Tập trung phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ đông xuân

Những ngày này, nông dân trong tỉnh đang tập trung chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng vụ đông xuân. Thời tiết hiện nay khá thuận lợi, ít sâu bệnh, nên cây trồng đang phát triển tốt.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng trên 8.589 ha/10.191 ha cây trồng các loại trong vụ đông xuân, đạt 84,3%, nhanh hơn 314 ha so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lúa đạt 4.138 ha, ngô 1.615 ha, khoai lang 1,304 ha, đậu các loại 141 ha, rau xanh 1,389 ha... Đến nay, dịch hại trên các loại cây trồng diễn biến bình thường, một số bệnh gây hại rải rác, tỷ lệ thấp.

Trên các cánh đồng lúa ở huyện Krông Nô, những ngày qua, không khí ra đồng trở nên nhộn nhịp. Bà con nông dân khẩn trương bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

Ông Nguyễn Thành Mai, ở xã Buôn Choáh, vụ đông xuân này xuống giống trên 5 sào lúa nước. Hiện cây lúa được trên 20 ngày tuổi. Từ khi xuống giống đến nay, ông thường xuyên ra đồng để kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời sâu bệnh, chuột cắn phá.

Theo ông Mai, khi phát hiện sâu bệnh trên ruộng lúa có tỷ lệ cao, ông mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phun thuốc theo hướng dẫn của ngành chức năng. Việc chăm sóc cho cây lúa, ông chủ yếu dùng phân hữu cơ bón qua lá, rễ để giúp cây tăng sức đề kháng, sinh trưởng, phát triển ổn định.

 Người dân xã Cư K’nia (Cư Jút) phun chế phẩm dưỡng lá cho trà lúa sớm vụ đông xuân

Người dân xã Cư K’nia (Cư Jút) phun chế phẩm dưỡng lá cho trà lúa sớm vụ đông xuân

Còn ông Nguyễn Xuân Thủy, ở xã Đức Xuyên cho biết, ruộng lúa của gia đình ông đang ở giai đoạn bén rễ. Thời gian đầu của vụ đông xuân, trời thường lạnh, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa.

Thời điểm này, trên ruộng xuất hiện một số loại sâu hại tấn công. Do đó, ông rất cảnh giác, tăng cường chăm sóc cho ruộng lúa. Ông cũng tập trung bổ sung chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho cây lúa phát triển tốt.

Giai đoạn này, ông Thủy sử dụng các loại phân NPK chuyên bón thúc cho lúa có hàm lượng đạm, kali cao. Khi bón thúc lần 1, ông kết hợp phun thuốc phòng sâu bệnh, sục bùn, làm cỏ để giúp cho bộ rễ lúa thoáng khí, cây sinh trưởng thuận lợi.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Quyền Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, vụ đông xuân năm nay, toàn huyện gieo trồng 4.270 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước 1.945 ha, ngô 1.326 ha, khoai lang trên 500 ha, rau các loại gần 200 ha... Nhờ thời tiết thuận lợi, đến nay, người dân đã xuống giống trên 85% diện tích gieo trồng.

Còn tại các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song…, cơ quan chuyên môn cũng hướng dẫn người dân áp dụng hiệu quả các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.

Ngành Nông nghiệp các huyện đã phân công cán bộ kỹ thuật đến từng địa bàn để hướng dẫn người dân cách phòng trừ, xử lý đối với từng đối tượng sâu bệnh cụ thể. Ngoài ra, bà con nông dân còn được hướng dẫn các biện pháp bón phân đúng thời kỳ, bảo đảm cân đối trên ruộng lúa.

Để sản xuất vụ đông xuân đạt hiệu quả, Sở NN – PTNT thường xuyên đôn đốc các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng, nhất là khâu phòng trừ sâu hại.

Ngoài điều tiết nước tưới hợp lý, bảo đảm nhu cầu từng giai đoạn phát triển của cây trồng, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu trên cây lúa; sâu keo mùa thu trên cây ngô; bệnh rỉ sắt, rệp sáp hại chùm hoa trên cây cà phê; bệnh chết nhanh, chết chậm, bệnh do vi rút trên cây tiêu…

Trước những yêu cầu cấp thiết của mùa vụ, Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Qua đó, dự báo chính xác tình hình sâu bệnh gây hại và có biện pháp phòng, trừ hiệu quả, không để lây lan trên diện rộng.

Kim Ngân

3,596

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/tap-trung-phong-tru-sau-benh-cho-cay-trong-vu-dong-xuan-91548.html