Tập trung phục hồi vườn hồ tiêu
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh kết hợp với giá hạt tiêu xuống thấp nên người dân ở một số địa phương trong tỉnh không đầu tư chăm sóc làm vườn tiêu bị giảm chất lượng, thậm chí bị chết. Trước tình trạng đó, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh và các địa phương đã có nhiều giải pháp để tập trung phục hồi nâng cao chất lượng vườn hồ tiêu.
Trao đổi với chúng tôi khi vừa hoàn thành việc trồng mới gần 2 sào hồ tiêu, anh Trần Đức Hùng ở Đội 4, thôn Nam Cường, Vĩnh Nam, Vĩnh Linh cho biết: “Gia đình tôi có tổng cộng gần 1.000 gốc tiêu, trong đó có hơn 800 gốc đã cho thu hoạch với sản lượng bình quân khoảng 0,8- 1 tấn hạt tiêu khô. Trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng”. Theo kinh nghiệm của anh Hùng, để cây hồ tiêu không bị các loại bệnh như: bệnh chết nhanh, chết chậm hay tuyến trùng thì vườn tiêu phải luôn sạch sẽ; thường xuyên thu dọn lá, cành tiêu bị rụng trong vườn. Vào mùa mưa, tuyệt đối không cuốc dọn trong vườn mà chỉ khơi thông cống rãnh để thoát nước nhanh, tránh ứ đọng; rãi vôi trong vườn để phòng bệnh, tuyệt đối không bón phân chuồng vào thời điểm này.
Xã Vĩnh Nam có tổng diện tích 132 ha, trong đó diện tích phục hồi và kiến thiết cơ bản là 42 ha; diện tích cho thu hoạch là 90 ha, năng suất bình quân khoảng 1 tấn/ha/ năm. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh Hoàng Đức Quang cho biết: “Trước đây, khi giá hồ tiêu đang ở mức cao, người trồng tiêu thường sử dụng phân bón hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, nếu đầu tư như trước thì sẽ không có lãi, do đó, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và tỉnh tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người trồng tiêu các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Trồng mới đối với những hộ có đủ điều kiện, duy trì những vườn tiêu đang có theo hướng bền vững”.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Diệp Hồng Cương, hạt tiêu Vĩnh Linh có mùi thơm, vị cay đặc trưng, rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tính đến nay, diện tích trồng tiêu toàn huyện đạt hơn 1.300 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 970 ha. Tuy nhiên, do phần lớn trồng tiêu theo cách thức truyền thống nên năng suất thấp, bình quân chỉ đạt từ 1,3- 1,5 tấn/ha, cá biệt trong năm 2018 chỉ đạt 0,67 tấn/ha. Điều đáng nói là do nhiều nguyên nhân, mấy năm trở lại đây cây hồ tiêu bị nhiều loại dịch bệnh gây hại nặng. Đặc biệt, trong vụ hè thu vừa qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp không đảm bảo đủ nguồn nước cho cây hồ tiêu sinh trưởng và phát triển, nhiều vườn tiêu đã trồng lâu năm, trong đất tiềm ẩn nhiều loại dịch bệnh gây hại nên dễ phát sinh dịch bệnh. Mặt khác, giá hồ tiêu đang xuống thấp nên nông dân ít đầu tư dẫn đến nhiều vườn không được chăm sóc theo đúng yêu cầu kĩ thuật, cũng như không mặn mà trong việc trồng mới. Ông Cương phân tích, để trồng mới 1 ha hồ tiêu có đầy đủ hệ thống tưới phải đầu tư khoảng 400- 450 triệu đồng, trong khi với giá tiêu hiện nay khoảng từ 40.000- 50.000 đồng/kg thì năng suất đạt 1,5 tấn/ha chỉ mang lại 60- 75 triệu đồng/năm. “Bên cạnh phấn đấu diện tích trồng mới trong toàn huyện năm 2019 từ 15- 20 ha, Phòng Nông nghiệp và PTNT còn hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Ixraen và mô hình trồng tiêu theo hướng hữu cơ trên diện tích 2 ha tại các xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Kim. Thiết kế lại các vườn tiêu bị chết sang trồng các loại cây trồng khác. Đồng thời, cùng với các cơ quan chuyên môn như Trạm Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến nông xây dựng các mô hình quản lí dịch hại tổng hợp (IPM), tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất hồ tiêu bền vững nhằm duy trì và phát triển các vườn tiêu”, ông Cương thông tin.
Còn tại huyện Gio Linh, thời tiết xấu và dịch bệnh cũng đã làm diện tích tiêu toàn huyện giảm gần 40 ha trong năm 2019, xuống còn khoảng 428 ha. Để phục hồi các vườn tiêu, huyện Gio Linh đã hỗ trợ xây dựng các mô hình tưới tiết kiệm tại các xã Gio Bình, Gio An, Trung Sơn, Gio Phong, Linh Hải, Gio Hòa với tổng diện tích 9,6 ha, năng suất bình quân đạt gấp 1,5 lần so với đại trà. Mô hình trồng tiêu hữu cơ tại xã Gio An gồm 134 hộ tham gia với tổng diện tích 62 ha, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm; năm 2018 đã xuất khẩu được 18,2 tấn hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Châu Âu, năm 2019 đã xuất khẩu được 43 tấn. Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Gio Linh Võ Thị Tuyết Trinh cho biết: “Hiện nay, trên cây hồ tiêu đang bị nhiễm một số loại sâu bệnh như bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng, thán thư… Theo dự báo mùa mưa năm 2019 sẽ có nhiều đợt mưa lớn, kéo dài nhiều ngày làm ẩm độ không khí tăng cao; đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại nặng. Vì vậy, nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh”.
Hiện toàn tỉnh có 2.505 ha hồ tiêu, trong đó, diện tích khai thác là 2.042 ha, sản lượng bình quân 2.000 tấn/năm. Các giống tiêu được trồng chủ yếu là giống tiêu địa phương có chất lượng cao, trong đó giống tiêu Vĩnh Linh được đánh giá là 1 trong 5 giống tiêu có chất lượng hàng đầu của cả nước. Tuy nhiên, trong vụ thu đông một số vườn tiêu thường bị úng nước tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng dịch bệnh phát sinh và gây hại. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền, để phục hồi cây tiêu, thời gian qua đã ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất và mang lại hiệu quả cao như: Mô hình IPM; mô hình sử dụng chế phẩm sinh học MT1, SH1, Tricoderma; mô hình tưới nước tiết kiệm, tự động cho cây tiêu kết hợp với bón phân; mô hình trồng tiêu hữu cơ, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Châu Âu, Châu Mĩ; một số giải pháp thiết kế vườn chắn gió bão, thoát nước mùa mưa…
Ông Hiền khuyến cáo, về lâu dài, đối với những vườn tiêu già cỗi, cần mạnh dạn phá bỏ và trồng mới theo phương pháp an toàn sinh học. Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh và tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ giống, phân bón, chế phẩm sinh học và tập huấn kĩ thuật để xây dựng và nhân rộng mô hình trồng và chăm sóc hồ tiêu theo quy trình hữu cơ, cho năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Chọn lựa, xây dựng các vườn giống đầu dòng có chất lượng nhằm cung ứng giống sạch bệnh đảm bảo cho trồng mới trên địa bàn tỉnh; thử nghiệm các giống tiêu mới có chất lượng cao để tuyển chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương đưa vào cơ cấu bộ giống. “Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai việc phục hồi các vườn tiêu cũ, quy hoạch vùng trồng mới cây hồ tiêu ở những vùng có điều kiện thuận lợi; áp dụng biện pháp canh tác bền vững theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm; chú trọng công tác quản lí dịch bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng tiêu trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ để nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người trồng tiêu. Thiết lập kênh thông tin thị trường vật tư phân bón và sản phẩm hồ tiêu giúp nông dân chủ động hơn trong đầu tư sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hồ tiêu, mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Hiền khẳng định.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143232