Tập trung thực hiện tốt mục tiêu kép 'đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội'
Đây là một trong những vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, được tổ chức ngày 10-4. Đây được coi là Hội nghị '4 trong 1' nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với một khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh COVID-19, đồng thời nỗ lực vượt khó vươn lên trong sản xuất và đời sống.
Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh cùng một số sở, ngành chức năng.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã báo cáo nhanh tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19; nêu rõ những giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 gây tác động, ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công với 3 nhóm giải pháp, 33 nhiệm vụ cụ thể. Việc chuẩn bị các kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau dịch cũng đang được triển khai. Đối với các bộ, ngành khác và các tỉnh, thành phố cũng triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong những lĩnh vực nêu trên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và căn cứ vào điều kiện, tình hình cụ thể của từng ngành, địa phương.
Đối với Thái Nguyên, trong những tháng đầu năm nay, tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý I cũng đạt nhiều kết quả khả quan trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông - lâm nghiệp, thu ngân sách, hoạt động ngân hàng, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần chung sức, đồng lòng quyết tâm chống dịch COVID-19, thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, tuy nhiên không “ngăn sông cấm chợ”, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, tập trung đẩy mạnh sản xuất nhưng phải bảo đảm khoảng cách an toàn giữa những người lao động.
Trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng lưu ý cần chú trọng tìm thị trường mới để xuất khẩu hàng hóa, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước; phải đổi mới cách làm, thay đổi thói quen; xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội. Về truyền thông, phải tạo nên động lực mới, tạo sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân. “Với khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn sắp tới, chúng ta sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống của nhân dân, ổn định xã hội để thực hiện tốt mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế đất nước bật dậy nhanh sau dịch.