Tập trung tháo gỡ khó khăn cho Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan

Là bệnh viện tuyến huyện hạng II, được giao mức độ tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính thuộc nhóm 2 (tự chủ chi thường xuyên) từ năm 2019, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan liên tục gặp khó khăn từ công tác quản lý tài chính đến cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự, hoạt động chuyên môn… dẫn đến số lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh giảm mạnh, nguồn thu bị ảnh hưởng, phải nợ lương cán bộ, nhân viên nhiều tháng.

Chụp CT-Scanner cho bệnh nhân tại Khoa Cận lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan..

Chụp CT-Scanner cho bệnh nhân tại Khoa Cận lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan..

Khó khăn bủa vây

Trước đây, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan luôn là một trong những đơn vị y tế tuyến huyện có đông bệnh nhân đến khám, chữa bệnh (KCB). Khi dịch COVID-19 bùng phát, Bệnh viện là một trong số các đơn vị y tế đầu tiên của tỉnh tiếp nhận, thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó có cả trường hợp phẫu thuật bệnh kèm theo trên bệnh nhân COVID-19. Bốn phòng khám đa khoa khu vực do Bệnh viện quản lý cũng không tiếp nhận KCB bệnh nhân thông thường. Điều này đã tác động đến tâm lý người bệnh, nhiều người e ngại khi đến Bệnh viện, cùng với đó việc thực hiện giãn cách phòng, chống dịch kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến việc thu dung, điều trị người bệnh.

Bên cạnh đó, do giai đoạn trước dịch COVID-19, người dân đến KCB đông nên Bệnh viện đã sử dụng số người làm việc khá lớn, nhất là các hợp đồng lao động. Khi số lượng người bệnh giảm, Bệnh viện chưa có giải pháp kịp thời giảm số lao động để cân đối thu chi.

Khó khăn tại đây chưa dừng lại khi mô hình tổ chức Phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc Bệnh viện hiện nay không phù hợp với quy định tại Thông tư số 07/2021/TT-BYT, ngày 27/5/2021 của Bộ Y tế. Hiệu quả hoạt động tại 4 phòng khám thấp do đã chấm dứt việc tiếp nhận người bệnh điều trị nội trú từ ngày 31/1/2018, chỉ thực hiện cấp cứu và kê đơn điều trị ngoại trú dẫn đến nguồn thu ngày càng giảm, không đủ chi. Mỗi năm, Bệnh viện phải bù lỗ cho 4 phòng khám đa khoa khu vực khoảng 2,5 tỷ đồng để đảm bảo chi lương và các hoạt động.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan cũng chịu ảnh hưởng từ tác động của chính sách. Thực hiện lộ trình "thông tuyến" khám, chữa bệnh BHYT, đặc biệt là "thông tuyến" tỉnh áp dụng từ ngày 1/1/2021 nên người bệnh ít hoặc không lựa chọn cơ sở KCB tuyến huyện để KCB đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của Bệnh viện.

Từ tháng 6/2021, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Nho Quan có 5 xã không còn được công nhận khu vực 3 và không được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Chính sách này đã làm giảm hơn 41.000 thẻ BHYT trên địa bàn huyện, gây khó khăn cho người dân 5 xã này tiếp cận các dịch vụ KCB khi không còn được hỗ trợ mua thẻ BHYT…

Những khó khăn kể trên đã khiến số lượng người bệnh đến KCB tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát (năm 2021-2022) giảm sâu so với năm 2019 (năm trước khi dịch bùng phát). Năm 2023, Bệnh viện tiếp đón 75.664 lượt người đến khám bệnh, đạt 93,4% kế hoạch; số bệnh nhân điều trị nội trú là 8.670 lượt, đạt 76% kế hoạch; công suất sử dụng giường bệnh đạt 70% kế hoạch; công tác phát triển chuyên môn kỹ thuật mới còn hạn chế và giảm dần qua các năm, chủ yếu là KCB ngoại trú, kê đơn thuốc. Tại 4 phòng khám đa khoa khu vực, số lượt KCB cũng giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019, chỉ bằng 29-60% kế hoạch.

Điểm trung bình đánh giá theo tiêu chí chất lượng bệnh viện giảm dần qua các năm từ 2019-2023. Từ năm 2020-2023, Bệnh viện bị mất cân đối trong công tác quản lý tài chính do nguồn thu giảm dần qua từng năm. Do nguồn thu thấp chưa đảm bảo chi hoạt động thường xuyên dẫn đến chế độ, chính sách, tiền lương thực hiện không kịp thời, thu nhập tăng thêm giảm đã gây tác động tiêu cực đến tâm lý của người lao động.

Mong mỏi có đầy đủ trang thiết bị để phục vụ người bệnh

Mặc dù không được đảm bảo chế độ tiền lương, trợ cấp, phụ cấp trong nhiều tháng nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan vẫn luôn nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao. Tuy nhiên, khó khăn chồng chất khó khăn khiến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện bị ảnh hưởng.

Hệ thống trang thiết bị chuyên dùng sử dụng trong hoạt động KCB được đầu tư từ lâu, đa phần đã cũ, hỏng, lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu dung người bệnh. Trong số các trang thiết bị lớn Bệnh viện đang sử dụng, chỉ có một số thiết bị được đưa vào sử dụng giai đoạn 2019-2020 như máy chụp cắt lớp vi tính, máy xét nghiệm sinh hóa AU480. Còn lại hầu hết được trang bị từ năm 2017 trở về trước, cá biệt có thiết bị từ năm 2011 như: máy X-Quang, máy gây mê kèm thở, máy nội soi tiêu hóa hiện đã hư hỏng không sử dụng được. Do đó, một số chuyên khoa như: Mắt, tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt, phục hồi chức năng, gây mê hồi sức, dù đơn vị có bác sỹ chuyên khoa nhưng thiếu trang thiết bị nên không thể triển khai các dịch vụ.

Máy siêu âm màu tại Khoa Cận lâm sàng đã bị hỏng nhiều năm nay, không phục vụ được nhu cầu của người bệnh.

Tại Khoa Cận lâm sàng, nơi thực hiện các kĩ thuật tạo ảnh y học để chẩn đoán bệnh và theo dõi kết quả điều trị bằng các thiết bị như Xquang, siêu âm…, người bệnh đến đây vẫn đang được siêu âm bằng những chiếc máy đen trắng. Dẫn chúng tôi tìm hiểu về thiết bị siêu âm màu đặt tại một căn phòng đã khóa kín cửa, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa cho biết: Chiếc máy siêu âm màu có tuổi thọ gần 19 năm, đã bị hỏng từ năm 2020, trải qua vài lần sửa chữa rồi chỉ sử dụng được 1-2 lần lại hỏng nên đã nằm "đắp chiếu". Hệ thống nội soi tiêu hóa và hệ thống nội soi tai-mũi-họng bị hỏng, không có thiết bị khác sử dụng thay thế nên 2 dịch vụ y tế liên quan đến 2 hệ thống nội soi này cũng cũng không phục vụ được nhu cầu người bệnh. Với các trang thiết bị đã cũ, hỏng như hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Khoa mong muốn Bệnh viện sớm giải quyết khó khăn, tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng KCB, phát triển các kỹ thuật mới để phục vụ người bệnh.

Đối với Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh, các bác sỹ mong muốn được trang bị thêm thiết bị máy móc mới, hiện đại để phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới như: thăm dò các khối để loại trừ mạch máu xung quanh, siêu âm tim và mạch… Nếu đáp ứng được các nhu cầu KCB của người dân, chắc chắn sẽ thu hút được người bệnh.

Tại Khoa Nội, bác sỹ Hoàng Thị Mai Hương chia sẻ: Khoa Nội chủ yếu điều trị các bệnh mãn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, hô hấp, phổi, xương khớp… Tuy nhiên, máy móc thiết bị chuyên sâu chưa được đầu tư nên các kỹ thuật như tiêm nội khớp mô mềm chưa thực hiện được. Trong khi đó, về khả năng chuyên môn, Khoa Nội có thể điều trị được cho bệnh nhân. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại Khoa mong muốn các trang thiết bị được đầu tư đồng bộ sẽ mở rộng, phát triển thêm các kỹ thuật điều trị chuyên sâu về khớp, huyết áp, đái tháo đường. Khi đó, người bệnh không phải lên tuyến trên mà có thể được điều trị ngay tại tuyến huyện.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Bác sỹ Phạm Thái Hòa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan cho biết: Trong các giải pháp để từng bước giải quyết khó khăn cho đơn vị, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thu hút người bệnh đến KCB.

Bệnh viện đã tập trung cải tiến quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh, bố trí khu vực đón tiếp thuận tiện cho người bệnh, bố trí bộ phận công tác xã hội hướng dẫn người bệnh thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm tập trung để người bệnh đỡ phải đi lại nhiều. Đối với người bệnh điều trị nội trú được nhân viên y tế hỗ trợ đưa đón làm các thủ tục hành chính như tạm thu viện phí, thanh toán ra viện, làm các thủ tục chuyển tuyến… đã góp phần tạo sự hài lòng của người bệnh.

Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Bệnh viện đã nhận chuyển giao kỹ thuật quản lý bệnh nhân đái tháo đường, quản lý điều trị viêm gan B và kỹ thuật đọc điện tim; nâng cao năng lực cho Khoa Cấp cứu để phục vụ người bệnh…

Đồng thời, Bệnh viện đang tích cực đầu tư cải thiện chất lượng bệnh viện, từng bước cơ cấu nhân lực hợp lý, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng khoa, phòng trong việc thu dung, điều trị bệnh nhân.

Cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ khám và điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh viện đã thực hiện cắt giảm 12 hợp đồng làm công việc hộ lý, tiến hành thuê dịch vụ làm công tác vệ sinh tại các khoa, phòng; các công việc như cho mượn đồ dùng phục vụ bệnh nhân giao cho Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn trực tiếp đảm nhận; kiện toàn lại vị trí lãnh đạo 4 phòng chức năng, rà soát lại nhân lực tại các vị trí thường trực, đã giảm 4 người trong 1 kíp trực tại 4 phòng khám đa khoa khu vực, giảm vị trí thường trực tại Khoa Dược; điều chuyển 7 nhân viên tại các phòng khám đa khoa khu vực về làm việc tại các phòng, khoa của Bệnh viện; tăng cường nhân lực, điều chuyển 4 bác sỹ chuyên khoa Y học cổ truyền về làm việc tất cả các ngày trong tuần tại phòng khám đa khoa khu vực Quỳnh Sơn và Thanh Lạc.

Bên cạnh đó, Bệnh viện đã họp hội đồng lương, rà soát lại mức hưởng phụ cấp cho toàn bộ nhân viên theo đúng quy định, đã điều chỉnh giảm phụ cấp 28 người, tăng phụ cấp cho 5 trường hợp.

Hiện Bệnh viện đã giải quyết lương cho cán bộ, nhân viên đến hết năm 2023. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đang chờ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ về việc "bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế" để được xem xét thanh toán tổng số tiền vượt tổng mức thanh toán giai đoạn 2019-2021 đã được cơ quan BHXH thống nhất để trả lương và duy trì các hoạt động tiếp theo của Bệnh viện.

Đối với ngành Y tế, để giải quyết khó khăn cho Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, lãnh đạo Sở Y tế Ninh Bình đã có nhiều cuộc họp với ban lãnh đạo, gặp gỡ nhân viên để nắm bắt tình hình, tư tưởng cán bộ, nhân viên Bệnh viện và đã có văn bản kết luận các nội dung làm việc với Bệnh viện.

Để giúp Bệnh viện có nguồn thu, trả tiền lương cho y, bác sĩ và các nhà cung ứng vật tư y tế, Sở Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp yêu cầu Bệnh viện thực hiện về: quản lý tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự, công tác cung ứng, sử dụng thuốc, hoạt động KCB, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế chuyên dùng….

Trong đó, Bệnh viện cần tăng cường công tác quản lý tài chính, thu chi hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, đúng quy định, kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ được giao. Phải xây dựng chiến lược tài chính lâu dài cho giai đoạn 2023-2030 làm cơ sở để thực hiện cân đối thu chi và phân bổ chi phí trong năm đảm bảo phù hợp với tình hình của đơn vị và đúng quy định hiện hành. Đồng thời, rà soát công nợ phải trả và xây dựng phương án thanh toán công nợ quá hạn, thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp cho người lao động…

Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các phòng chức năng của Sở tham mưu phương án, giải pháp sắp xếp, bố trí, thay thế đối với viên chức quản lý năng lực hạn chế, hiệu quả điều hành thấp, tinh thần, thái độ làm việc không tốt theo phân cấp quản lý cán bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những bất cập, khó khăn, vướng mắc của đơn vị để hướng dẫn giải quyết và định hướng phát triển.

Tham mưu đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng đề án chuyển các Phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc Bệnh viện sang Trung tâm Y tế huyện Nho Quan. Sở đã làm việc với Huyện ủy Nho Quan, đề nghị UBND huyện, các đơn vị, địa phương trên địa bàn phối hợp với Bệnh viện để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút người dân đến KCB tại cơ sở y tế tuyến huyện. Sở cũng đã làm việc với Sở Nội vụ, Sở Tài chính để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác tự chủ và nhân sự của Bệnh viện phù hợp với cơ chế, chính sách và có lộ trình cụ thể.

Bài, ảnh: Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tap-trung-thao-go-kho-khan-cho-benh-vien-da-khoa-huyen-nho/d20240318083911239.htm