Tập trung ứng phó với hình thái áp thấp nhiệt đới phức tạp

Sáng 2-9, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp ứng phó với hình thái áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) phức tạp có khả năng mạnh lên thành bão.

Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài kết luận cuộc hop. Ảnh: CTV

Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài kết luận cuộc hop. Ảnh: CTV

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 4 giờ ngày 2-9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc-112,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 4 giờ ngày 3-9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc-108,5 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Đồng thời, sáng 2-9, trên khu vực giữa biển Đông một vùng áp thấp đã mạnh lên thành ATNĐ. Hồi 4 giờ ngày 2-9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc-115,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chậm theo Bắc Đông Bắc mỗi giờ đi được khoảng 5-10km. Đến 4 giờ ngày 3-9, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc-116,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Vùng nguy hiểm do ATNĐ trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 13,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của hình thái ATNĐ phức tạp nên trong ngày và đêm nay, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến 40-90mm/24 giờ), riêng các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to (90-180mm/24 giờ). Cảnh báo: Từ ngày 2 đến 6-9, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (phổ biến 300-500mm/đợt); khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200-300mm/đợt).

Theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh BĐBP, tính đến 6 giờ ngày 2-9, BĐBP các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.462 phương tiện/317.699 người và 11.826 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản/14.926 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Cụ thể, hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa: 52 tàu/340 người (Quảng Nam 9 tàu/32 người; Quảng Ngãi 35 tàu/288 người; Bình Định 8 tàu/20 người), các phương tiện đã nắm được thông tin về ATNĐ; hoạt động ở khu vực biển khác: 6.619 tàu/42.199 người; neo đậu tại các bến từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa: 64.791 tàu/275.160 người.

Kết luận cuộc hop, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhấn mạnh, công tác ứng phó ATNĐ phức tạp với nguy cơ mưa lũ lớn, nhất là các địa phương hiện đang trong giai đoạn khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra, cần triển khai đồng bộ, nghiêm túc của các lực lượng từ Trung ương tới địa phương, trong đó công tác đảm bảo an toàn cho người dân, tàu thuyền, lồng bè, đặc biệt thông tin truyền thông kịp thời tới chính quyền cơ sở và người dân.

Ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm Công điện số 14/CĐ-TWPCTT ngày 2-9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Trong đó, tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu tại bến; căn cứ tình hình cụ thể quyết định cấm biển.

Tập trung thu hoạch diện tích lúa, cây trồng đã đến kỳ thu hoạch; chủ động tiêu thoát nước đệm bảo vệ sản xuất. Tập trung xử lý các công trình đã bị sự cố; kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, vận hành các hồ thủy điện nhỏ và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.

Tuấn Khang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tap-trung-ung-pho-voi-hinh-thai-ap-thap-nhiet-doi-phuc-tap/