Tất cả 63 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh nghỉ học

Sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn đề nghị các địa phương cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020, tính đến tối 15/2, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thông báo cho học sinh nghỉ phòng chống dịch Covid-19.

Căn cứ tình hình thực tế nghỉ học của các địa phương trong cả nước, Bộ GD&ĐT quyết định điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học 2019 - 2020 và các mốc thời gian kế hoạch năm học chung của ngành. Bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết các địa phương xây dựng phương án điều chỉnh hoạt động dạy học để đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Theo cập nhật của PV, sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tối 14.2, đề nghị xem xét kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh để phòng ngừa dịch Covid -19, đến tối nay, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học, trong đó không ít tỉnh trước đó đã thông báo học sinh trở lại trường từ ngày 17.2.

Trong 63 tỉnh, thành thì có 56 địa phương cho nghỉ đến hết tháng 2.

Tất cả 63 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh nghỉ học để phòng dịch Covid-19

Các địa phương rút lại quyết định, thông báo cho học sinh đi học trở lại từ ngày 17.2 và thay vào đó ngày hôm nay đã gửi văn bản hỏa tốc thông báo quyết định cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2 như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Bình Định, An Giang, Cần Thơ, Yên Bái...Các tỉnh như Đồng Nai, Tuyên Quang rút lại quyết định đi học trở lại vào ngày 17.2 và tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 23.2.

Những tỉnh, thành quyết định cho học sinh nghỉ học hết tháng 2 gồm: TP.Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Khánh Hòa, Quảng Trị, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Phước, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long An, Phú Yên, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Dương, Gia Lai, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bến Tre, An Giang, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Bắc Giang, Hà Nam, Điên Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh (nghỉ đến hết ngày 1.3), Yên Bái, Hậu Giang, Hải Dương …Sở GD-ĐT Hải Dương ngày 14.2 có thông báo học sinh mầm non, tiểu học trên địa bàn nghỉ đến ngày 19.2; học sinh THCS, THPT đi học trở lại từ ngày 17.2. Tuy nhiên, hôm nay đã có quyết định toàn bộ học sinh trên toàn tỉnh nghỉ học đến hết 29.2.Những địa phương tạm quyết định cho học sinh nghỉ 1 tuần (đến hết 23.2) gồm: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Tuyên Quang và Thanh Hóa.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), căn cứ tình hình dịch bệnh, các địa phương đã cho học sinh nghỉ hai tuần và thời gian nghỉ học còn kéo dài hơn nữa nên Bộ GD&ĐT sẽ phải căn cứ tình hình thực tiễn để điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học tương ứng. Khi điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học, phải tính toán khoảng thời gian tổ chức các kỳ thi với tinh thần hướng tới lợi ích của người học. Công tác chuẩn bị cho các kỳ thi của cơ quan quản lý có thể phải rút ngắn hơn bình thường để bảo đảm ưu tiên về thời gian ôn tập cho học sinh, giúp các em có kiến thức vững chắc trước kỳ thi.

Một số mốc thời gian chính của năm học hiện đang được áp dụng trong toàn quốc, quy định trong Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên như sau: kết thúc năm học trước ngày 31-5 hằng năm; xét công nhận hoàn thành chương trình Tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp Trung học cơ sở trước ngày 15/6 hằng năm; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 31/7 hằng năm.

Mặt khác, nếu điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học thì những mốc thời gian trên cũng phải điều chỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo để mốc cuối cùng của năm học này không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch năm học tiếp theo.

Còn về những khó khăn khi các địa phương cho học sinh đi học trở lại tại các thời điểm khác nhau, thì được biết, khung kế hoạch thời gian năm học do Bộ GD&ĐT đề ra với các mốc thời gian để các địa phương nắm được và có căn cứ thực hiện các hoạt động dạy học theo các điều kiện đặc thù của địa phương mình. Trong điều kiện bình thường, các địa phương cũng thường có những chênh lệch sớm hơn hoặc muộn hơn một khoảng thời gian. Vì vậy, sự chênh lệch về thời gian tiến hành các hoạt động dạy học giữa các địa phương cũng sẽ không làm nảy sinh khó khăn.

Về thời gian thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020, Bộ GD&ĐT cho biết, căn cứ tình hình thực tiễn diễn biến dịch bệnh và thời gian học sinh tạm nghỉ học tại các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn về thời điểm tổ chức kỳ thi phù hợp với thời điểm kết thúc năm học đã được điều chỉnh.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tat-ca-63-tinh-thanh-pho-tiep-tuc-cho-hoc-sinh-nghi-hoc-post73734.html