Tập trung thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và đề án 06 theo nguyên tắc '5-4-3-2-1'

Sáng 2/8, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác chuyển đổi số và Đề án 06. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

6 tháng đầu năm 2024 công tác chuyển đổi số của tỉnh được triển khai và thu được kết quả tích cực. 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều có mạng cục bộ và kết nối Internet; 100% các xã, phường, thị trấn có hạ tầng mạng cáp quang cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 100% khu vực dân cư được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G…; 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thường xuyên ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp được ứng dụng hiệu quả.

 Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thực hiện đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030” (Đề án 06) tỉnh đã chỉ đạo các địa phương quyết liệt triển khai thực hiện Luật Căn cước 2023; tiếp tục tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã cấp 17.002 thẻ Căn cước công dân. Từ 01/7/2024 đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 176.371 thẻ căn cước; kích hoạt 10.676 tài khoản định danh điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID mức độ 2 và khi giải quyết thủ tục hành chính phải sử dụng ứng dụng VNeID mức độ 2 để kiểm tra thông tin của công dân thay cho giấy tờ truyền thống…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo chuyển đối số tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chuyển đổi số và đề án 06 trên địa bàn thời gian qua vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đó là: Hạ tầng số, các nền tảng số chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin còn ít; một số cơ quan chưa sử dụng đầy đủ quy trình Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; nhân lực về chuyển đổi số còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; hệ thống dịch vụ công còn bị tắc nghẽn, còn tình trạng hồ sơ nộp không thành công, hồ sơ bị xử lý chậm; số lượng tổ chức, công dân tự giác sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của tỉnh chưa cao; chi trả an sinh xã hội và lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản có tỉ lệ thấp; việc làm sạch thông tin, dữ liệu đất đai và nhà ở còn chậm.

Đồng chí Đại tá Tô Anh Dũng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Đại tá Tô Anh Dũng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: các cấp ngành, địa phương trong thời gian tới cần tập trung khắc phục khó khăn; tăng cường phổ biến, tuyên truyền về chuyển đổi số sâu rộng bằng nhiều hình thức đến người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tại Kế hoạch số 121 ngày 23/01/2024 của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh năm 2024; Triển khai xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ cho các hệ thống thông tin hiện có; Rà soát, đầu tư, nâng cấp các thiết bị và triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành.

Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2024 và các nhiệm vụ bổ sung phải đảm bảo nguyên tắc “5-4-3-2-1” (5 nhóm nhiệm vụ “Pháp lý - hạ tầng - an ninh, an toàn - dữ liệu và nguồn lực”; xuyên suốt 4 cấp “Trung ương-tỉnh-huyện-xã”; 3 lĩnh vực “phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ người dân; phòng chống tội phạm”; 2 việc “nhận thức đúng - giải pháp đúng”; 1 trách nhiệm người đứng đầu).

Đồng chí Phạm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý phát biểu tham luận tại hội nghị.

Đồng chí Phạm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý phát biểu tham luận tại hội nghị.

Các sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để đẩy mạnh hoàn thiện; nâng cao vai trò, trách nhiệm, trước hết đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chuyển đổi số...

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chuyen-doi-so/tap-trungathuc-hien-hieu-qua-chuyen-doi-so-va-de-an-06-theo-nguyen-tac-5-4-3-2-1-131404.html