Tập trung trồng rừng và chăm sóc rừng non

Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến hết quý I-2020, toàn tỉnh đã trồng mới được 2.607 ha rừng, đạt trên 26% kế hoạch, trong đó rừng trồng tập trung được 2.416 ha, còn lại là rừng phân tán. Do dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp chế biến gỗ đang phải dừng, giãn kế hoạch sản xuất khiến nhiều diện tích rừng được thiết kế để khai thác trong thời điểm này phải dừng lại. Đất rừng chưa được giải phóng, ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ trồng rừng trong thời gian tới - ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhận định.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con tập trung nhân lực, phương tiện trồng hết diện tích đất rừng đã khai thác từ năm trước theo đúng kỹ thuật; kiểm tra đối với diện tích rừng vừa trồng, thực hiện dặm ngay đối với những cây bị chết, cây yếu, cây bị nhiễm sâu, bệnh bảo đảm mật độ, tỷ lệ cây sống. Trong thời điểm chưa khai thác được rừng để trồng lại, các doanh nghiệp, người làm rừng tận dụng tối đa thời gian, nhân lực để tập trung, chăm sóc rừng non. Trọng tâm là kiểm tra, phát hiện, xử lý sâu, bệnh, đặc biệt là nấm gây chết héo cây keo ngay khi ở phạm vi hẹp nhằm giảm thiểu thiệt hại. Chi cục yêu cầu các vườn ươm tạm thời giãn cách kế hoạch ươm cây giống, tránh trường hợp cây giống phải chờ đất.

Bà Bùi Thị La, thôn Đèo Bụt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) chăm sóc rừng keo 1 năm tuổi.

Bà Bùi Thị La, thôn Đèo Bụt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) chăm sóc rừng keo 1 năm tuổi.

Do tác động của dịch Covid-19, nhiều diện tích rừng của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Tuyên Bình (Yên Sơn) chưa thể khai thác để trồng lại. Không để lãng phí thời gian, các đội sản xuất của công ty tập trung kiểm tra, chăm sóc bảo vệ rừng non. Anh Nguyễn Văn Thanh, đội trưởng đội sản xuất Tân Hồng cho biết, chưa trồng được rừng mới nên công nhân có thời gian để chăm sóc sớm cho hơn 150 ha rừng từ 1-3 năm tuổi của đội. Trên các lô rừng đã được phát cỏ, tỉa cành, những cây keo có dấu hiệu bị nhiễm nấm đã được công nhân đào gốc, vận chuyển ra xa lô rừng để tiêu hủy. Theo đội trưởng Thanh, chăm sóc, làm cỏ, xử lý sớm mầm bệnh sẽ giảm thiệt hại nhiều.

Ông Bùi Thu Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Tuyên Bình khẳng định, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, doanh nghiệp thu mua gỗ trở lại, đất rừng được giải phóng công ty sẽ tập trung nhân lực, phương tiện để trồng rừng bảo đảm đúng kế hoạch đề ra. Đến thời điểm này, công ty đã trồng được 70 ha, theo kế hoạch còn 110 ha sẽ được trồng sớm nhất có thể.

Tại nhiều địa phương người làm rừng vẫn rất vững tin, dù kế hoạch trồng rừng đang tạm hoãn. Chị Đàm Thị Tuyết, thôn Đồng Trôi, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) chia sẻ, gia đình chị đã hoàn thành trồng 1 ha rừng, còn 1 ha nữa chờ khai thác xong sẽ trồng lại. Trong trường hợp không khai thác được chị cũng không lo, bởi nếu không khai thác được năm nay, sang năm sẽ khai thác, gỗ rừng lớn hơn, giá trị sẽ cao hơn.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/tap-trung-trong-rung-va-cham-soc-rung-non-131078.html