Tất bật nghề làm chậu cảnh
Là địa phương có thế mạnh về trồng hoa, cây cảnh nên nghề làm chậu cảnh ở huyện Văn Giang cũng phát triển mạnh mẽ, vừa đáp ứng nhu cầu trực tiếp của các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh, vừa phục vụ các nhà vườn trong và ngoài địa phương. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 15 cơ sở sản xuất chậu cảnh, mỗi năm xuất bán ra thị trường hàng chục nghìn sản phẩm chậu cảnh các loại.
Cơ sở sản xuất chậu cảnh của gia đình anh Nguyễn Mạnh Linh, xã Tân Tiến (Văn Giang) hối hả vào mùa.
Những ngày này, cơ sở sản xuất chậu cảnh của gia đình anh Nguyễn Mạnh Linh, xã Tân Tiến (Văn Giang) tất bật với những đơn hàng dịp cuối năm. Anh Linh cho biết: 2 năm trở lại đây, bên cạnh sản xuất chậu cảnh bằng xi măng, gia đình tôi sản xuất thêm chậu cảnh bằng sứ. Chậu cảnh bằng sứ có giá cao hơn từ 60 đến 70 nghìn đồng so với chậu cảnh xi măng cùng kích cỡ nhưng được khách hàng ưa chuộng và đặt mua nhiều do có ưu điểm là nhẹ, đẹp, phù hợp để trồng đa dạng các loại hoa, cây cảnh như: Quất, trà, trạng nguyên, lan... Gần 1 tháng nay, gia đình tôi đã nhận đơn đặt hàng sản xuất trên 1 nghìn chiếc chậu cảnh phục vụ dịp tết, trong đó chậu sứ chiếm khoảng 90%. Mẫu chậu cây cảnh năm nay chủ yếu là các chậu con giống như: Cá chép, trâu… Trung bình, gia đình tôi xuất bán trên 7 nghìn sản phẩm chậu cảnh/năm, trong đó dịp cuối năm chiếm trên 50% tổng số lượng hàng xuất bán trong năm.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất chậu cảnh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là sản xuất chậu cảnh xi măng do giá thành rẻ, độ chịu lực cao, hạn chế rủi ro khi vận chuyển xa. Kiểu dáng chậu cảnh xi măng cũng thay đổi từ tròn, trơn chuyển sang chậu vuông, lục giác, bầu dục, chậu in chữ phúc, lộc, thọ… với kích thước đa dạng, mẫu mã phong phú, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Từ đầu tháng 9, không khí sản xuất chậu cảnh của gia đình anh Lê Văn Nguyễn, xã Bình Minh (Khoái Châu) cũng tất bật với những đơn đặt hàng. Tại khu sản xuất chậu cảnh, những người thợ đang cần mẫn, tỉ mỉ với từng công đoạn sản xuất, các sản phẩm hoàn thiện được sắp xếp ngay ngắn chờ phơi nắng. Anh Nguyễn chia sẻ: Gia đình tôi mở xưởng sản xuất chậu cảnh từ 3 năm nay. Trung bình, gia đình tôi xuất bán từ 50 đến 60 chiếc chậu/tháng. Từ tháng 9 đến nay, gia đình tôi đã nhận đơn đặt hàng với trên 500 chậu cảnh xuất bán vào đầu tháng 12 âm lịch. Để bảo đảm thời gian giao hàng cho khách, tôi phải thuê thêm thợ làm thời vụ, nhập dự trữ sẵn nguyên liệu để chủ động hoạt động sản xuất.
Theo kinh nghiệm của những người thợ làm nghề, giá trị của chậu cảnh phụ thuộc vào kiểu dáng, hoa văn và màu sắc của chậu để phù hợp với từng tác phẩm sinh vật cảnh và hợp mệnh với chủ nhà. Giá của chậu cảnh cũng dao động từ vài trăm nghìn đồng đến gần 10 triệu đồng/chiếc (tùy kiểu dáng, kích thước, chất liệu). Thị trường chậu cảnh thường sôi động từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 2 năm sau để đáp ứng nhu cầu chơi cây cảnh đón xuân của khách hàng và phục vụ các nhà vườn đưa cây cảnh lên chậu, bắt đầu bước vào đợt trồng và chăm sóc cây cảnh phục vụ tết năm sau.
Thời điểm này, tại các cơ sở sản xuất chậu cây cảnh trên mảnh đất trống, chậu cây được xếp thành hàng dài chờ phơi nắng. Người làm nghề mong muốn thị trường hoa, cây cảnh năm nay sẽ có nhiều khởi sắc để sản xuất thêm được nhiều chậu cảnh, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202210/tat-bat-nghe-lam-chau-canh-87e5200/