Tập trung tuyên truyền về xuất khẩu lao động

Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết việc làm và là con đường giúp nhiều người thoát nghèo. Để thực hiện tốt công tác này, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là thông tin, truyền thông để người dân hiểu rõ quyền lợi, thủ tục cũng như ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, tiêu cực.

Tuyên truyền việc làm, xuất khẩu lao động ở cơ sở

Tuyên truyền việc làm, xuất khẩu lao động ở cơ sở

Hoạt động truyền thông về xuất khẩu lao động ở cơ sở thường diễn ra trong một buổi. Đại diện công ty kết nối đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ thông tin về nội dung tuyển dụng lao động ở thị trường đang có nhu cầu. Trong đó, nêu rõ những yêu cầu, tiêu chuẩn, quyền lợi, chi phí khi đi xuất khẩu lao động. Bên cạnh, công ty và cơ quan chuyên môn còn giải đáp và thông tin thêm về những thắc mắc của NLĐ về chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, thủ tục hồ sơ, những yêu cầu khi làm việc ở các thị trường cụ thể…

Những buổi tuyên truyền như trên được tổ chức liên tục và luân phiên qua các địa bàn, nhằm cung cấp cho người dân nắm bắt thông tin về thị trường xuất khẩu lao động. Cùng với đó, họ sẽ tiếp cận kịp thời thông tin tuyển dụng và định hướng cho bản thân, người thân để tìm được việc làm phù hợp, tạo nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra, công tác xuất khẩu lao động còn được lồng ghép tổ chức giới thiệu, tư vấn trực tiếp với NLĐ ở các điểm/phiên giao dịch việc làm; tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp; thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng…

Đại diện một số doanh nghiệp tham gia tuyên truyền từng bày tỏ băn khoăn vì thành phần tham dự các buổi tuyên truyền đôi khi không đầy đủ và đúng đối tượng như mong đợi. Một cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội chia sẻ: “Thành phần chủ yếu được mời dự nghe là người trong độ tuổi lao động, tuy nhiên vì nhiều lý do, người đến dự thường là người lớn tuổi, nội trợ… Hình thức tuyên truyền trực tiếp chỉ là một trong số giải pháp chúng tôi lựa chọn để tác động toàn diện đến người dân. Các thông tin cần thiết về xuất khẩu lao động hiện nay được lan tỏa thông qua mạng xã hội, báo chí, hội, nhóm… để đúng đối tượng lao động vẫn có thể tiếp cận được”.

Anh Phạm Phước Tới (quê xã Phú An, huyện Phú Tân) làm việc trong ngành cơ khí ở thị trường Nhật Bản hơn 3 năm. Chàng trai “xứ nếp” có được công việc này thông qua buổi tuyên truyền, tư vấn do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức. Anh Phước Tới cho biết, thời gian đầu làm quen công việc, mức thu nhập khoảng 7 - 10 triệu đồng/tháng. Hiện nay, do cố gắng học hỏi, nâng cao tay nghề, hàng tháng trừ chi phí còn tiết kiệm được 30 triệu đồng. “Công việc và thu nhập ở đây đúng như hợp đồng và mong đợi của tôi. Ở môi trường nước bạn, tôi còn được trang bị thêm vốn ngoại ngữ, tác phong kỷ luật để hoàn thiện bản thân tốt hơn” - Phước Tới cho biết.

Chuyện của những lao động đi làm việc có thu nhập cao, được giới thiệu vài chục triệu đồng/tháng đôi khi vẫn là mối nghi hoặc đối với nhiều người. Để giải tỏa tâm tư này, một số địa phương như huyện Thoại Sơn, Phú Tân, TP. Long Xuyên thường kết hợp trong các buổi tuyên truyền sẽ dẫn chứng về “người thật, việc thật”. Trong các đợt sơ, tổng kết, địa phương còn sắp xếp mời người thân của lao động đang làm việc ở nước ngoài chia sẻ thông tin cụ thể, minh chứng về đời sống, việc làm… hiện tại. Những tấm gương nỗ lực sau thời gian làm việc trở về địa phương khởi nghiệp bằng vốn kiến thức được tiếp thu, đào tạo sau thời gian xuất khẩu lao động còn được giao lưu, thực hiện phóng sự, bài viết để lan tỏa, truyền động lực cho lao động ở quê nhà.

Có thể thấy, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương đúng đắn nhằm mở nhiều hướng giải quyết việc làm, nhất là đối với thanh niên. Tuy nhiên, nội dung tuyên truyền về xuất khẩu lao động hiện nay chưa phản ánh sinh động thực tế, hình thức chưa phong phú; chưa có những thông điệp cụ thể cho từng nhóm đối tượng, thiếu trọng điểm, các địa chỉ xuất khẩu lao động đáng tin cậy, về văn hóa và phong tục tập quán, luật pháp của nước sở tại, làm cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đúng về xuất khẩu lao động. Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận NLĐ còn thiếu thông tin, hiểu không đúng về bản chất của đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến tác động từ mạng xã hội, khi NLĐ phản ánh nhiều chiều về môi trường làm việc ở các nước. Là người trong cuộc, được giới thiệu, kết nối qua công ty uy tín để làm đúng nơi, đúng việc, anh Phước Tới cho rằng, môi trường làm việc nào cũng đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực hết mình. Dù ở trong nước hay đi nước ngoài, tùy tính chất công việc mà mức độ lao động sẽ khác nhau, nhưng không bao giờ có chuyện “việc nhẹ, lương cao”, lười biếng mà mong đợi thu nhập hàng chục triệu đồng như một số người “vẽ đường” trên mạng xã hội.

Do đó, trong công tác tuyên truyền hiện nay, cần thiết phải dẫn chứng nhiều hơn, sinh động hơn từ những người cụ thể, công việc cụ thể và ở thị trường cụ thể để người dân nắm bắt và hiểu đúng. Bên cạnh tuyên truyền những mặt được, các ngành, địa phương cần nắm bắt thông tin, kịp thời cảnh báo một số địa bàn, lĩnh vực không nên đưa lao động đi xuất khẩu cũng như xử lý đơn vị không thực hiện theo khuyến cáo. Lao động xuất khẩu phải đi theo đường chính ngạch để được bảo đảm các quyền lợi và được bảo hộ. Công tác dạy nghề hiện nay càng chú trọng đào tạo cho NLĐ các kỹ năng, yêu cầu cần thiết, hướng tới lựa chọn lao động có tay nghề cao để hết thời hạn khi về địa phương sẽ áp dụng, làm việc thành thạo. Đây cũng là giải pháp căn cơ để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững.

HOÀI ANH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tap-trung-tuyen-truyen-ve-xuat-khau-lao-dong-a399704.html