Tập trung tháo gỡ vướng mắc các dự án 'treo'
Một trong những nội dung rất quan trọng được xem xét, thảo luận tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Cũng tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; trong đó tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ nạn tham nhũng, tiêu cực liên quan đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng?...
Bài 1: Chậm xử lý các dự án “treo”
Có thể thấy, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đã, đang nảy sinh nhiều tồn tại, bất cập và hạn chế. Đáng chú ý, số lượng, diện tích đất đai chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích vẫn còn diễn ra ở hầu hết các địa phương; việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai không hiệu quả gây lãng phí nguồn lực lớn của xã hội.
Câu chuyện giải quyết dự án “treo” vẫn là vấn đề nóng trên nghị trường Quốc hội, được dư luận và người dân hết sức quan tâm. Dự án “treo” không chỉ ở một hay hai địa phương mà tồn tại nhiều năm qua tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, đáng lưu ý phải kể đến thành phố Hà Nội với 379 dự án; thành phố Hồ Chí Minh 126 dự án; tỉnh Thái Nguyên 22 dự án; tỉnh Hòa Bình 105 dự án… Mặc dù các địa phương đã nhiều lần thể hiện quyết tâm thực hiện, nhưng thực tế việc xử lý dự án “treo” vẫn “giậm chân tại chỗ”!
Nhiều dự án “giậm chân tại chỗ”
Thủ đô Hà Nội là một thí dụ điển hình cho việc triển khai thực hiện xử lý các dự án “treo”. Theo đó, trong gần ba năm thực hiện kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, nhưng kết quả xử lý dự án “treo” đạt rất thấp. Báo cáo của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng cho thấy, còn tình trạng tồn tại những dự án quy hoạch có “tuổi đời” từ 10 đến 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu”.
Trong khi theo kết quả thanh tra liên ngành, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý; trong đó, có 30 dự án được kiến nghị thu hồi; 35 dự án gia hạn tiến độ; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Ngoài ra, 63 dự án chậm giải phóng mặt bằng, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục để thực hiện. Điển hình trong số này có những dự án nhà đầu tư “ôm” đất hơn 10 năm không triển khai hoặc có văn bản đề nghị trả lại, xin dừng thực hiện, như dự án khu đô thị mới Prime Group; khu đô thị mới Vinalines, khu đô thị mới BMC; dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, khởi công tháng 5/2011; dự án Apex Tower, xây dựng trên khu đất có diện tích 2.780 m2, khởi công từ năm 2008...
Tại tỉnh Đồng Nai, theo ghi nhận thì hầu hết các địa phương trên địa bàn đều có các dự án chậm triển khai, trong đó nhiều dự án chậm từ 10 đến 30 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trong phạm vi dự án. Cuối năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thông qua danh mục thu hồi hơn 330 dự án, trong đó chỉ riêng tại ba khu phố 1, 2, 3 của phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa đã có bốn dự án kéo dài gần 20 năm chưa thực hiện, ảnh hưởng đến hơn 4.000 hộ dân sinh sống trong khu vực quy hoạch dự án...
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã rà soát, thu hồi đất 432 dự án, trong đó có 124 dự án chậm tiến độ, 300 dự án hết hạn không được gia hạn, hoặc trả lại đất do không có nhu cầu sử dụng. Tổng diện tích thu hồi hơn 12.000 ha, ngoài ra còn thu hồi, hủy bỏ hơn 384 địa điểm, quy hoạch, quyết định, chủ trương đầu tư do năng lực tài chính, kinh nghiệm của các chủ đầu tư còn hạn chế, thậm chí có một số nhà đầu tư cố tình giữ đất.
Trước tình trạng các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày càng tăng, trong đó có những dự án chậm tiến độ hàng chục năm, để trống nhiều khu đất vàng ngay trung tâm Đà Nẵng, làm mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực gây bức xúc trong dư luận nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra 181 dự án, khu đất có dấu hiệu vi phạm, chậm tiến độ trên địa bàn. Qua đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ra quyết định gia hạn tiến độ sử dụng đất cho 78 dự án, khu đất của các tổ chức; Ủy ban nhân dân các quận, huyện cũng kiểm tra và ban hành quyết định gia hạn tiến độ sử dụng đất 53 khu đất, dự án của các cá nhân, hộ gia đình; đồng thời các chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được gia hạn sử dụng đất với số tiền hơn 414 tỷ đồng...
Vì sao nhiều dự án chậm triển khai?
Pháp luật quy định, một dự án đầu tư trên đất được gọi là “treo” khi sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ triển khai dự án đề ra. Theo Luật Đất đai năm 2003, những dự án như thế sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất. Đến Luật Đất đai năm 2013, những dự án chậm triển khai được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn không triển khai thì bị thu hồi đất và các tài sản đã đầu tư trên đất. Nhưng Luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút giấy phép đầu tư. Theo Tiến sĩ luật Bùi Đức Hiển, Viện Nhà nước và Pháp luật, nhiều dự án “treo” hiện không thể giải quyết do chồng chéo trong quy định. Trước hết có thể thấy những mâu thuẫn trong quy định pháp luật gây khó cho việc xử lý chậm triển khai dự án. Mặt khác, trong Luật Đất đai không nêu rõ dự án treo trong thời hạn bao lâu thì bị hủy bỏ, mà chỉ có thời hạn hủy bỏ quy hoạch đối với việc thu hồi hoặc chuyển mục đích sử dụng đất sau ba năm.
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, Đàm Trung Hiếu, tình trạng dự án chậm triển khai là do các chính sách quy định liên quan đất đai quy hoạch có nhiều thay đổi; chờ rà soát theo quy hoạch hoặc tình hình dịch bệnh. Ngoài ra, có nguyên nhân chủ quan như nhận thức, ý thức chấp hành Luật Đất đai của các chủ đầu tư hạn chế, nhiều chủ đầu tư không phối hợp với địa phương, chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ tài chính, một số chủ đầu tư sắp hết hạn dự án thì đề nghị điều chỉnh gia hạn, một số sở, ngành thực hiện chưa phối hợp đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Dưới góc độ là địa phương triển khai quyết liệt trong công tác xử lý các dự án chậm triển khai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng vẫn là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư. Mặt khác, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, quy hoạch... vẫn còn một số nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện.
Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, việc chậm triển khai kết luận giám sát là do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ. Trong khi việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành của Ủy ban nhân dân thành phố chưa xuyên suốt; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, cấp trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; nhiều chủ đầu tư dự án chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư chưa tốt; vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích…
Nhìn nhận về thực trạng nêu trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, Hồ Văn Hà cho rằng, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn do căn cứ pháp lý để thu hồi những dự án này vướng một số quy định của pháp luật. Cuối tháng 4/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định hủy bỏ 12 dự án khu dân cư trên địa bàn huyện Long Thành do đã quá thời hạn ba năm chưa triển khai. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thông báo hủy bỏ việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư khu dân cư tại xã Vĩnh Thanh được quy hoạch từ năm 2008 trên diện tích gần 120 ha do Công ty cổ phần đầu tư phát triển Sông Đà làm chủ đầu tư, nhưng không tiến hành theo đúng tiến độ...
Bên cạnh nguyên nhân từ phía các chủ đầu tư, còn không ít vướng mắc khiến các dự án chậm triển khai như các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng chưa thống nhất, đồng bộ. Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, đối với tất cả các trường hợp Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai thì không được bồi thường về đất, nhưng được hoàn trả giá trị tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản đã đầu tư trên đất theo đúng mục đích đã được giao thuê. Song theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đối với các trường hợp vi phạm pháp luật theo khoản 1 điều 64 Luật Đất đai mà thuộc diện thu hồi đất thì không được hoàn trả giá trị tài sản và giá trị quyền sử dụng đất, trừ trường hợp điểm g khoản 1, điều 64 người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành thì được trả lại giá trị tài sản đã đầu tư trên đất. “Đây cũng là khó khăn cho tỉnh Quảng Ninh trong quá trình phối hợp với chủ đầu tư để xác định giá trị còn lại để hoàn trả cho chủ đầu tư cũ, bàn giao quỹ đất sạch cho Nhà nước quản lý. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất với Trung ương, các bộ, ngành cần có quy định chặt chẽ trong việc xác định năng lực của nhà đầu tư, có chế tài mạnh hơn nữa trong việc quản lý sử dụng đất đai không hiệu quả, lãng phí đất đai, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; đồng thời rút ngắn thời gian thu hồi đất do chậm tiến độ vì hiện nay chậm ít nhất 48 tháng mới thu hồi được đất và cần quy định rõ ràng hơn, dễ thực hiện trong quá trình thu hồi”, ông Đàm Trung Hiếu khẳng định.
Có thể khẳng định rằng, để xảy ra tình trạng dự án “treo”, dự án chậm triển khai trong nhiều năm có nguyên nhân từ công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án… “Tất nhiên, việc thu hồi các dự án “treo” là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải kiên quyết, cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Với những dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực cần có biện pháp xử lý thu hồi giao cho doanh nghiệp khác có năng lực để triển khai dự án, từ đó không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định ■
Số liệu báo cáo của 48 tỉnh, thành phố cho thấy, có 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80.453,2 ha. Trong đó, có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1 ha. Ngoài ra, còn có 732 dự án với diện tích là 7.488 ha đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư nhưng chậm làm thủ tục giao đất, thuê đất để triển khai thực hiện dự án và 289 dự án với diện tích 12.632,9 ha đã có quyết định, thông báo thu hồi đất để giao đất đã lâu, nhưng không thực hiện.
(Còn nữa)