Tập trung phòng dịch tại khu công nghiệp, bảo đảm hàng hóa, ổn định thị trường

Ngày 13/5, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương để quán triệt về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong các cơ sở công nghiệp và thương mại; cân đối cung cầu, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và một số định hướng phát triển trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường.

Báo cáo với Bộ Công Thương, các địa phương cho biết, hàng hóa dồi dào, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế, khu chế xuất, cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ nghiêm quy định về phòng dịch. Tuy vậy, một số DN đang gặp khó do có công nhân phải cách ly y tế khiến sản xuất bị ảnh hưởng.

Tỉnh Bắc Giang có 8 siêu thị (trong đó 4 siêu thị có kinh doanh hàng hóa thiết yếu), 133 chợ (trong đó 132 chợ kinh doanh tổng hợp), khoảng 3 nghìn cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh, phân phối thực phẩm, hàng hóa. Hàng hóa thiết yếu bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Riêng thực phẩm tươi sống nguồn cung ứng chủ yếu từ các hộ, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Thời điểm này, các DN đã tăng lượng dự trữ hàng hóa so với ngày thường, đặc biệt là gạo và mỳ gói để dự phòng nhu cầu người dân có tâm lý tích trữ trong thời gian có dịch bệnh.

Cùng đó, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu chưa có nhiều biến động, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường. Các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là mỳ tôm và các nhu yếu phẩm khác bán chạy hơn so với ngày thường.

Các tiểu thương kinh doanh tại chợ Hà Vị (TP Bắc Giang) tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch bệnh.

Các tiểu thương kinh doanh tại chợ Hà Vị (TP Bắc Giang) tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch bệnh.

Giá các mặt hàng rau, củ, quả, thịt ở chợ tương đối ổn định. Người dân đến các chợ mua nhanh chóng; đeo khẩu trang, không tập trung đông người. Bên cạnh đó, người dân đã sử dụng nhiều hơn hình thức mua sắm trực tuyến, đặt hàng qua mạng hoặc thông qua các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương xây dựng một số phương án cung ứng thực phẩm trong từng tình huống như: Hàng hóa từ bên ngoài đưa vào địa phương; hàng hóa từ vùng phong tỏa cách ly tiêu thụ ra bên ngoài; các khu vực, các làng xã, khu, cụm dân cư thực hiện biện pháp cách ly y tế…

Trên cơ sở nắm tình hình thực tế và nghe các ý kiến thảo luận, kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm ổn định thị trường, nguồn hàng, nhất là mặt hàng thiết yếu cung ứng đến người dân.

Về phòng, chống dịch, đồng chí yêu cầu tập trung cao tại KCN, khu kinh tế, khu chế xuất bởi đây là những địa bàn có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế, nếu dịch xảy ra diện rộng sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, làm tê liệt sản xuất công nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, người đứng đầu khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm; tăng cường quản lý, giám sát, động viên khen thưởng tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm về phòng dịch.

Đồng chí đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19; chỉ đạo cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát khách hàng đi và đến DN.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các địa phương chủ động đánh giá cung cầu các mặt hàng, chủ động các phương án, đề xuất với cơ quan T.Ư để kịp thời giải quyết vướng mắc nhằm bảo đảm đủ nguồn hàng cung ứng phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân; không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý.

Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác.

Mở đợt cao điểm kiểm tra các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, bánh kẹo, nước giải khát, các mặt hàng thực phẩm tươi sống...

Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử; xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử; chống thất thu thuế.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí lưu ý cần phối hợp điều hành giá xăng dầu linh hoạt, hạn chế tăng giá đột biến. Các cơ quan của Bộ Công Thương tiếp tục cùng các địa phương hỗ trợ DN về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tin, ảnh Trịnh Lan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/hoat-dong-cua-lanh-dao-tinh/358894/tap-trung-phong-dich-tai-khu-cong-nghiep-bao-dam-hang-hoa-on-dinh-thi-truong.html