Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Đại dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ, kéo dài từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng, toàn diện lên xã hội. Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị gồng mình phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh cho nhân dân, kinh tế giảm sút, đòi hỏi tỉnh phải xây dựng các giải pháp tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế…

Quý I tăng trưởng âm

Lần đầu tiên trong lịch sử, Khánh Hòa có số tăng trưởng… âm dù chỉ là trong quý I. Theo số liệu của UBND tỉnh, trong 3 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GRDP giảm 9,3%, kim ngạch xuất khẩu giảm 7,63%, doanh thu du lịch giảm 41,8%, số lượt khách lưu trú giảm 58,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 18,7%, thu ngân sách giảm 18,4% so cùng kỳ…

 Dây chuyền sản xuất khẩu trang của Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.

Dây chuyền sản xuất khẩu trang của Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.

Đi sâu vào một số ngành cụ thể, con số còn buồn hơn. Số lượng lao động ngành Du lịch bị cắt giảm, không có việc làm khoảng 17.100 người. Các doanh nghiệp khác thì chia ca, luân phiên làm việc. Qua rà soát, có 1.664 doanh nghiệp, 1.211 hộ kinh doanh trong tỉnh bị ảnh hưởng… Ấy là chưa tính nông dân các huyện đang lo quay quắt, chuẩn bị đối phó với một mùa khô hạn nặng.

Những con số trên chưa nói hết được những khó khăn của tình hình kinh tế chung. Bởi trong quý này, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn còn chút dự trữ từ năm 2019 đưa sang, còn cầm cự được ít lâu. Với tình hình dịch bệnh vừa qua, lệnh cách ly toàn xã hội được nghiêm túc thực hiện, số liệu trong những tháng tới còn ảm đạm hơn nữa…

Trong khó khăn chung, Khánh Hòa còn có những khó khăn riêng. Chúng ta bị tác động nặng nề hơn nhiều tỉnh khác bởi cơ cấu dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng tương đối cao trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Hiện tại, chúng ta vừa phải tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, vừa phải xây dựng các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, xây dựng kịch bản phát triển khi hết dịch. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện 3 nhóm giải pháp chính.

Nhóm thứ nhất: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Trong đó, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp được tiếp cận vốn tín dụng, các gói hỗ trợ của Chính phủ. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo hệ thống chủ động có các giải pháp hỗ trợ khách hàng, ổn định mặt bằng lãi suất, thực hiện nghiêm quy định về trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, cân đối đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Cục Thuế khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất của các doanh nghiệp. Thực hiện kịp thời miễn, giảm, gia hạn nợ, hoàn thuế, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế.

Nhóm thứ hai: Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm. UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổng hợp kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng theo NQ 42 ngày 9-4-2020 của Chính phủ, trong đó được phép sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách các cấp, 70% nguồn dự trữ tài chính cấp tỉnh, nguồn cải cách tiền lương… để đảm bảo kinh phí sau khi Trung ương có hướng dẫn cụ thể. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu và các đối tượng chính sách trong thời gian có dịch ước 650 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ, thủ tục tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, không tính lãi phạt chậm nộp. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm.

Nhóm thứ ba: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Giải pháp này có thể coi là kênh kích cầu chính tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bởi trong điều kiện khó khăn hiện nay, chỉ có nhà nước là sẵn vốn và sẵn công việc, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Để giải pháp này mau chóng phát huy tác dụng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Một số dự án khởi công mới sử dụng nguồn dự phòng chung và khoản 10 ngàn tỷ từ ngân sách Trung ương đã hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, trình cho HĐND tỉnh kỳ họp tới để thông qua phê duyệt chủ trương đầu tư, trình Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Rà soát giảm vốn các dự án bị vướng giải phóng mặt bằng, không có khả năng thực hiện hết vốn trong năm 2020 để bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31-12-2019 nhưng còn chưa thanh toán đủ, số còn lại đưa vào chưa phân bổ để dự phòng.

Hiện nay, chưa một ai có thể lường trước được diễn biến dịch bệnh trong những tháng tới diễn biến như thế nào, kéo dài bao lâu để có thể xây dựng các kịch bản hồi phục sản xuất, kinh doanh tương ứng. Những giải pháp của tỉnh phần nào đáp ứng được yêu cầu vừa ứng phó dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh.

TRẦN DUY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202004/tap-trung-thao-go-kho-khan-cho-san-xuat-kinh-doanh-8160048/