Tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông hiệu quả

Với vai trò là đơn vị 'cầu nối' tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tập trung triển khai nhiều mô hình trình diễn cây trồng, vật nuôi mới; nhân rộng các mô hình khuyến nông phù hợp, hiệu quả. Thông qua các mô hình trình diễn, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn áp dụng vào diện tích sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Mô hình chế biến cá hấp do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại huyện Gio Linh - Ảnh: L.A

Mô hình chế biến cá hấp do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại huyện Gio Linh - Ảnh: L.A

Xác định xây dựng các mô hình trình diễn, nhân rộng các mô hình khuyến nông là phương thức hiệu quả trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho nông dân, trong năm 2020, từ nguồn ngân sách tỉnh và trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện thành công 24 mô hình khuyến nông, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được chính quyền và người dân ghi nhận. Trong quá trình triển khai xây dựng mô hình, cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện đến tận cơ sở khảo sát điều kiện thực tế, lựa chọn các hộ tham gia, chuyển giao kỹ thuật, chọn giống, hướng dẫn các hộ ghi chép quá trình triển khai, thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm và cho các hộ khác đến tham quan, học tập.

Ngoài ra, còn tổ chức 100 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hơn 3.000 lượt nông dân; tổ chức 14 hội nghị đầu bờ, tổng kết tại các điểm trình diễn mô hình với hơn 700 lượt người tham gia. Có thể kể đến một số mô hình nổi bật như mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 16 ha tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh và xã Gio Quang, huyện Gio Linh; sử dụng giống lúa Bắc Thơm 7 và HN6, năng suất thu hoạch đạt từ 52 - 60 tạ/ha, với giá bán 9.000 đồng/kg lúa, cho thu nhập gần 50 triệu đồng/ha.

Thông qua mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thương thức canh tác của người dân trong việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bền vững; đảm bảo sản phẩm an toàn; môi trường đất, nước không bị ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng; giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hạn chế sử dụng phân vô cơ, nhất là phân đạm trong sản xuất lúa. Mô hình trồng dưa hấu sử dụng bạt phủ nilon đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước vụ hè thu với quy mô 5 ha, thực hiện tại thôn Lễ Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh; sử dụng giống dưa hấu Trang Nông 755, năng suất đạt 20 tấn/ha, lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Mô hình đã tạo ra bước đột phá trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như sử dụng màng nilon phủ luống; các chế phẩm sinh học trong bón phân và phòng trừ sâu bệnh; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng; tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, có tính hàng hóa cao; xây dựng thương hiệu nhãn hiệu, cung cấp sản phẩm có chất lượng cho người tiêu dùng.

Trong chăn nuôi, thông qua chương trình cải tạo đàn bò, ước tính đã có hơn 6.000 con bê lai zebu ra đời. Với những ưu điểm như có ngoại hình đẹp, sinh trưởng nhanh, trọng lượng lớn, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với bò vàng địa phương, mang lại nguồn thu khoảng 75 tỉ đồng/năm. Với chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt, ước tính mỗi năm có trên 2.700 bê lai ra đời với nguồn thu khoảng 54 tỉ đồng/năm.

Đối với các mô hình khuyến ngư, trong năm 2020, với việc áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi mới, các đối tượng nuôi mới đã góp phần tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Cụ thể, mô hình nuôi cá leo trong ao đã tạo nên sự đa dạng về đối tượng nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường, lợi nhuận thu được hơn 220 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi tôm kết hợp cá đối và cua, lợi nhuận thu được trên 300 triệu/ha. Mô hình nuôi tôm sú thâm canh 2 giai đoạn, đây là mô hình mới được áp dụng trên tôm sú, bước đầu đã có những kết quả khả quan, đặc biệt là giai đoạn ương tôm có tỉ lệ sống cao, hạn chế tôm chết dưới 1 tháng tuổi, lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ ha. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn theo công nghệ biofloc, lợi nhuận trên 1 tỉ đồng/ ha. Mô hình chế biến cá hấp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) theo hướng GMP, lợi nhuận thu được trên 274 triệu đồng/2 hộ thực hiện; góp phần giảm chi phí nhiên liệu, an toàn và thuận tiện trong chế biến, tăng năng suất hấp cá, sản phẩm đảm bảo vệ sinh ATTP.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn, trong năm 2021, đơn vị tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng phát triển của ngành, địa phương để xây dựng các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ khuyến nông phù hợp. Gắn công tác đào tạo huấn luyện và tổ chức tham quan hội thảo với việc triển khai các mô hình mới có hiệu quả để tạo sức lan tỏa nhanh. Chú trọng phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để quảng bá rộng rãi các hoạt động khuyến nông, các mô hình có hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, xây dựng cánh đồng lớn; mô hình chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nước sang trồng các loại hoa màu có hiệu quả.

Trong các mô hình trồng trọt khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, phân sinh học, tiến tới sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường. Về chăn nuôi, tăng cường triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường; tiếp tục chương trình cải tạo đàn bò nhằm nâng cao tầm vóc và chất lượng thịt, nâng cao tỉ trọng phối giống bò ngoại; khuyến khích các mô hình chăn nuôi trang trại, tiến tới sản xuất thịt sạch, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Triển khai các chương trình trồng rừng cây nguyên liệu, cây gỗ lớn bằng đối tượng keo lai mô, cây lâm sản ngoài gỗ, nông - lâm kết hợp... Tăng cường các hoạt động tập huấn gắn với mô hình để tuyên truyền, phổ biến giúp người dân thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng; gắn trồng rừng với công tác quản lý, bảo vệ rừng, giúp người dân làm giàu trên chính đất rừng của họ. Về lĩnh vực thủy sản, tiếp tục đẩy mạnh các mô hình nuôi mới, nuôi các đối tượng thủy sản đặc sản, nuôi theo quy trình VietGAP; chú trọng nuôi tôm công nghệ biofloc, công nghệ cao, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh và an toàn môi trường nuôi...

“Việc xây dựng thành công các mô hình khuyến nông không những mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ nông dân được tham gia hưởng lợi mà còn trở thành địa chỉ để nhiều nông dân khác đến tham quan, học hỏi và nhân rộng; góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và tạo sản phẩm hàng hóa; giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, có định hướng đúng đắn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương để nâng cao thu nhập”, ông Cẩn khẳng định.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155962&title=tap-trung-xay-dung-cac-mo-hinh-khuyen-nong-hieu-qua