Tất bật 'giải cứu' ô tô sau siêu bão

Những ngày qua, người dân và lực lượng cứu hộ giao thông phải tất bật 'giải cứu' những chiếc ô tô gặp nạn trong siêu bão Yagi.

Bão Yagi càn quét qua các tỉnh phía Bắc khiến nhiều cây cối bị gãy đổ đè vào ô tô và nhiều chiếc xe nằm sâu dưới nước. Những ngày qua, người dân và lực lượng cứu hộ giao thông phải tất bật "giải cứu" những chiếc xế cưng.

Xót xa khi thấy xe bị cây đè

Chiều 7/9, siêu bão Yagi (cơn bão số 3) bắt đầu đổ bộ, càn quét địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Các dự báo thời gian cơn bão đổ bộ được cập nhật liên tục nên hầu hết người dân đều rất thận trọng. Thế nhưng, nếu xe máy có thể dễ dàng cất vào nhà để tránh bão thì với ô tô, không phải nhà nào cũng có hầm để xe. Vì thế nhiều người phải gửi ở các bãi, thậm chí đỗ trên vỉa hè và không may bị cây gãy, đổ đè trúng.

Cây đổ do bão số 3 khiến nhiều ô tô bị hư hỏng. Ảnh: Tạ Hải.

Cây đổ do bão số 3 khiến nhiều ô tô bị hư hỏng. Ảnh: Tạ Hải.

Chị Mai Anh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, đến giờ vẫn xót xa khi nghĩ lại khoảnh khắc sáng sớm ra chỗ gửi xe, thấy chiếc Kia Sonet mới mua đang nằm bẹp dưới ngọn cây bị đổ.

"Tôi chọn chỗ đỗ khá an toàn, thậm chí cẩn thận phủ cả bạt để bảo vệ. Sáng hôm sau, ra chỗ đỗ xe tôi bủn rủn khi thấy thân cây đè lên đầu xe tôi cùng 5 xe khác. Thú thực, lúc đó tôi thấy rất xót xa. Nhưng trên đường đi làm, nhìn cảnh rất nhiều chiếc xe khác bị cây đổ bẹp dúm, tôi nghĩ mình vẫn còn là may", chị Mai Anh cho hay.

Cùng cảnh, chị Nguyễn Thị Hà (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Buổi sáng sau bão, khi xuống bãi để xe của chung cư, chứng kiến cảnh cây đổ đè vào chiếc ô tô của mình mà thấy xót ruột. Ngoài tôi còn hàng chục xe khác cũng bị cây đổ đè lên. Sau đó, mọi người đã nhanh chóng cùng nhau cắt cây, cố gắng giải cứu những chiếc xe của mình".

Trung tâm cứu hộ tất bật

Là người trực tiếp điều hành Trung tâm cứu hộ giao thông ABC, ông Trần Văn Minh, Giám đốc trung tâm chia sẻ: "Không ngờ sức tàn phá của cơn bão khủng khiếp tới vậy. Ngoài đường, cây cối nghiêng ngả, đổ rạp, còn tại trung tâm, thông tin về việc ô tô cần cứu hộ liên tục đổ về tổng đài. Các xe cứu hộ hoạt động hết công suất".

Ông Minh cho biết, các ngày trước và sau bão, cứu hộ ABC vẫn giữ nguyên giá như ngày thường. Với việc cứu hộ xe trong nội thành Hà Nội, giá dao động từ 600.000 – 700.000 đồng và các thành viên thuộc Chi hội Cứu hộ giao thông đường bộ Việt Nam tại Hà Nội đều áp dụng mặt bằng giá này, không tăng so với ngày thường.

"Còn nếu cần cứu hộ xa hơn sẽ tùy khoảng cách để tính chi phí nhưng nhìn chung giá không tăng. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp không thuộc chi hội, lợi dụng tình trạng cầu nhiều hơn cung đã tăng giá dịch vụ cứu hộ lên cao.Việc lợi dụng lúc hoàn cảnh khó khăn để tăng giá như vậy rất đang lên án", ông Minh nói.

Theo ông Minh, ngay sáng sau bão, có những thời điểm trong ngày lượng xe của trung tâm không đủ để phục vụ nhu cầu. Trong số hàng trăm trường hợp cứu hộ, phần nhiều là xe bị cây đổ đè vào, còn lại là xe bị ngập nước, chết máy.

Ông Minh chia sẻ thêm, với các trường hợp bị cây đổ đè vào, dù rất muốn hỗ trợ nhanh cho khách đưa phương tiện đi sửa chữa, song rất khó tiếp cận. Với những trường hợp này, trung tâm hướng dẫn khách hàng phải chờ lực lượng chức năng giải phóng cây, sau đó mới có thể cứu hộ an toàn.

Ngoài cứu hộ ABC, điều phối viên một số trung tâm cứu hộ ô tô tại Hà Nội chia sẻ, họ đã có những ngày làm việc tất bật ngay sau khi bão Yagi đổ bộ, càn quét địa bàn Hà Nội. Hàng chục cuộc gọi đổ về liên tục, đa phần do cây đổ đè vào xe cần trợ giúp.

Theo lời điều phối viên Trung tâm cứu hộ Hiển Vinh, các nhân viên còn phải tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để làm việc: "Nhiều trường hợp do khách quá sốt ruột, nhân viên phải bỏ bữa để đi cứu hộ kịp thời. Các trường hợp xe bị cành cây nhỏ đè vào, một số trung tâm hỗ trợ cắt cành, đưa xe ra miễn phí".

Garage chia sẻ với khách hàng

Ngay sau bão, các garage ô tô cũng hoạt động hết công suất. Anh Trương Dũng, Trung tâm dịch vụ Auto i-Tech (Hà Nội) cho biết, sau khi cơn bão đi qua, garage có tiếp nhận hai chiếc xe bị hư hại nhẹ do cây đổ vào làm móp nóc xe.

Để đồng hành, chia sẻ thiệt hại với khách hàng, garage đã có chương trình hỗ trợ sau bão, chỉ nhận tiền công, không lấy lợi nhuận bằng cách giảm 12% chi phí sửa chữa, khắc phục cho tất cả các xe gặp sự cố, tai nạn, tổn thất do bão Yagi gây ra, áp dụng đến hết ngày 15/9.

Đang tất bật điều hành nhân viên khôi phục lại chiếc xe bị cây đổ tại garage, ông Lê Đức Nguyên, Giám đốc Việt Đức Autospa cho biết, ngay từ sáng 8/9 đã có rất đông xe đến để kiểm tra, bảo dưỡng sau khi bị ngập nước, thậm chí có cả ô tô bị cây đổ đè vào.

"Chỉ hai, ba ngày mà có hàng chục phương tiện đến bảo dưỡng, sửa chữa. Nhưng lượng xe quá đông dồn đến một lúc nên không thể nhận hết để đảm bảo chất lượng. Xưởng do ảnh hưởng của bão bị đổ tường nhưng vẫn cố gắng khắc phục, từ đảm bảo khôi phục cơ sở vật chất đến sửa chữa, bảo dưỡng xe cho khách bị ảnh hưởng bởi bão Yagi", ông Nguyên chia sẻ.

Dồn dập yêu cầu bảo hiểm bồi thường

Tổng hợp các thống kê từ một số công ty bảo hiểm lớn, tính đến sáng 10/9 đã có hàng trăm vụ yêu cầu bồi thường tổn thất liên quan tới bảo hiểm xe cơ giới. Có thể kể đến như Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC), tính đến 9h sáng ngày 10/9 đã ghi nhận hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) tính đến đầu giờ chiều ngày 9/9 đã ghi nhận 250 vụ tổn thất về xe cơ giới.

Thanh Tùng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/tat-bat-giai-cuu-o-to-sau-sieu-bao-192240913025209102.htm