Tập trung ứng phó mưa lũ nghiêm trọng tại các tỉnh miền trung

Ngày 8-10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1372/CÐ-TTg gửi UBND các tỉnh, thành phố miền trung (từ Hà Tĩnh đến Phú Yên), cùng các bộ, ngành liên quan về việc tập trung ứng phó mưa lũ lớn.

Ngày 8-10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1372/CÐ-TTg gửi UBND các tỉnh, thành phố miền trung (từ Hà Tĩnh đến Phú Yên), cùng các bộ, ngành liên quan về việc tập trung ứng phó mưa lũ lớn.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ". Cụ thể, chủ động di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối; tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị nạn; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói. Bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, nhất là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết; căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài. Triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, thủy, hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu; vận hành an toàn hồ, đập, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để ngập lụt ở hạ du do xả lũ. Chuẩn bị thực phẩm, hàng hóa để hỗ trợ các địa phương và chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn...

Sáng 8-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp chỉ đạo ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Theo đó, từ ngày 8 đến 10-10, các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam tiếp tục có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250 đến 550 mm, có nơi hơn 600 mm; các tỉnh nam Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 đến 200 mm. Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đề nghị các địa phương có phương án bảo đảm an toàn cho sản xuất, hồ chứa; cập nhật ngập lụt ở các khu vực và sản xuất của người dân...

Ngày 8-10, Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT đã làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Sau khi đi kiểm tra thực tế Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu địa phương cần thực hiện nghiêm lệnh cấm biển từ ngày 7-10; bảo đảm an cho tàu thuyền tại các khu neo trú... Sẵn sàng ứng phó, di dời dân đến nơi an toàn; chủ động dự trữ lương thực tại các khu vực có nguy cơ cô lập do mưa, lũ kéo dài; sẵn sàng triển khai phương án chống ngập, úng khi mưa lớn kéo dài; bảo đảm an toàn các hồ chứa, hồ thủy lợi...

Do lượng nước đổ về hồ thủy điện Hố Hô lớn nên từ 20 giờ ngày 7-10, Nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) đã vận hành xả tràn với lưu lượng 250 m3/giây, đến trưa 8-10 lưu lượng tăng lên gần 700 m3/giây. Mưa lớn cùng với việc hồ thủy điện Hố Hô xả lũ đã gây ngập cục bộ, chia cắt tại một số địa bàn thuộc huyện Hương Khê. Ngành giáo dục huyện đã quyết định cho 23 nghìn học sinh từ mầm non đến bậc THCS nghỉ học từ ngày 9-10.

Rạng sáng 8-10, Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Ðịnh) đã cứu 11 ngư dân trên tàu cá số hiệu BÐ 97055 TS bị chìm ở cửa biển Quy Nhơn. Theo đó, khoảng 0 giờ ngày 8-10, tàu cá này đã đâm vào chiếc tàu sắt bị chìm trước đó khiến tàu vỡ và chìm.

Trưa ngày 8-10, theo UBND thị xã Hoài Nhơn (Bình Ðịnh), tại địa phương xảy ra một trường hợp bị nước cuốn mất tích. Trước đó, nạn nhân đi bắt cá ở hạ lưu sông Lại Giang thì bị nước cuốn trôi, mất tích.

Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn gây ra lũ trên các sông, suối khiến một người chết. Trước đó, vào tối 7-10, nạn nhân bị nước cuốn trôi khi đi qua suối. Lực lượng chức năng đã tìm được thi thể.

Sáng 8-10, UBND xã Ðại Ðồng, huyện Ðại Lộc (Quảng Nam) xác nhận thông tin một người dân trên địa bàn xã bị điện giật chết trong lúc dọn đồ tránh lũ. Cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Ea Súp (Ðắk Lắk) cho biết, thi thể nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi đêm ngày 6-10 đã được tìm thấy và lực lượng chức năng đã bàn giao thi thể cho người nhà để lo hậu sự.

Những ngày qua, tại tỉnh Quảng Nam có mưa rất to, nhiều nơi tổng lượng mưa vượt quá 500mm khiến nước trên các sông dâng cao gây ngập úng nhiều nơi. Lực lượng chức năng đã sơ tán khẩn cấp 13 hộ có nguy cơ sạt lở tại xã Lăng và sáu hộ dưới chân công trình Trường THPT Võ Chí Công (xã Axan) đến nơi an toàn...

UBND thành phố Ðà Nẵng có công điện yêu cầu các địa phương có phương án sơ tán nhân dân, đặc biệt ở những nơi có nguy cơ sạt lở, ngập úng; tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu. Bên cạnh đó, ngành giáo dục thành phố cho học sinh các trường tại huyện Hòa Vang, quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ nghỉ học ngày 8-10. Hiện nay, tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, hơn 100 hộ dân khu vực thôn Trung Sơn bị chia cắt bởi mưa lớn, nước ngập nặng; nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông.

Hiện tượng La Nina xuất hiện và kéo dài đến đầu năm 2021

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina đã xuất hiện và sẽ kéo dài trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Theo đó, trong những năm có hiện tượng La Nina, số cơn bão trên Biển Đông ảnh hưởng đến nước ta nhiều hơn bình thường khoảng 28%. Mùa kết thúc muộn hơn bình thường và kéo dài về cuối năm, tập trung nhiều ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ. Bên cạnh đó, trong điều kiện La Nina, nhiệt độ trung bình các tháng xấp xỉ hoặc thấp hơn bình thường, ở phía bắc chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía nam; đồng thời, La Nina lại gây ra lượng mưa vượt trung bình ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nam Bộ.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tap-trung-ung-pho-mua-lu-nghiem-trong-tai-cac-tinh-mien-trung-619688/