Tập trung ứng dụng công nghệ cao để nâng cao đời sống nông dân
Ngày 21-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Cảng quốc tế Long An và khảo sát vị trí xây dựng Nhà máy điện LNG Long An I & II tại Khu dịch vụ công nghiệp Đông - Nam Á, thuộc Dự án Cảng quốc tế Long An tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An và dự lễ khánh thành Khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Ngày 21-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Cảng quốc tế Long An và khảo sát vị trí xây dựng Nhà máy điện LNG Long An I & II tại Khu dịch vụ công nghiệp Đông - Nam Á, thuộc Dự án Cảng quốc tế Long An tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An và dự lễ khánh thành Khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Cùng đi có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; đại diện các bộ, ban, ngành cùng lãnh đạo tỉnh Long An.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Cảng quốc tế Long An (Đồng Tâm Group) Võ Quốc Thắng cho biết: Đây là nhà máy điện khí hóa lỏng có công suất dự kiến 3.000 MW, xây dựng trên diện tích 90 ha đặt trong Khu dịch vụ công nghiệp Đông - Nam Á có diện tích 239 ha thuộc Dự án Cảng quốc tế Long An, với tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ USD, dự kiến đưa vào vận hành tháng 12-2025.
Tại buổi khảo sát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị mặt bằng để khởi công xây dựng Nhà máy điện LNG Long An I & II. Bên cạnh đó là sự điều phối và hợp tác chặt chẽ giữa nhà đầu tư, địa phương và các bộ, ngành liên quan, nhanh chóng và kịp thời trong thời gian tới sẽ tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy quá trình triển khai xây dựng Nhà máy điện LNG Long An I & II đúng tiến độ yêu cầu.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành Khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông (xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, các vị lãnh đạo Chính phủ; đại diện các bộ, ban, ngành cùng lãnh đạo tỉnh Long An, các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết: Long An là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nằm ngay cửa ngõ từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh/thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long; có đường biên giới dài hơn 133 km, có cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế, là địa phương tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh, một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật lớn nhất cả nước. Phát huy tiềm năng, lợi thế này, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình của các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh/thành phố bạn, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đã nỗ lực, quyết tâm, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Trên cơ sở này, Long An đã chọn công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị làm bệ phóng cho sự phát triển, song song đó đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững, ứng dụng công nghệ cao.
Giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 9,11%/năm, riêng năm 2020 đạt 5,91%, bằng gấp đôi mức tăng trưởng chung của cả nước. Thu ngân sách năm 2020 đạt 18.500 tỷ đồng, vượt hơn 10% dự toán được giao. Quy mô thu ngân sách gấp khoảng 1,78 lần so với năm 2015. Cùng với đó, Long An luôn quan tâm công tác cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Long An trong những năm qua luôn đứng trong top 10 của cả nước.
Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, đến nay toàn tỉnh có hơn 2.000 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký hơn 244.900 tỷ đồng và 1.100 dự án FDI đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư gần 6,1 tỷ USD; hơn 12.900 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 334.340 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, Long An đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, đến nay toàn tỉnh chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, Long An đã có sự phát triển bứt phá, vươn lên trở thành một trong những địa phương năng động, tích cực trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. Minh chứng rõ nét nhất là Khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông chính thức khánh thành, đi vào hoạt động từ ngày 21-3, quy mô 128 ha, sẵn sàng tiếp nhận thêm các nhà đầu tư tiềm năng, đóng góp quan trọng cho thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ của Long An trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: tỉnh có nhiều hình thức thu hút đầu tư phong phú, nhất là xã hội hóa nguồn lực chứ không chỉ dựa vào nguồn lực Nhà nước; một số hạ tầng quan trọng được xây dựng nhanh chóng. Tỉnh quan tâm phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Thủ tướng nhấn mạnh: Vai trò của doanh nghiệp đối với nền kinh tế như giải quyết tăng trưởng, việc làm, thu ngân sách, việc phát triển các khu công nghiệp tập trung, xử lý tốt môi trường thì sẽ đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kể cả cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu địa phương phải luôn đồng hành, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Lãnh đạo tỉnh, huyện, các sở, ngành cần sâu sát hơn, kịp thời quan tâm, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phải luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để làm sao nhà đầu tư đến Long An đều có ấn tượng mạnh mẽ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục chú trọng phát huy tiềm năng hiện có, phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn, cần xác định các ngành công nghiệp mũi nhọn có lợi thế tập trung phát triển, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistic. Đối với nông nghiệp, tập trung ứng dụng công nghệ cao để nâng cao đời sống nông dân. Cần thực hiện hợp tác liên kết vùng để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường; chú trọng liên kết với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, liên kết phát triển vùng Đồng Tháp Mười, nhất là trong đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối và bố trí không gian phát triển phù hợp, bảo đảm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Không có hạ tầng thì không thể phát triển, gồm cả hạ tầng số, hạ tầng năng lượng. Việc phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Đối với việc quy hoạch phát triển phải dài hơi, không chỉ có tầm nhìn 2021-2030 mà còn có tầm nhìn 2045.
Mong muốn Long An đóng góp vào mục tiêu phát triển Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho các địa phương, nhất là những địa phương năng động, dám nghĩ, dám làm, có ý tưởng đột phá để đưa địa phương tiến lên. Đối với doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị, các doanh nghiệp, nhà đầu tư là “lời nói đi đôi với việc làm”.