Tập trung triển khai phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp vừa ký ban hành Công văn số 460/UBND-NL về việc tập trung triển khai kế hoạch phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước có 74 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tại 19 tỉnh, thành phố, trên 2.700 con heo mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy (trong đó có tỉnh Đak Lak giáp ranh với tỉnh Gia Lai); 10 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) và 3 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM); bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 4 tỉnh với số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu hủy trên 6.600 con; 19 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 14 tỉnh, thành phố, tăng 10 ca so với cùng kỳ năm 2023.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngày 17-2-2024, tại thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) các lực lượng chức năng đã phát hiện 2 con bò/1 hộ nghi mắc bệnh LMLM; dịch bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh, đến ngày 26-2-2024 đã có tổng số 12 con/9 hộ/3 làng (gồm: Đê Kốp Đuol, Đê Ktu, Đê Hrel của thị trấn Kon Dơng), thông báo xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi rút gây bệnh LMLM. Đồng thời, cũng tại huyện Mang Yang, phát hiện 2 con chó nghi mắc bệnh dại (đã được địa phương tiêu hủy); ngày 24-2-2024 tại huyện Chư Sê xảy ra 1 trường hợp người tử vong do bệnh dại, nguyên nhân do chó nhà nuôi cắn và không đi điều trị dự phòng; công tác tiêm phòng vắc xin các năm 2022, 2023 cho đàn vật nuôi của tỉnh đạt thấp, nguy cơ dịch bệnh động vật tái bùng phát trên địa bàn tỉnh rất cao.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố: đối với các địa phương chưa bố trí kinh phí khẩn trương bố trí kinh phí theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 666/QĐ-UBND ngày 3-11-2023; các địa phương đã bố trí kinh phí nhưng chưa đầy đủ theo kế hoạch tiếp tục rà soát, bố trí theo đúng yêu cầu; các địa phương chưa phân khai kinh phí khẩn trương phân khai, cấp kinh phí cho công tác phòng-chống dịch bệnh động vật năm 2024, đảm bảo kịp thời mua sắm vắc xin, hóa chất, tổ chức các giải pháp phòng-chống dịch bệnh động vật đúng tiến độ theo kế hoạch. Định kỳ, trước ngày 25 hàng tháng báo cáo tiến độ bố trí kinh phí, kết quả tiêm phòng các loại vắc xin về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc.
Đồng thời, các địa phương chỉ đạo các phòng, ban, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và UBND cấp xã tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật; tổ chức lấy mẫu trên đàn gia súc, gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh nhằm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, giảm thiểu thiệt hại; phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng-chống, bao vây, khống chế các ổ dịch và trao đổi thông tin, báo cáo, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, tuyệt đối không dấu dịch.
Chỉ đạo UBND cấp xã, các cơ quan, đoàn thể, quán triệt đến từng thôn, làng, tổ dân phố tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền để thay đổi suy nghĩ, nâng cao nhận thức của người dân trong việc nuôi chó, mèo và phòng-chống bệnh dại. Khi nuôi chó mèo phải làm chuồng, khu nuôi nhốt riêng, nếu không có chuồng, khu nuôi nhốt thì không nuôi chó, mèo; đã nuôi chó, mèo thì phải tiêm phòng vắc xin dại định kỳ theo quy định; khi cho chó, mèo ra nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm, người dẫn dắt; tuyên truyền đến các thành viên trong gia đình, nhất là người già, trẻ em khi bị chó mèo cào, cắn phải thông báo cho người nhà và đến ngay cơ quan y tế để được hướng dẫn điều trị dự phòng; khi phát hiện những tổ chức cá nhân nuôi chó, mèo mà không có chuồng, khu nuôi nhốt riêng, không tiêm phòng vắc xin phòng dại định kỳ, cho chó, mèo ra nơi công cộng mà không có dây xích, rọ mõm, người dẫn dắt thì báo ngay cho lực lượng chức năng để kịp thời xử lý. Bố trí kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đảm bảo đạt tỷ lệ ít nhất 70%, khi có ổ dịch dại xảy ra thì từ 80% tổng đàn trở lên. Giai đoạn cao điểm mùa khô là thời điểm dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thiếu nguồn thức ăn, nước uống làm suy giảm miễn dịch, do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi phòng-chống kịp thời và chủ động các biện pháp chăm sóc cho đàn vật nuôi của mình.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch bệnh lây lan ra diện rộng do không bố trí đủ kinh phí, chủ quan, lơ là, thiếu sự phối hợp trong công tác phòng, chống dịch và chậm tiến độ trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc các địa phương bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch. Báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý đối với các địa phương không bố trí kinh phí, không thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Sở Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người, nhất là phòng, chống bệnh dại; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc chủ động đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị dự phòng ngay khi bị chó, mèo cào, cắn; chuẩn bị đầy đủ vật tư, vắc xin, huyết thanh kháng dại để đảm bảo tiêm phòng cho người phơi nhiễm với vi rút gây bệnh dại và các nội dung khác tại Kế hoạch số 568/KH-UBND ngày 25/3/2022 của UBND tỉnh về phòng-chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2022-2030.
Sở Tài chính theo dõi, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các nội dung liên quan đến các khó khăn, vướng mắc tại các địa phương trong việc bố trí kinh phí phòng-chống dịch bệnh động vật và tham mưu UBND tỉnh xem xét việc hỗ trợ theo Quyết định số 666/QĐ-UBND ngày 3-11-2023 của UBND tỉnh.