Tập trung thực hiện tốt công tác bầu cử
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thành lập 1.183 Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đúng quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Trước đó, tỉnh đã thành lập 3 Ban bầu cử ĐBQH, 19 Ban bầu cử HĐND cấp tỉnh, 144 Ban bầu cử HĐND cấp huyện và 1.142 Ban bầu cử HĐND cấp xã.
Phát huy vai trò các Tổ bầu cử
Theo quy định, Tổ bầu cử là bộ phận trực tiếp điều hành tiến trình bầu cử trong ngày cử tri đi bỏ phiếu (ngày 23.5). Do đó, các địa phương rất chú ý đến nhân sự của Tổ bầu cử; nhằm đảm bảo quá trình lập Tổ bầu cử diễn ra bài bản, khoa học. Tổ bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn như: Phụ trách công tác bầu cử trong khu vực bỏ phiếu; bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu; nhận tài liệu và phiếu bầu cử từ các ban bầu cử tương ứng; phát thẻ cử tri, phiếu bầu cử... Tổ bầu cử thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử; kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử ĐBQH khóa XV và biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu HĐND từng cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để gửi đến các Ban bầu cử tương ứng...
Cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trà Giang (Trà Bồng) tuyên truyền công tác bầu cử cho người dân địa phương.
Theo Trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung, để thực hiện tốt công tác bầu cử, thời gian tới, Ủy ban Bầu cử huyện, Ủy ban Bầu cử các xã, thị trấn tập trung thực hiện tốt các nội dung công việc theo kế hoạch. Đến ngày 1.4, huyện Bình Sơn đã tổng hợp danh sách cử tri và quyết định phê duyệt khu vực bỏ phiếu của 22 xã, thị trấn. Theo đó, huyện có 159 khu vực bỏ phiếu nên được thành lập 159 Tổ bầu cử. Mỗi Tổ bầu cử có từ 11 - 21 thành viên. Tổng số cử tri của huyện được cập nhật đến thời điểm này là 146.757 người.
“Để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra thành công, huyện Bình Sơn chỉ đạo các Tổ bầu cử, các Tiểu ban giúp việc, đội ngũ cán bộ trưng dụng... tăng cường về cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện tốt các nội dung công việc như: Niêm yết danh sách và xác định số cử tri được quyền bầu cử, số cử tri tạm vắng, đi làm ăn xa, số người mất quyền bầu cử; tăng cường tuyên truyền về bầu cử. Cùng với đó là thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến các ứng cử viên (nếu có); giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ bầu cử...”, ông Nguyễn Quang Trung cho biết.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Tháng 4.2021 là giai đoạn cao điểm của công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ủy ban Bầu cử tỉnh đã yêu cầu các địa phương trong công tác chuẩn bị phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, từ đó thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Thông tin tuyên truyền bầu cử tỉnh Đặng Ngọc Dũng cho biết: Cùng với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải đẩy mạnh tuyên truyền trực quan và tuyên truyền trong các buổi nói chuyện thời sự, các cuộc họp dân, sinh hoạt chi bộ và các đoàn thể. Các thôn, tổ dân phố, từng thành viên Tổ bầu cử phải tuyên truyền để tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong toàn dân, để nhân dân cùng bàn, tham gia kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện bầu cử và chọn người ưu tú, bầu đủ số lượng ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đã được ấn định ở mỗi đơn vị bầu cử. Qua đó tạo nên khí thế “ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân”.
Theo chỉ đạo của Ủy ban Bầu cử tỉnh, nhiệm vụ tiếp theo của các cấp ủy đảng là tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả cuộc bầu cử theo kế hoạch đề ra; giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử; đồng thời, bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh tuyên truyền từ nay đến ngày bầu cử và sau bầu cử.