Tập trung thực hiện các dự án trọng điểm
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long nhấn mạnh: 2024 là năm nước rút để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do đó, UBND tỉnh cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác cán bộ; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và tập trung chỉ đạo thực hiện 14 dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là các dự án giao thông kết nối vùng.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9%
Theo Chỉ thị của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước tỉnh Hòa Bình, năm 2024, tỉnh đề ra 19 nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9%; GRDP bình quân/người đạt 77,59 triệu đồng; tổng đầu tư toàn xã hội 23.600 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước 5.760 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD; có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu thứ hạng chỉ số PCI tỉnh tăng tối thiểu từ 3 bậc trở lên, các chỉ số thành phần PCI đều được cải thiện tăng điểm số…
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung quán triệt 7 quan điểm phát triển, triển khai thực hiện quyết liệt 6 nhiệm vụ trọng tâm, 5 khâu đột phá phát triển đề ra trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg, ngày 20.12.2023. Cùng với đó, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược; chú trọng cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh (PCI), đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã ổn định sản xuất.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Thảo luận, cho ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các đại biểu đều đồng tình thống nhất với 19 chỉ tiêu đã đề ra, đồng thời, nhấn mạnh: UBND tỉnh cần quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Tập trung chỉ đạo các ngành tăng cường phối hợp và hướng dẫn chi tiết công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư; tiếp tục tháo gỡ khó khăn thủ tục đầu tư các dự án ngoài ngân sách và kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai.
Tập trung nâng cao chất lượng công tác cán bộ
Thực hiện phương châm của Thủ tướng Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kịp thời hiệu quả”, năm 2023, UBND tỉnh và các sở, ngành đã chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long đánh giá, bên cạnh những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, tỉnh vẫn có 8 điểm sáng đáng ghi nhận. Đó là việc hoàn thành 16/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt 14 dự án đầu tư trọng điểm; nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế; văn hóa được quan tâm, trở thành động lực phát triển kinh tế...
“Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần lãnh đạo UBND tỉnh bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Nghị quyết HĐND tỉnh để quyết liệt chỉ đạo, điều hành hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Bởi, đây là năm “nước rút” để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2025”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị: UBND tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng công tác cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn, hiểu biết pháp luật và có đạo đức công vụ. Đẩy nhanh tiến độ phân cấp quản lý nhà nước; tiếp tục cải cách TTHC; nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Cùng với đó, triển khai kịp thời, đồng bộ quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt và tập trung chỉ đạo thực hiện 14 dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là các dự án giao thông kết nối vùng. Có phương án phân công cụ thể từng lãnh đạo UBND tỉnh chịu trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với từng ngành, lĩnh vực, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, cần tăng cường mở rộng vùng trồng, lựa chọn các mặt hàng nông sản chủ lực phục vụ xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cơ sở chế biến nông sản… Hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, thu hút các dự án đầu tư lớn. Quản lý chặt tài nguyên khoáng sản và kế hoạch sử dụng đất. Tăng cường công tác thu chi, quản lý nhà nước trên địa bàn. Quan tâm hạ tầng du lịch. Tiếp tục quan tâm vấn đề an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục. Đồng thời, tập trung các nguồn lực chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh với phương châm “không để sót đối tượng, không để ai bị bỏ lại phía sau; bảo đảm mọi nhà, mọi người được vui Xuân, đón Tết”...