Tập trung tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, chính sách mới

Sáng 19-12, tại điểm cầu Hà Nội, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo và đồng chí Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (gọi tắt là Chỉ thị 32).

Tại điểm cầu Tiền Giang, tham dự có lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan ...

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32, công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt; đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay. Qua tổng kết cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm.

Nhờ việc triển khai tốt công tác PBGDPL, nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Tính đến cuối năm 2018 đã có 8.804/11.147 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm 79%...

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong 15 năm triển khai Chỉ thị 32 trên thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế và đề ra các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Việc tổng kết, đánh giá 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 tại thời điểm này có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư những định hướng, chính sách, giải pháp tổng thể nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật.

Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị: Cùng với việc thực hiện phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh công tác PBGDPL trong thời gian tới, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch; Đề án PBGDPL phải bám sát nhu cầu thực tiễn xã hội và tập trung giải quyết những vấn đề nóng thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý; Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát các quy định về ngân sách dành cho công tác PBGDPL để từ đó có giải pháp, hướng dẫn cụ thể về bố trí kinh phí đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trên toàn quốc; tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai thực hiện nghiêm túc trách nhiệm được giao theo Luật PBGDPL; đảm bảo các nguồn lực cần thiết để triển khai công tác PBGDPL; tập trung tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản, chính sách mới trong phạm vi quản lý sao cho hiệu quả…

QUẾ ANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/201912/tap-trung-tuyen-truyen-pho-bien-cac-luat-phap-lenh-chinh-sach-moi-886614/