Tập trung thu gom 'ngư cụ ma' để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
Hội thảo góp ý báo cáo tổng kết 'Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản', chiều 28/3, đã đưa ra các giải pháp có thể áp dụng với các tàu cá để giảm thiểu rác thải ngư cụ.
Thu gom rác thải nhựa trên biển đang là yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Một trong những đối tượng được nhắm tới của các chiến dịch này là ngư dân. Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, được phê duyệt và triển khai từ năm 2010 tại 10 khu vực và 9 tỉnh/thành phố đã thực hiện yêu cầu đặt ra và đạt được những kết quả ban đầu.
Ông Nguyễn Quốc Tĩnh, chuyên gia nhóm nghiên cứu dự án cho biết, dự án đã kêu gọi được sự sẵn lòng tham gia của người dân vào hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải nhựa vào bờ để xử lý.
“Sự sẵn lòng tham gia được thể hiện qua tỷ lệ người tham gia và mức đóng góp chi phí tiếp nhận, xử lý rác thải nhựa của tàu cá mang về bờ với mức bình quân 39.380 đồng/tháng/tàu, cao hơn nhiều lần mức chi phí xử lý lượng rác thải nhựa không có khả năng tái chế là 2.063 đồng/tháng/tàu. Mức đóng góp này có thể sử dụng làm mức giá dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa tại cảng cá”, ông Tĩnh chỉ ra.
Theo ông Tĩnh, việc thu gom, xử lý rác thải nhựa tại cảng sẽ được thực hiện theo lộ trình. Năm thứ nhất, thu thập thông tin xây dựng cơ cấu hình thành giá và kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa tại 1 cảng cá, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Năm thứ 2, xây dựng và công bố mức giá trực tiếp hoặc gián tiếp đối với từng loại tàu, mức giá trực tiếp phát sinh theo khối lượng đối với từng loại rác thải nhựa được cảng tiếp nhận, thu gom và xử lý theo quy định. Các năm tiếp theo có thể được điều chỉnh thông qua điều kiện cụ thể khi triển khai dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa cụ thể tại từng cảng.
Bà Nguyễn Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm rác thải nhựa, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên Việt Nam cho biết, dự án đã cùng Tổng cục Thủy sản có các nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa, để triển khai các hoạt động truyền thông, nghiên cứu, làm tiền đề cho các cơ chế quản lý rác thải nhựa ngành thủy sản.
“Dự án đang cùng Tổng cục Thủy sản nghiên cứu cơ chế thu gom rác thải nhựa thủy sản để khuyến khích tất cả tàu thuyền cả nước tham gia. Ngư cụ khi bị bỏ lại trên biển, không chỉ là rác thải mà còn được coi là ‘ngư cụ ma’ vô tình tiếp tục giết hại các sinh vật biển. Do đó, cần các cơ chế thu gom, tái chế hoặc xử lý phù hợp”, bà Thủy cho biết thêm.
Ban quản lý cảng cá đóng vai trò hạt nhân
Cũng theo kết quả dự án cho thấy, Ban quản lý cảng có có thể đóng vai trò đầu mối điều hành giám sát hoạt động thu gom, tiếp nhận, xử lý rác thải nhựa, bởi đây là đơn vị thường xuyên cập nhật và nắm chắc thông tin tàu thuyền ra vào cảng.
Do đó, Ban quản lý cảng cá có chức năng giám sát, điều tiết và cung cấp các dịch vụ cảng cho tàu khai thác thủy sản; thông qua kết hợp với các doanh nghiệp trong thu gom, tái chế rác thải nhựa.
Tham gia góp ý xây dựng cơ chế thu gom rác thải nhựa đại dương, ông Nguyễn Long, chuyên gia tư vấn cho rằng, cần tổ chức đội thu mua ngay tại cầu cảng để làm khâu thu gom. “Người nông dân mang được rác lên đến bờ đã là đáng quý. Sau một chuyến đi biển họ rất vất vả, việc mang rác đến nơi thu gom ở xa là không thực tế”, ông Long nói.
Theo ông Long, cơ chế chính sách nêu ra nhiều nhưng cần chương trình hành động cụ thể. Trong đó, cần chú trọng giao cho các cảng cá nhiệm vụ thu gom rác thải nhựa. Lập ban chuyên đề về xử lý rác thải nhựa, hoạt động trực tiếp tại các cảng. Ban này có sự tham gia của Sở NN&PTNT, UBND xã và đại diện của cộng đồng nhân dân.