Tập trung xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử

PTĐT - Ngày 7/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị định 09/2019/NĐ-CP và các quyết định liên quan để đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ gửi nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản trên môi trường điện tử, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia và chuẩn hóa, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Tham dự hội nghị, đại diện điểm cầu Phú Thọ có đồng chí: Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại hội nghị, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã giới thiệu đề án Xây dựng hệ thống báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn xây dựng hệ thống thông tin báo cáo bộ, ngành, địa phương; quán triệt thực hiện Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước, Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Việc triển khai xây dựng chính phủ điện tử trong năm 2019 đã đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt đã có chuyển biến trong nhận thức về chính phủ điện tử, từng bước hoàn thiện khung pháp lý về chính phủ điện tử, xây dựng và triển khai các hệ thống chính phủ điện tử nhằm đổi mới lề lối, phương thức làm việc.Bộ trưởng, Chủ nhiệm Chính phủ nhấn mạnh: Trung tâm Báo cáo Quốc gia sẽ được khai trương vào ngày 12/3/2020. Thời gian này, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện hoàn thành liên thông, kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành các cấp; đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi, nhận 4 cấp chính quyền; 80% các vụ, cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tỷ lệ này là 60% đối với các sở, ngành và tương đương thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 30% đối với các phòng, ban và tương đương thuộc UBND cấp huyện.Các bộ, địa phương chưa ban hành Thông tư, Quyết định quy định chế độ báo cáo cần khẩn trương rà soát các chế độ báo cáo hiện nay, nghiên cứu kỹ quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP và hướng dẫn tại Công văn số 3854/VPCP-KSTT ngày 09/5/2019 của Văn phòng Chính phủ để chuẩn hóa các chế độ báo cáo. Đối với các bộ, địa phương đã ban hành Thông tư, Quyết định để chuẩn hóa chế độ báo cáo, cần tiếp tục rà soát, kịp thời phát hiện những bất cập, thiếu sót để tiếp tục thực hiện việc chuẩn hóa chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP.Tại điểm cầu Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai tích cực việc gửi nhận văn bản điện tử và xử lý văn bản trên môi trường mạng, đặc biệt với các xã có kết quả gửi, nhận văn bản điện tử thấp, các xã mới sáp nhập...

Tú Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/thoi-su/tin-noi-bat-trong-tinh/202002/tap-trung-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-chinh-quyen-dien-tu-169187