Tất bật vào vụ hoa Tết

Còn khoảng một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Hiện các hộ nông dân trồng hoa tại TP Hồ Chí Minh đang tất bật chăm sóc vườn hoa, cây kiểng để kịp cung ứng cho thị trường trong dịp Tết. Tuy nhiên, ngoài nỗi lo về thời tiết, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế cũng khiến người trồng hoa lo lắng về sức tiêu thụ hoa Tết năm nay.

Người dân thành phố chọn mua cây kiểng tại siêu thị cây cảnh bon-sai trên đường Phạm Văn Đồng.

Người dân thành phố chọn mua cây kiểng tại siêu thị cây cảnh bon-sai trên đường Phạm Văn Đồng.

Còn khoảng một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Hiện các hộ nông dân trồng hoa tại TP Hồ Chí Minh đang tất bật chăm sóc vườn hoa, cây kiểng để kịp cung ứng cho thị trường trong dịp Tết. Tuy nhiên, ngoài nỗi lo về thời tiết, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế cũng khiến người trồng hoa lo lắng về sức tiêu thụ hoa Tết năm nay.

Tết đến gần, không khí trồng hoa tại các huyện vùng ven thành phố như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… càng thêm sôi động, nhộn nhịp. Anh Trần Xuân Thảo, ở ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ (Củ Chi) đang tất bật tưới nước, bón phân cho vườn hoa hơn 6.000 chậu vạn thọ, 3.000 chậu cúc bông và 6.000 chậu hoa hướng dương của mình. Dịp Tết Nguyên đán năm 2020, anh Thảo đầu tư 40 triệu đồng trồng gần 10.000 chậu hoa các loại để bán hoa Tết. Sau hơn một tháng chăm sóc, anh thu về hơn 30 triệu đồng sau khi trừ các chi phí vật tư, phân bón, nhân công. Năm nay, tuy đầu tư trồng hoa với số lượng nhiều chậu hơn nhưng anh Thảo dự đoán thuận lợi không được như năm ngoái do ảnh hưởng thời tiết và dịch bệnh. "Thời tiết năm nay "khó chịu" hơn so với mọi năm, mưa kết thúc muộn, cùng với sương mai (sương muối) ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của các loại hoa, nhất là hoa mai. Tôi đang lo lắng thời tiết thay đổi như năm nay sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của hoa. Cùng với kinh tế khó khăn do tác động của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến sức mua của thị trường hoa Tết năm nay", anh Thảo nói.

Tại ấp Xóm Mới, nhiều hộ gia đình đầu tư trồng hoa Tết để kiếm thêm thu nhập ngoài việc trồng các loại rau lá, dưa chuột (dưa leo), khoai mỳ, đậu bắp… Anh Nguyễn Văn Hiền năm nay dành gần 1.000 m2 trồng hoa các loại để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Năm trước, vườn hoa Tết của anh rộng gần 1.500 m2, nhưng do lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế của người dân, cũng như thời tiết thay đổi cho nên anh thu hẹp quy mô sản xuất. Anh Hiền cho biết: "Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng hoa, tôi dự đoán năm nay thời tiết bất thường hơn so với mọi năm do đây là năm nhuận. Không chỉ riêng tôi, nhiều hộ trồng hoa ở ấp Xóm Mới cũng giảm quy mô, diện tích trồng hoa vì sợ thua lỗ".

Thị trường hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán ở thành phố hiện đã bắt đầu sôi động với các loại hoa, cây cảnh rất đa dạng. Bên cạnh các loại hoa, cây kiểng quen thuộc, năm nay các nhà vườn, vựa hoa kiểng bày bán các loại hoa nhập khẩu và cả các loại cây ăn quả được biến tấu thành cây cảnh phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Dọc đường Phạm Văn Ðồng, đoạn qua TP Thủ Ðức, nhiều nhà vườn cũng khẩn trương đem những cây mai, cây kiểng, hoa lan ra trưng bày tại các vựa hoa để bán. Năm nay, để đáp ứng nhu cầu người dân mua hoa, cây kiểng Tết, tại góc ngã tư đường Phạm Văn Ðồng và Ðào Trinh Nhất, Công ty Bon-sai xanh đứng ra thuê mặt bằng mở siêu thị cây cảnh Bon-sai xanh trên diện tích rộng khoảng 1 ha để các nhà vườn thuê lại. Tại đây sẽ bày bán đầy đủ các loại hoa, cây kiểng, mai vàng… phục vụ người dân. Anh Bùi Văn Hiện, người có hơn 20 năm kinh doanh hoa, cây kiểng cho biết: "Tuy còn khoảng một tháng nữa mới tới Tết, nhưng tại đây đã được các nhà vườn, người kinh doanh hoa kiểng chuẩn bị sẵn sàng. Ngày nào hoa, cây kiểng, mai vàng, hoa lan… cũng được vận chuyển đến đây rất nhiều. Không chỉ có hoa, cây kiểng ở TP Hồ Chí Minh mà các địa phương lân cận, các tỉnh, thành phố phía bắc, miền trung cũng được vận chuyển đến đây để bán cho người dân thành phố".

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, Tết Tân Sửu 2021, thị trường thành phố tiêu thụ khoảng 600 nghìn đến 700 nghìn chậu mai, 250 nghìn đến 300 nghìn chậu bon-sai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Trong đó, bốn chợ chuyên kinh doanh hoa lớn gồm chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10), chợ hoa tươi Ðầm Sen (quận 11), chợ đầu mối Bình Ðiền (quận 8), chợ đầu mối Thủ Ðức (TP Thủ Ðức) cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, hoa và cây kiểng được xác định là một trong những sản phẩm cây trồng chủ lực của thành phố. Bởi, thành phố vừa là đầu mối cung cấp hoa kiểng cho cả nước và xuất khẩu, vừa là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước với nhiều chủng loại phong phú, nhất là đã hình thành các địa điểm tiêu thụ, cung ứng tập trung.

Những năm gần đây hoa, cây kiểng được xem là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp sự phát triển của nền nông nghiệp đô thị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân thành phố. Ðể tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời gắn với phát triển du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trồng hoa, cây kiểng. Thời gian tới, mục tiêu đưa ra là phát triển diện tích sản xuất hoa, cây kiểng đạt 2.250 ha, trong đó diện tích hoa lan đạt 400 ha, hoa mai đạt 500 ha. Cùng với đó, phấn đấu đưa giá trị sản xuất hoa, cây kiểng bình quân đạt một tỷ đồng/ha/năm.

KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/tat-bat-vao-vu-hoa-tet-631462/