Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc - Tăng tốc về đích!
Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai Dự án xây dựng Ðại học Quốc gia Hà Nội thành trung tâm đào tạo đại học tiên tiến, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao ngang tầm khu vực, đạt tới trình độ quốc tế.
Theo đề án quy hoạch tổng thể Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tại Quyết định 1907/QĐ-TT ngày 18/10/2013 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2025, trên khu đất 1.000ha sẽ có 8 đại học, 5 khoa trực thuộc, 5 viện, 10 trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và các trung tâm nghiên cứu liên hợp, 10 đơn vị phục vụ. Toàn bộ cơ sở của ĐHQGHN ở nội thành được dời lên Hòa Lạc.
Từ khi dự án được chuyển giao từ Bộ Xây dựng về ĐHQGHN, Ban quản lý dự án (BQLDA) đã đoàn kết nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những thuận lợi được sự quan tâm của Chính phủ cùng các Bộ, ngành, hiện nay dự án đang còn gặp nhiều khó khăn về GPMB, tái định cư và nhất là về vốn để đẩy nhanh dự án.Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Hoàng Đức Thắng - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc cho biết:
Ông Hoàng Đức Thắng - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Sau khi có QĐ số 2068/QĐ-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) ĐHQGHN tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng thì ĐHQGHN đã triển khai khẩn trương QĐ của Thủ tướng. Ngày 25/01/2018 Bộ Xây dựng cùng ĐHQGHN tổ chức lễ ký bàn giao và tiếp nhận Dự án giữa hai bên.
Ngay khi tiếp nhận dự án, ĐHQGHN đã khẩn trương triển khai sắp xếp ổn định tổ chức, ban hành quy định tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án (BQLDA) ĐTXD ĐHQGHN tại Hòa Lạc gọi tắt là BQLDA Hòa Lạc. Lãnh đạo ĐHQGHN mà cụ thể là đồng chí Giám đốc Nguyễn Kiên Sơn, đồng chí Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải đã khẩn trương, tích cực, sâu sát chỉ đạo các ban tham mưu, BQLDA kế hoạch ĐTXD dự án trước mắt cũng như giai đoạn các năm sau và cụ thể hóa trong các kế hoạch tháng, quý, năm cũng như đề ra các giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện dự án. Trong thời gian qua đã triển khai được một số việc chính và chủ yếu cụ thể là:
Đã rà soát lại toàn bộ các hợp đồng, các gói thầu để đề ra giải pháp, biện pháp tổ chức tiếp tục thực hiện; rà soát công tác quy hoạch, lấy ý kiến của UBND TP. Hà Nội, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các Bộ/ngành có liên quan. Ngày 01/10/2019 Bộ XD báo cáo Thủ tướng về rà soát công tác quy hoạch của dự án.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Viện Trần Nhân Tông và Trường ĐH Việt Nhật vào Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng ĐHQGHN.
ĐHQGHN tổ chức lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 (Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000) ĐHQGHN tại Hòa Lạc để bổ sung Viện Trần Nhân Tông và đã được Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt, đảm bảo đúng mục tiêu phát triển, tiết kiệm đất theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 464/TB-VPCP ngày 5/10/2017.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý ĐHQGHN tổ chức lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và triển khai đầu tư xây dựng các Viện và Trung tâm nghiên cứu của ĐHQGHN trên khu đất VNC2 với diện tích Khu đất 22,9ha thuộc khu các cơ sở nghiên cứu cao cấp quốc gia theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 được cấp quyền phê duyệt, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Về công tác GPMB và dự án tái định cư ĐHQGHN đã chỉ đạo BQLDA Hòa Lạc phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thạch Thất, BQL các dự án huyện Thạch Thất, UBND huyện Thạch Thất để hoàn thành hồ sơ, để sẵn sàng thẩm định nguồn vốn GPMB, tái định cư khi được Chính phủ và Quốc hội bố trí nguồn vốn.
Trong công tác chuẩn bị đầu tư: Đang triển khai, rà soát, hoàn thành các thủ tục dự án, đánh giá tác động môi trường, thẩm định nguồn vốn dự án, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 cho dự án trung tâm giáo dục quốc phòng để sẵn sàng triển khai đầu tư.
Về thực hiện đầu tư: Ngay sau khi chuyển dự án từ Bộ Xây dựng sang ĐHQGHN, lãnh đạo ĐHQGHN đã chỉ đạo xử lý khắc phục khó khăn của mặt bằng thi công cũng như đường điện dân sinh, đã triển khai ngay thi công công trình HT1 thuộc cụm công trình Zone 4 trường ĐH Khoa học Tự nhiên và đã triển khai thi công xong phân thô, đang hoàn thiện và triển khai thi công gói thang máy và điều hòa của công trình.
Cùng với triển khai tòa nhà HT1, Ban QLDA Hòa Lạc đã đôn đốc đơn vị TVTK chỉnh sửa hoàn thiện thiết kế BVTC và dự toán công trình HT2 và hạ tầng cảnh quan nội khu Zone 4, hiện nay bản vẽ TKTC và dự toán HT2 đã thẩm tra xong, đã thẩm định PCCC của công an TP. Hà Nội và đang được Bộ Xây dựng thẩm định, gói hạ tầng cảnh quan nội khu Zone 4 đang được đơn vị tư vấn TK hoàn chỉnh theo ý kiến của đơn vị thẩm tra để trình Bộ Xây dựng thẩm định trong tháng 12/2019.
Các công trình hạ tầng kỹ thuật đã và đang triển khai của dự án hạ tầng kỹ thuật chung (Q6-HN02) đã cơ bản hoàn thành phần việc của gói thầu với mặt bằng đã được bàn giao, hiện còn một số vị trí còn vướng mặt bằng và tái định cư khi được bố trí tiền bổ sung sẽ xử lý và triển khai thi công hoàn thiện, tạo sự kết nối lưu thông cho hoạt động khi các công trình của các dự án thành phần hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng cũng như yêu cầu thiết yếu khi chuyển dần cơ sở các trường từ Hà Nội lên Hòa Lạc.
Tuy đạt được những kết quả cụ thể nhất định trong thời gian qua nhưng tiến độ dự án còn chậm do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, tuy đã GPMB được 75% diện tích triển khai Dự án nhưng công tác GPMB còn chậm, chưa đạt được kế hoạch tiến độ đề ra do khi sáp nhập tỉnh Hà Tây và 4 xã tỉnh Hòa Bình về Hà Nội. Tuy TP. Hà Nội đã xây dựng cơ chế đặc thù trong GPMB cho dự án và đã được Thủ tướng chấp thuận xong vẫn còn một số chế độ chính sách chưa xử lý xong như chế độ theo QĐ 156, QĐ 488 của tỉnh Hà Tây cũ, hiện TP. Hà Nội đã chấp thuận giao cho huyện Thạch Thất áp dụng xử lý. Vấn đề nguồn tiền cho công tác GPMB cũng không còn và chưa được bố trí (đã hết từ năm 2018).
Thứ hai, dự án xây dựng khu tái định cư mà trước mắt đang triển khai xây dựng khu tái định cư B-C của khu tái định cư phía Bắc, đến cuối năm 2017 cũng hết kinh phí và chưa có nguồn để bố trí tiếp. Bên cạnh đó, trục đường chính khu tái định cư phía Bắc bị vướng 6.000m2 của Trung tâm huấn luyện của Bộ Quốc phòng, về vấn đề này TP. Hà Nội đã có hẳn văn bản đề xuất Thủ tướng giải quyết.
Thứ ba, đó là vấn đề nguồn vốn cho dự án ít vì hạn chế. Hiện ĐHQGHN đã đề nghị xin được bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng Trung ương trong kế hoạch trung hạn 2016-2020; bên cạnh đó ĐHQGHN đang triển khai và hoàn thiện hồ sơ tài liệu để vay 100 triệu USD từ nguồn vốn ngân hàng thế giới WB.
ĐHQGHN cũng hết sức tích cực trong kêu gọi, khai các nguồn vốn xã hội hóa, các nguồn vốn hợp pháp khác.
Sơ đồ quy hoạch chung xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Thứ tư, đó là cơ chế của ĐHQGHN trong quá trình triển khai dự án còn ít và chưa đủ tạo điều kiện cho ĐHQGHN chủ động, tích cực với thẩm quyền của cơ quan cấp quyết định đầu tư, nhất là các cơ chế liên quan đến đầu tư xây dựng và huy động sử dụng vốn PPP (ĐHQGHN đã nêu những nội dung cụ thể xin cơ chế đặc thù về vấn đề này ở các văn bản đã gửi Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ).
Thứ năm, đội ngũ triển khai dự án qua nhiều thời kỳ chủ yếu là kế thừa nguyên trạng, trong lúc kinh phí bố trí cho dự án còn hạn chế, triển khai công việc của dự án một số thời kỳ chưa tốt, một số cán bộ, Đảng viên, CBCNV của BQL dự án đã giảm sút ý chí phấn đấu, năng lực chuyên môn mai một, kỹ năng xử lý công việc thực tế của Dự án còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hiện nay được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, dự án đã được Quốc hội thông qua cho bổ sung vốn từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn 2016-2020 là 1.000 tỷ mà trước mắt năm 2020 cấp trước 500 tỷ đồng.
Bên cạnh vốn cấp theo kế hoạch năm 2020 là 70 tỷ cộng với các nguồn vốn đó ĐHQGHN đang đẩy nhanh, hoàn tất các thủ tục đi vay 100 triệu USD từ nguồn vốn ngân hàng thế giới.
Ngoài ra, ĐHQGHN đang tích cực kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ hình thức PPP và kêu gọi các nguồn vốn xã hội hợp pháp khác. Như vậy khó khăn về vốn cho dự án đã bước đầu và bắt đầu được tháo gỡ.
Ông Hoàng Đức Thắng cho biết thêm, trong những ngày tháng 12/2019 này chúng tôi thấy từ lãnh đạo ban cho đến các phòng, ban và CBCNV Ban QLDA đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành kế hoạch 2019 được giao cũng như tạo tiền đề, tạo đà cho triển khai kế hoạch năm 2020 đạt được nhiều thành tích hơn nữa.
Việc có thêm nguồn vốn Nhà nước giai đoạn đầu là cần thiết để từng bước di dời các cơ sở ở Hà Nội lên Hòa Lạc và đảm bảo điều kiện cho thầy trò lên giảng dạy và học tập. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng các Bộ, ban/ngành có liên quan mà đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của ĐHQGHN, dự án Đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc sẽ có những bước phát triển mới trong năm 2020 và những năm tiếp theo, đáp ứng sự phát triển của ĐHQGHN theo định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 là duy trì vị thế đại học hàng đầu của Việt Nam; đến năm 2025 trở thành đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.