung khôi phục xong các diện tích đất màu bị vùi lấp do thiên tai năm 2020 để đẩy nhanh tiến độ gieo trồng đảm bảo diện tích các cây trồng cạn như sắn, lạc, ngô... trước tết Nguyên đán nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh đến năng suất cuối vụ.

Đối với cây lúa, các đơn vị chức năng cần chú trọng việc điều tiết mực nước trên đồng ruộng hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh và giữ ấm khi trời rét. Hướng dẫn người dân tiến hành bón phân thúc và tỉa dặm sớm cho cây lúa kịp thời, nhất là giai đoạn sau gieo từ 18 - 20 ngày để thúc lúa đẻ nhánh sớm, tập trung. Trên các diện tích lúa gieo gặp rét phát triển chậm và các trà lúa gieo trễ thời vụ, cần tăng cường chăm sóc và sử dụng các loại phân bón qua lá như Atonic, siêu lân, Kali Humat... để phun nhằm giúp cây lúa nhanh phục hồi, đẻ nhánh khỏe, tập trung, rút ngắn thời gian sinh trưởng. Chú trọng phun thuốc trừ bệnh đạo ôn sớm khi bệnh mới phát sinh để hạn chế bệnh lây lan ra diện rộng. Đối với các loại cây hoa màu như lạc, sắn, ngô…, ngành chức năng khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi các đối tượng sâu bệnh hại, chú ý sâu xám, sâu keo hại ngô, bệnh héo rũ trên cây lạc, bệnh khảm lá, chổi rồng, rệp sáp bột hồng... trên cây sắn để có biện pháp phòng trừ hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Chỉ đạo các đơn vị vật tư nông nghiệp đảm bảo cung ứng đầy đủ các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155356