Tập trung sản xuất nông nghiệp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tập trung chỉ đạo sản xuất vụ xuân năm 2025 trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Đối với sản xuất vụ đông 2024-2025, các địa phương tiếp tục chỉ đạo khẩn trương thu hoạch nhanh gọn những diện tích cây vụ đông đã đến kỳ thu hoạch. Tiếp tục gieo trồng các loại rau ưa lạnh, ngắn ngày trên các chân đất chuyên màu, áp dụng biện pháp trồng rải vụ nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn rau xanh trong dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Ất Tỵ. Triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất trồng trọt. Theo dõi chỉ đạo các địa phương, HTX, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây trồng vụ đông thông qua hợp đồng, bảo vệ quyền lợi cho người nông dân và doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với lĩnh vực trồng trọt.
Đối với sản xuất vụ xuân 2025, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện mục tiêu sản xuất, tuân thủ nghiêm lịch thời vụ gieo trồng và phương án sản xuất theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 7037/SNN&PTNTTT&BVTV ngày 17/12/2024.
Đối với cây lúa, chuẩn bị giống đủ số lượng, đúng cơ cấu, phân bón, nước tưới, vật tư nông nghiệp khác... để triển khai sản xuất vụ xuân năm 2025. Điều tiết và duy trì mực nước 2-3 cm trên mặt ruộng để giữ ấm cho mạ và diện tích lúa đã cấy, thực hiện che phủ nilon 100% diện tích mạ. Theo dõi sát tình hình thời tiết để điều chỉnh việc gieo cấy, chăm bón cho phù hợp.
Chỉ đạo gieo cấy lúa xung quanh tiết Lập xuân. Không thực hiện gieo cấy, bón phân đạm cho mạ và lúa mới cấy khi nhiệt độ xuống thấp dưới 150C. Tuyệt đối không phun thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ dưới 150C, nếu trong điều kiện cho phép sử dụng thuốc trừ cỏ thì không được phối trộn với bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào khác. Trên diện tích đã làm đất và gieo cấy, cần quan tâm phòng trừ ốc bươu vàng bằng cách tạo các rãnh nhỏ xung quanh ruộng, để ốc tập trung xuống rãnh nước khi tháo nước và thu gom; cắm que cọc rải rác trong ruộng để ốc leo lên đẻ trứng, sau đó thu trứng; dùng lưới có lỗ nhỏ chặn cống dẫn nước vào ruộng để ngăn ốc từ bên ngoài xâm nhập; những vùng có mật độ ốc cao, ốc tuổi nhỏ dùng thuốc hóa học có hoạt chất Metaldehyde, Metaldehyde + Nicolosamid, Nicolosamid để phòng trừ. Không sử dụng thuốc gần khu vực nuôi trồng thủy sản.
Tiếp tục triển khai tốt công tác diệt chuột theo Công điện số 06/CĐUBND, ngày 25/3/2024 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp và môi trường, nhằm giảm mật độ chuột ngay từ đầu vụ, đặc biệt là những nơi chuột cư trú như: mương nước, bờ vùng, cồn bãi, nghĩa trang, công trình thủy lợi, quanh các trang trại...
Đối với cây màu, như: ngô, lạc, rau đậu các loại... ngoài việc gieo trồng đúng thời vụ, cần chỉ đạo nông dân tranh thủ độ ẩm đất để gieo trồng và sử dụng các loại giống cây trồng có lợi thế và thị trường tiêu thụ.
Tiếp tục tổ chức tốt công tác thu hoạch mía, sắn nguyên liệu đồng thời tiến hành trồng mới khi điều kiện thời tiết, độ ẩm đang phù hợp. Đối với cây mía, đẩy mạnh sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng, chữ đường cao, trồng mía bằng giống nuôi cấy mô (Invitro); đối với diện tích mía lưu gốc, hướng dẫn người trồng mía tranh thủ thời tiết mưa ẩm, khẩn trương bạt gốc, cày sả luống, chắm dặm đảm bảo mật độ, bón phân chăm sóc theo quy trình.
Trên diện tích cây sắn, đặc biệt là sắn làm nguyên liệu cần sử dụng các giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh, có năng suất cao để trồng trong niên vụ mới, tuyệt đối không sử dụng các thân sắn đã nhiễm bệnh khảm lá virus vụ trước để làm giống, đồng thời nghiên cứu chuyển đổi linh hoạt cây trồng 1-2 vụ trên những diện tích sắn đã nhiễm nặng bệnh khảm lá virus vụ trước.
Đối với cây ăn quả, khi có dự báo sương muối, rét đậm, rét hại, cần có các biện pháp bảo vệ kịp thời như tủ gốc bằng tàn dư hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, cỏ khô, ... ) hay màng phủ nông nghiệp để vừa giữ ấm vừa giữ ẩm cho gốc và rễ cây. Sáng sớm vào những ngày rét đậm, đặc biệt khi có sương muối cần dùng vòi nước xịt lên để rửa lá làm trôi sương. Đồng thời, sử dụng biện pháp che chắn cho cây mới trồng để giảm tác hại của gió rét.
Ngoài biện pháp tủ gốc và tưới nước lên tán lá vào buổi sáng sớm, những nơi có điều kiện tiến hành hun khói ở đầu hướng gió, làm giảm tác động của gió rét. Có thể bón bổ sung supe lân trong thời điểm này để tăng cường sức chống chịu của cây bằng cách rải dưới tán cây mỗi gốc khoảng 0,1 – 0,2 kg cho mỗi 1m đường kính tán. Bên cạnh đó, có thể bổ sung thêm Kali, phân hữu cơ để tăng khả năng chống rét cho cây; tiến hành tủ gốc bằng tàn dư hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp để vừa giữ ấm vừa giữ ẩm cho gốc và rễ cây.
Công tác quản lý Nhà nước đối với vật tư nông nghiệp, khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, đúng cách; ưu tiên sử dụng các loại phân bón chuyên dùng, phân bón hữu cơ khoáng, hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, ngoài danh mục, hết hạn sử dụng...