Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính

Xây dựng hệ thống bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính để thiết lập hệ thống thông tin, phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai theo công nghệ số hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin đất đai, nâng cao chỉ số tiếp cận của tỉnh, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử là mục tiêu mà tỉnh xác định trong Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Vì vậy, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các nội dung, công việc, nhanh chóng hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, tạo 'công cụ đắc lực' trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và tiền đề quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Sở TN&MT quét trang hồ sơ tài liệu, xây dựng không gian dữ liệu các thửa đất.

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Sở TN&MT quét trang hồ sơ tài liệu, xây dựng không gian dữ liệu các thửa đất.

Đẩy nhanh tiến độ

Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo với khối lượng công việc gồm: Đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính 118 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành, thị; lập hồ sơ địa chính 175 xã của 12 đơn vị cấp huyện, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 208 xã của 12 đơn vị cấp huyện. UBND cấp huyện làm chủ đầu tư công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính các xã; Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm chủ đầu tư thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính các huyện, thành, thị.

Để thực hiện Đề án, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai; xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự các bước tiến hành, nội dung chuyên môn để các huyện triển khai, tổ chức thực hiện. Tại các địa phương, đo đạc, kê khai, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai và hoàn thiện hồ sơ địa chính... phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được quan tâm, nhanh chóng triển khai, nỗ lực thực hiện thông qua ban hành kế hoạch, thành lập tổ công tác; tổ chức hội nghị tuyên truyền, thông tin, phổ biến dự án đến đơn vị tư vấn, người dân; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phối hợp đơn vị tư vấn triển khai tốt công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính...

Tuy nhiên, công tác đo đạc, chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Tại thành phố Việt Trì, công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính được triển khai nhanh chóng, đồng bộ với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, song thực tế cũng gặp không ít khó khăn. Đồng chí Trần Tiến Ngọc - Trưởng Phòng TN&MT thành phố cho biết: Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ yếu do tài liệu, hồ sơ quản lý đất đai lưu tại địa phương qua các thời kỳ không đầy đủ, trong khi số liệu thống kê, báo cáo không còn sát với thực tế. Việc biến động đất đai do dồn đổi ruộng đất, chia tách, hợp thửa, thu hồi đất... quá lớn, qua nhiều thời kỳ chưa được cập nhật, chỉnh lý. Hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực đất đai thường xuyên thay đổi, bổ sung, điều chỉnh...

Đây là những khó khăn chung, không chỉ trên địa bàn thành phố mà diễn ra trong toàn tỉnh. Để đảm bảo mục tiêu, tiến độ của Đề án, UBND tỉnh đã ban hành văn bản điều chỉnh tiến độ thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính đối với các xã, phường, thị trấn năm 2024 và năm 2025, sang thực hiện từ năm 2023; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với các xã, phường, thị trấn của năm 2024, năm 2025, giai đoạn sau năm 2025, sang thực hiện từ năm 2023. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương nỗ lực, tập trung hơn nữa để hoàn thành.

Người dân xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất tại bộ phận “Một cửa” của xã để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ địa chính.

Người dân xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất tại bộ phận “Một cửa” của xã để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ địa chính.

Tiếp tục hiện thực mục tiêu số hóa

Từng bước tháo gỡ khó khăn, Sở TN&MT đã hướng dẫn, thành lập tổ công tác làm việc với các huyện để đánh giá, đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả. Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành mục tiêu của Đề án. Đối với nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, Sở cũng đã tích cực triển khai trên cơ sở kết quả đo đạc, hoàn thiện hồ sơ địa chính của cấp huyện.

Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2021 đến nay, UBND cấp huyện đã xây dựng thiết kế kỹ thuật - dự toán và triển khai đo đạc được 69 xã của 10 huyện. Đến thời điểm hiện tại đã thực hiện lập 309 mốc giới địa chính; đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính 51.319,5ha; kê khai, đăng ký đất đai được 233.035 hồ sơ. Đối với công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, Sở TN&MT đã thực hiện được ở 75 xã, trong đó xây dựng dữ liệu không gian được 1.075.377 thửa đất, dữ liệu thuộc tính được 259.907 thửa, quét 180.188 trang hồ sơ tài liệu. Đồng thời, Sở đã triển khai kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin để quản lý, vận hành, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Đồng chí Phạm Văn Quang - TUV, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Để giải quyết những khó khăn, nỗ lực đạt mục tiêu đề ra, Sở thành lập đoàn công tác kiểm tra thực tế, tổng hợp vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ tại các địa phương để xây dựng, ban hành hướng dẫn cụ thể về trình tự, cách thức thực hiện cho các địa phương, đảm bảo áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh. Sở chỉ đạo tổ công tác thường xuyên theo dõi, phối hợp với cơ quan, đơn vị chuyên môn cấp huyện để đôn đốc tiến độ, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, tiếp tục làm việc với các đơn vị của Bộ TN&MT xin ý kiến về giải pháp phần mềm cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính làm căn cứ để trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin.

Các huyện, thị, thành tiếp tục chủ động, nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án. UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, người dân về mục đích, yêu cầu của Đề án, đồng thời tham mưu, chỉ đạo để cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, trong đó chú trọng thành lập các tổ công tác, tổ giúp việc chuyên trách tại cấp huyện, cấp xã, giao trách nhiệm đôn đốc thực hiện hàng tháng, hàng tuần theo địa bàn phân công để nhiệm vụ thực hiện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tap-trung-xay-dung-co-so-du-lieu-dia-chinh-213282.htm