Tập trung sản xuất vụ thu mùa

Sản xuất vụ thu mùa có ý nghĩa quan trọng, là vụ sản xuất cuối cùng trong năm, quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của năm. Vì vậy, sau khi thu hoạch xong vụ xuân, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương triển khai phương án sản xuất vụ thu mùa cho kịp thời vụ.

Nông dân xã Hoằng Cát (Hoằng Hóa) cày ải giải phóng đất chuẩn bị gieo cấy lúa vụ thu mùa.

Những ngày tháng 6 nắng như đổ lửa, trên khắp cánh đồng, nông dân ở các địa phương trong tỉnh vẫn nhộn nhịp ra đồng làm đất gieo mạ để kịp thời sản xuất vụ mùa bảo đảm khung thời vụ. Ông Đào Xuân Nghĩa, xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa), cho biết: “Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy 3 sào lúa. Ngay sau khi thu hoạch xong lúa vụ xuân, gia đình đã chủ động chuẩn bị giống, gieo mạ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Đồng thời, chúng tôi dẫn nước về ruộng để cày bừa và tiến hành gieo cấy theo khung thời vụ”.

Cùng với khu vực trung du và đồng bằng, trên các cánh đồng ở các xã miền núi phía Tây của tỉnh, người dân cũng đang tập trung làm đất, tu sửa kênh mương thủy lợi đưa nước về đồng để cày bừa gieo cấy vụ mùa. Bà Vi Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lang Chánh, cho biết: Để bảo đảm gieo cấy vụ thu mùa, trung tâm đã chuẩn bị khá đầy đủ giống, vật tư nông nghiệp phục vụ người dân sản xuất. Riêng với lúa giống, trung tâm đã nhập kho 5 tấn các giống lúa lai chủ lực theo cơ cấu giống của huyện, như: TBR225, Bắc Thịnh, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8, Dự Hương 8, Hương Bình, VNR20, VNR88, Kim Cương 111, TBR279, MHC2, Hà Phát 3, HANA số 7, BQ, Khang Dân ĐB, Hương Thanh 8, QR15... cung ứng cho nông dân trên địa bàn phục vụ sản xuất. Ngoài ra, trung tâm và các đại lý, cửa hàng kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện đã chuẩn bị đầy đủ vật tư nông nghiệp sẵn sàng phục vụ nông dân sản xuất.

Vụ thu mùa năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 153.000 ha cây trồng các loại, sản lượng lương thực 678.940 tấn. Trong đó, lúa 114.000 ha, ngô 13.100 ha, lạc 650 ha, khoai lang 1.000 ha, rau đậu các loại 13.740 ha và cây trồng khác 10.665 ha. Tổng giá trị sản xuất vụ thu mùa phấn đấu đạt gần 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 4.010 tỷ đồng, bình quân thu nhập đạt gần 51 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, sản xuất vụ thu mùa luôn tiềm ẩn các nguy cơ phức tạp và diễn biến bất thường của thời tiết, như: nắng nóng, hạn hán ở đầu vụ, bão lụt cuối vụ ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng cũng như sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Lao động nông thôn ngày càng thiếu do đi làm ăn xa hoặc vào các khu công nghiệp dẫn đến thiếu hụt lao động, nhất là vào các thời điểm gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch. Cùng với đó, tình trạng nông dân bỏ ruộng không sản xuất vụ mùa vẫn còn diễn ra, nếu không có giải pháp quyết liệt ở các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, sản xuất vụ thu mùa tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều đối tượng sâu bệnh hại nguy hiểm như sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh bạc lá, sâu keo mùa thu...

Hiện ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang đôn đốc bà con nông dân khẩn trương thu hoạch lúa xuân, thu hoạch đến đâu giải phóng đất đến đó để sản xuất vụ thu mùa. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân ở các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương đưa nước vào đồng ruộng, huy động máy móc cơ giới đẩy nhanh tiến độ làm đất đảm bảo gieo trồng vụ mùa trong khung thời vụ. Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vũ Quang Trung cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, chi cục đã định hướng cho các địa phương bố trí cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống và thời vụ theo hướng hạn chế cơ cấu các giống lúa lai 3 dòng, mở rộng diện tích gieo cấy trà mùa sớm, sử dụng giống lúa có chất lượng cao và đẩy mạnh liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm nông sản. Mỗi huyện chỉ nên cơ cấu 5 - 6 giống chủ lực, mỗi xã từ 1 - 3 giống nhằm thực hiện tốt các biện pháp quản lý thâm canh, điều tiết nước và quản lý sâu bệnh hại. Chi cục thường xuyên phối hợp với các địa phương kiểm tra đôn đốc các xã, thị trấn và các HTX trong tổ chức thực hiện phương án sản xuất, cơ chế, chính sách. Cùng với đó, chi cục quản lý chặt chẽ các giống mới, phân bón mới, quy trình kỹ thuật canh tác vào khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cử cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng theo dõi, cập nhật tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng và diễn biến thời tiết để hướng dẫn các biện pháp xử lý.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tap-trung-san-xuat-vu-thu-mua/188287.htm