Tập trung trí tuệ, đóng góp ý nhiều nội dung mới
Trong hai ngày, 28 và 29-9, sau khi nghe dự thảo Báo cáo Chính trị và Báo cáo kiểm điểm của Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2015-2020, đại hội tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện của Quân ủy Trung ương và các văn kiện của Trung ương trình Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng.
Với tâm nguyện được mang ý chí, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân đến với đại hội, các đại biểu đã bổ sung, phát triển thêm nhiều nội dung mới; đề ra phương hướng, chủ trương, giải pháp xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới... Đặc biệt, nhiều đại biểu rất quan tâm đến các giải pháp xây dựng Đảng bộ Quân đội TSVM, xây dựng quân đội cách mạng, chinh quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặc biệt “phấn đấu từ năm 2030, xây dựng Quân đội hiện đại” và tập trung thực hiện thắng lợi Chiến lược “Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, nhất là tư duy bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa...
Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích đăng một số ý kiến tâm huyết của các đại biểu:
Trung tướng ĐỖ DANH VƯỢNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới
Đảng bộ Bộ đội Biên phòng nhất trí cao với dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nhận thấy, dự thảo các văn kiện Trung ương được chuẩn bị công phu, bố cục chặt chẽ; nội dung thể hiện tính toàn diện và khái quát cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, thể hiện tính kế thừa và phát triển về tư tưởng, lý luận của Đảng ta; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”. Do đó, để tăng cường củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay, tôi đề xuất 5 giải pháp như sau:
Một là, các cấp ủy cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hai là, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân gắn với thực hiện tốt trách nhiệm của công dân. Ba là, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong tham gia xây dựng và hoàn thiện một số chính sách để củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bốn là, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tổ chức động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa-xã hội. Năm là, cần đẩy mạnh và không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tinh thần tự lực, tự cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, coi đó là những yếu tố quan trọng để không chỉ phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch mà còn góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Chúng tôi tin tưởng rằng, phát huy thành tựu, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sẽ góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới.
----------
Thiếu tướng ĐỖ XUÂN TỤNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 2: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CTĐ-CTCT, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của Quân đội
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CTĐ-CTCT, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của Quân đội, tôi đề nghị phải tiếp tục đổi mới hoạt động CTĐ-CTCT. Một trong những đổi mới hiện nay, theo tôi cần phải nghiên cứu đổi mới theo hướng tiếp cận thành tựu của cuộc Cách mạng lần thứ tư, bởi vì thực tế hiện nay, bên cạnh xã hội hiện thực thì nó đang tồn tại, xuất hiện một xã hội ảo, theo đó thì cũng xuất hiện một lối sống ảo. Tuy là xã hội ảo nhưng đang hàng ngày hàng giờ tác động đến tư tưởng, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện, công tác, cho nên công tác tư tưởng là phải giữ vững định hướng chính trị. Theo đó phải có giải pháp căn cơ, bài bản để CTĐ-CTCT thích nghi với điều kiện mới, phải quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp cho đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chính trị nói riêng và có thể cần phải bố trí cán bộ chuyên trách ở cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương để làm nòng cốt, đồng thời cũng phải nghiên cứu các giải pháp về kỹ thuật về cơ sở hạ tầng để thích ứng với điều kiện mới. Giải pháp thứ 2 tôi cũng xin đề xuất đó là cần phải tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận CTĐ-CTCT trong xây dựng quân đội hiện đại, bởi vì trong phương hướng, mục tiêu xây dựng quân đội thì cũng có xác định, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại, theo đó nội dung, phương thức hoạt động CTĐ-CTCT cũng phải có sự đổi mới và phát triển. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã thực hiện hiện đại hóa một số quân, binh chủng, lực lượng, tôi đề nghị cần phải chỉ đạo phải sơ, tổng kết hoạt động CTĐ-CTCT trong những lực lượng này để bổ sung kinh nghiệm, phát triển lý luận về chỉ đạo hoạt động CTĐ-CTCT trong toàn quân, trước hết là quân, binh chủng, lực lượng đang tiếp tục hiện đại hóa và hướng tới yêu cầu đáp ứng xây dựng quân đội hiện đại như phương hướng, mục tiêu đã xác định. Giải pháp thứ 3 trong đổi mới tôi nghĩ là trên cơ sở đổi mới toàn diện cũng cần phải lựa chọn các khâu, các mặt có tính đột phá vừa cơ bản vừa cấp bách. Theo đó, ngay sau đại hội tôi nghĩ cần phải khẩn trương tuyên truyền, giáo dục, quán triệt Nghị quyết XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội ĐBQĐ lần thứ XI tới toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, nhất là những điểm mới để tạo ra sự thống nhất cao trong toàn quân, cùng với đó thì phải nhạy bén, chủ động trong giáo dục, tuyên truyền về nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị, những nội dung mới về chiến lược quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, những sự phát triển mới về tình hình trong nước kể cả quốc tế, về đối tượng, đối tác cũng như sự chuyển hóa giữa chúng… bảo đảm trong bất luận hoàn cảnh nào, quân đội luôn là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành của Tổ quốc, của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
----------
Đại tá HUỲNH VĂN NGON, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 330, Quân khu 9: Nắm chắc tình hình tư tưởng, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ
Với yêu cầu, đặc điểm và xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, có thể khẳng định rằng xây dựng quân đội nói chung và xây dựng từng đơn vị, cán bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng là một yêu cầu cấp thiết và mang tính lâu dài, cơ bản, bảo đảm cho quân đội và từng đơn vị thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Với cương vị là Chính ủy của một sư đoàn, là người chủ trì về chính trị, tôi xác định vai trò của mình là phải thường xuyên theo dõi, nắm và nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Quán triệt sâu sắc đường lối quân sự quốc phòng của Đảng, quán triệt sâu sắc đường lối mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đề ra. Tổ chức làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ thông suốt về đường lối chính trị, thông suốt về nhiệm vụ cách mạng, thông suốt về nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và nhiệm vụ của cá nhân mình. Từ đó xây dựng được cho mình bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.