Tập trung ứng phó khẩn cấp siêu bão Noru
Bão Noru đang tiến vào Biển Đông với sức gió đến 183 km/h và sẽ trở thành cơn bão số 4 hoạt động trên Biển Đông từ đầu năm 2022.
Bão Noru giật trên cấp 17, di chuyển nhanh vào Biển Đông
Hồi 13 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão Noru ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông.
Đến 13 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 117,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh lên.
Đến 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 112,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 108,0 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ.
Đến 13 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên đất liền Thừa Thiên Huế-Bình Định.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h, cường độ suy yếu dần.
Tại Khánh Hòa:
Đến trưa nay (25/9), trong số 729 tàu cá Khánh Hòa cùng với 4.467 ngư dân đang khai thác thủy sản trên biển, không có tàu cá nào nằm trong tầm nguy hiểm của cơn bão Noru.
Liên quan đến các biện pháp ứng phó cơn bão Noru đang tiến vào biển Đông, nguồn tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Khánh Hòa trưa 25/9 cho biết, đến thời điểm này có 729 tàu cá của địa phương này cùng với 4.467 ngư dân đang khai thác thủy sản trên biển. Trong số đó có 70 tàu cá với 742 ngư dân ở vùng biển Trường Sa, 631 tàu cá với 3.436 ngư dân hành nghề trên vùng biển Khánh Hòa đến Bình Thuận và 28 tàu cá với 292 ngư dân hành nghề vùng biển Vũng Tàu đến Kiên Giang.
Bằng các thiết bị liên lạc vô tuyến, BĐBP Khánh Hòa đã kết nối liên lạc tất cả các tàu cá nêu trên để thông tin về diễn biến cơn bão Noru, qua đó được biết không có tàu cá nào đang vận hành trong tầm nguy hiểm của bão.
Trong một diễn biến có liên quan, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh có 19 hồ chứa nước lớn với tổng dung tích 248m3 nước nhưng lượng nước hiện có là 171m3. Đến thời điểm này đã có 6 hồ chứa đang xả nước để điều tiết lũ là các hồ Suối Trầu, Đá Bàn – thị xã Ninh Hòa; Hoa Sơn – huyện Vạn Ninh; Suối Dầu, Cam Ranh, Tà Rục – huyện Cam Lâm, nhưng mức xả nước tại các hồ chứa này không lớn.
Tại Quảng Nam:
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về chủ động ứng phó bão Noru và mưa lớn kéo dài, sáng 25/9, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh về ứng phó với tình huống bão và mưa lớn dài ngày; Phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 của Công an tỉnh đã được Giám đốc phê duyệt.
Quán triệt, thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kịp thời triển khai tham gia công tác ứng phó khi có yêu cầu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân và toàn thể cán bộ chiến sĩ, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng phó với các tình huống thiên tai.
Bên cạnh đó, khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện triển khai các phương án, kế hoạch ứng phó theo từng tình huống, mức độ bão. Bảo đảm phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT). Phối hợp các lực lượng chức năng tham gia di dời, đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão Noru và tình hình mưa lớn gây sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra.
Triển khai lực lượng tham gia phối hợp chốt chặn, hướng dẫn, kiểm soát giao thông, cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm, kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an cấp xã trong ứng phó, đảm bảo ANTT tại khu vực xảy ra mưa bão; nhất là công tác nắm hộ, nắm người, tuyên truyền, vận động nhân dân ứng phó mưa bão; tham gia di dời, sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không đảm bảo an toàn; tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai; giải quyết các vụ, việc phức tạp về ANTT ngay từ đầu, tại cơ sở.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, ven sông, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; thông báo cho tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra…
Tại Quảng Ngãi:
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh này cho biết, số tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển là 657 tàu/ 6.207 lao động, gồm vùng biển khu vực vịnh Bắc Bộ có 232 tàu/ 1.230 lao động; vùng biển Bắc biển Đông, Hoàng Sa 121 tàu/ 947 lao động; vùng biển giữa biển Đông, Trường Sa, nhà giàn DK1 205 tàu/ 3.249 lao động; vùng biển Nam biển Đông: 76 tàu/ 644 lao động; vùng biển tỉnh Quảng Ngãi 23 tàu/137 lao động. Tất cả các tàu, thuyền trên đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của bão Noru.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Sở NN&PTNT, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố ven biển, đảo quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền; hoàn thành việc kêu gọi tàu, thuyền trước 10h ngày 26/9; chủ động cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) khi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên (bắt đầu cấm biển từ 19h ngày 26/9); hoàn thành việc neo đậu, sắp xếp tàu, thuyền, lồng bè tại khu neo trú trước 8h ngày 27/9.
Đối với sơ tán dân ứng phó bão trong tình huống dự báo bão đổ bộ trực tiếp vào phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi thì huy động lực lượng xung kích PCTT cơ sở để hỗ trợ nhân dân chằng chống, gia cố nhà ở; tổ chức di dời, sơ tán người dân trong khu vực nguy hiểm ảnh hưởng bởi gió mạnh của bão đến nơi an toàn theo phương án đã được lập, phê duyệt.
Hoàn thành việc di dời, sơ tán dân trước 18h ngày 27/9 (riêng huyện Lý Sơn hoàn thành trước 9h ngày 27/9); thông báo và không để người dân ra khỏi nhà an toàn, nơi tránh trú bão cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6). Tổng số lượng dân dự kiến di dời, sơ tán (theo Phương án ứng phó thiên tai năm 2022 đã được duyệt) gần 25.000 hộ/ 84.426 khẩu.
Tại Thừa Thiên - Huế:
Sáng 25/9, tại cảng cá Thừa Thiên-Huế (phường Thuận An, TP Huế), nhiều tàu cá của ngư dân tỉnh Thừa Thiên-Huế và các địa phương đã cấp tập vào cảng để vận chuyển hải sản lên bờ bán cho thương lái rồi nhanh chóng rời cảng tìm nơi neo đậu tránh bão Noru.
Toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy, hải sản. Trong đó có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến 9 giờ sáng nay, toàn tỉnh hiện còn 17 phương tiện/156 lao động hoạt động trên biển (dự kiến sáng ngày 26/9 sẽ vào bờ). Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã ban hành 3 công điện, bố trí phương tiên và lực lượng tổ chức hướng dẫn sắp xếp phương tiện vào khu neo đậu, thực hiện lệnh cấm biển từ sáng 25/9.
Các địa phương lên phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão tại cảng cá Thừa Thiên-Huế, cảng cá Tư Hiền, các khu neo đậu Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên. Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên-Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi.
Để chủ động ứng phó với bão Noru, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã yêu cầu Công ty TNHH NN MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các chủ đập triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du. Hiện mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn, các hồ đang vận hành tăng cường phát điện qua tuabin để đưa về mực nước mức thấp và sẵn sàng, đón lũ.
Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế có phương án dự trữ 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo.
Hiện UBND các huyện, thị xã và TP Huế, Trung tâm Công viên cây xanh đã triển khai cắt tỉa, gia cố cây xanh tại các khu đô thị với khối lượng trên 90%. Công ty Điện lực Thừa Thiên-Huế tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống điện và có phương án đảm bảo an toàn lưới điện.
Ngoài chỉ đạo gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp; đảm bảo cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế còn yêu cầu các địa phương có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công tại các công trình đang thi công; sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven biển, cửa sông, vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.