Tất bật 'đón' tết sớm ở làng chổi đót nổi tiếng Hà Tĩnh
Cận Tết Nguyên đán là thời điểm người dân làng nghề chổi đót Hà Ân (xã Thạch Mỹ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) tất bật tăng năng suất cho kịp nhiều đơn hàng và thu gom nguyên liệu làm nghề cho cả năm.
Người dân làng nghề Hà Ân (Thạch Mỹ, Lộc Hà) cố gắng tăng năng suất để kịp nhiều đơn hàng dịp tết
Thoăn thoắt đôi bàn tay luồn sợi mây trên bánh chổi, chị Ngô Thị Ánh (47 tuổi, thôn Hà Ân, Thạch Mỹ) cho biết: “Thời điểm cận tết đơn hàng tăng lên rất nhiều. Hàng làm ra bao nhiêu tư thương đến lấy hết bấy nhiêu. Chúng tôi làm không nghỉ tay mà họ vẫn giục”.
Chị Ánh cho biết, mỗi ngày, nếu làm chổi bằng cán nhựa, gia đình chị làm được 100 cái. Nếu làm chổi bằng cán thân đót thì số lượng ít hơn, khoảng 50 cái. Giá nhập loại chổi đót cán nhựa hiện nay là 20 ngàn đồng/cái; loại bằng cán thân đót giá cao hơn 25-30 ngàn đồng/cái. Từ đầu vụ tết, tức là tháng 11 đến nay, gia đình chị đã bán ra thị trường gần 3.000 cái chổi các loại với số tiền khoảng 70 triệu đồng; trừ chi phí, gia đình thu được hơn 30 triệu đồng.
Dịp tết này, gia đình chị Ngô Thị Ánh sản xuất hàng nghìn cái chổi đót bán ra thị trường
Không chỉ gia đình chị Ngô Thị Ánh, vào thời điểm này, hầu hết các gia đình làm nghề chổi ở thôn Hà Ân đều cố gắng “tăng ca” để tạo năng suất. Như gia đình ông Lê Tiến Nươm, ông Lê Quang Lục, anh Lê Thanh Bình…, trung bình mỗi ngày làm 50-100 cái chổi.
Khách hàng mua chổi đót của làng nghề chổi Hà Ân rất đa dạng từ khách lẻ ở các chợ địa phương đến những đầu mối trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, 2-3 năm nay, thị trường của chổi đót Hà Ân đã vươn xa đến các tỉnh như Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, thậm chí cả thành phố Hồ Chí Minh…
Kho thu mua sản phẩm chổi đót của ông Lê Tiến Dũng (thôn Hà Ân, Thạch Mỹ)
Ông Lê Tiến Dũng (thôn Hà Ân, Thạch Mỹ) là một trong những đầu mối thu mua trực tiếp sản phẩm của bà con trong thôn. “Tết là dịp mọi người chỉnh trang nhà cửa, mặt khác nhiều người thường sắm sửa vật dụng mới... Vì thế chổi đót là một trong những mặt hàng gia dụng bán chạy vào dịp này. Đến nay, lượng chổi ở làng nghề Hà Ân bán ra tăng khoảng 25 - 30% so với dịp thường. Chỉ riêng dịp cận tết này, trung bình mỗi ngày nhập khoảng 500 - 1.000 cái chổi cho các đầu mối”, ông Dũng cho hay.
Không chỉ thu nhập từ nghề làm chổi thành phẩm, nhiều gia đình trong thôn còn khai thác nguyên liệu để bán cho nhiều cơ sở khác trong và ngoài tỉnh. Anh Lê Tiến Thương (thôn Hà Ân) - thương lái cho biết: “Từ tháng 12 âm lịch đến hết tháng giêng là thời điểm cây đót trổ bông. Thời điểm này, tôi đã đặt cọc với thương lái bên Lào. Khoảng sang tuần tới, chúng tôi sẽ trực tiếp sang bên ấy thu gom chuyển về. Năm nay tôi đặt hơn 100 tấn".
Không chỉ làm chổi, một số gia đình còn là nhà phân phối nguyên liệu đót ra thị trường trong và ngoài tỉnh hàng trăm tấn/năm
Được biết, trước đây, khi làng nghề chưa có nhiều thị trường, để có nguyên liệu sản xuất chổi, người dân thôn Hà Ân thường tự đi lên rừng bóc đót hoặc mua của người dân ở các xã như Thạch Hương, Thạch Xuân (Thạch Hà) và từ tỉnh khác như: Điện Biên, Nghệ An… Nhưng những năm gần đây, nhu cầu lớn, sản lượng đót trong nước ít đi, nhiều hộ gia đình đã tìm sang vùng nguyên liệu ở nước bạn.
Hiện nay, tại thôn Hà Ân có khoảng 9-10 hộ thường xuyên sang đặt mua nguyên liệu bông đót khô ở Lào đem về. Trong đó, nhiều người đặt mua lên đến 100 tấn mỗi năm, như anh Lê Tiến Thương, ông Phan Văn Sang… Số nguyên liệu này không chỉ cung cấp cho nhiều bà con trong làng nghề mà còn nhập cho nhiều cơ sở làm chổi ở Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… Đót nguyên liệu được bán với giá 30 triệu đồng/tấn.
Tháng 12 âm lịch và tháng giêng là thời điểm người dân các vùng miền núi thu hoạch bông đót. Ảnh: internet
“Nếu trước đây, nghề làm chổi chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn thì bây giờ nghề “tay trái” này lại là công việc đem lại sự no ấm, thịnh vượng cho những hộ dân làm nghề trong thôn chúng tôi”, ông Trần Đình Hiền - Bí thư Chi bộ thôn Hà Ân cho hay.
Hiện nay, tại thôn Hà Ân có 182/280 hộ làm nghề chổi đót đem lại thu nhập khá và ổn định. Bên cạnh đó có 9 - 10 hộ thường xuyên vừa phân phối nguyên liệu, vừa là cầu nối tiêu thụ sản phẩm ra thị trường cho bà con làng nghề.