Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Từ đêm ngày 22-5 đến ngày 24-5, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra mưa to đến rất to, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt của người dân. Khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cùng các địa phương, sở, ngành, đơn vị chức năng đã tập trung triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tính đến 11 giờ ngày 24-5, mưa lớn đã gây ngập úng khoảng 65ha chè và trên 1.200ha lúa, hoa màu tại các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, TP. Sông Công và TP. Phổ Yên; nhiều cầu tràn, tuyến đường trên địa bàn bị ngập sâu trong nước. Mưa lớn cũng gây sạt lở trên 600m3 đất đá tại huyện Định Hóa, TP. Thái Nguyên. Riêng huyện Đại Từ bị thiệt hại nhiều nhất với 91 hộ dân tại các xã Bản Ngoại, Vạn Thọ, Quân Chu phải di dời đến nơi an toàn; gần 280m đường giao thông bị sạt lở, 1 cầu dân sinh bị hư hỏng; 41 điểm tại 14 xã bị ngập úng; đổ gãy 3 cột điện..
Trước tình hình mưa lớn kéo dài, ngay trong đêm 23-5, UBND tỉnh đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khẩn trương phối hợp, huy động lực lượng, phương tiện kiểm tra cụ thể tình hình thiệt hại do thiên tai xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để thực hiện khắc phục thiệt hại, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân.
Trong sáng 24-5, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo trực tiếp công tác đảm bảo vận hành an toàn xả lũ tại đập hồ Núi Cốc; công tác đảm bảo an toàn cho người dân tại một số điểm sạt lở trên tuyến ĐT.270 đoạn qua xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) và khu vực hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công)...
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thành phố đã khẩn trương triển khai các phương án khắc phục hậu quả và ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra, kịp thời hỗ trợ, đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống người dân. Theo ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN huyện Đại Từ - địa phương chịu nhiều thiệt hại trong đợt thiên tai lần này: Với tinh thần chủ động, chuẩn bị sẵn sàng về vật tư, phương tiện, nhân lực nên các địa phương trong huyện đã kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục tạm thời hậu quả do mưa lũ gây ra. Tính đến chiều 24-5, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận thiệt hại về người.
Trong những ngày tới, dự báo diễn biến thời tiết còn phức tạp, mưa lớn tiếp tục xảy ra, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Vì vậy, các địa phương, ngành, đơn vị chức năng xác định tiếp tục chủ động bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết, ứng trực 24/24 giờ để thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN. Đồng thời, người dân cũng được khuyến cáo cần chủ động nắm bắt thông tin, tuân thủ các hướng dẫn, thông báo của địa phương, cơ quan chức năng nhằm góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.