'Tất cả cần hành động' vì cuộc sống mạnh khỏe hơn
Mariana Donato, 36 tuổi, đang nghỉ giải lao giữa giờ học khiêu vũ. Cô và nhóm của mình đang tập luyện chuẩn bị cho chương trình Hoa hậu thời trang 'quá khổ' ở thành phố Recife, nơi họ sẽ trình diễn những tiết mục thách thức tiêu chuẩn vẻ đẹp 'thiếu cân' thông thường.
Recife là một trong những nơi có nhiều người béo phì và quá cân nhất ở Brazil, song điều đáng nói béo phì đang có xu hướng gia tăng mạnh ở quốc gia Mỹ Latinh này. Trong 2 thập kỷ qua, Brazil là một trong những quốc gia có số người béo phì tăng mạnh nhất. Năm 2020, gần 29% dân số Brazil từ 20 tuổi trở lên mắc bệnh béo phì, trong khi con số này của năm 2000 là xấp xỉ 15%.
Vì lẽ đó, ngày càng nhiều trường học tại thành phố Recife ở Đông Bắc Brazil buộc phải thay đổi bàn ghế có kích thước lớn hơn, trong khi các bệnh viện được đặt thêm giường bệnh và máy chụp cộng hưởng từ cỡ lớn, còn các rạp hát ở trung tâm thành phố cũng điều chỉnh kích cỡ ghế ngồi để phù hợp với khán giả.
Thực trạng ngày càng nhiều người nặng cân hơn phần nhiều là do thói quen tiêu thụ đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn giàu chất béo song ít dinh dưỡng, trong khi lười vận động hoặc vận động chưa phù hợp. Theo các chuyên gia y tế, quá cân và béo phì giờ đây đã trở thành một thách thức y tế cộng đồng nghiêm trọng, đặc biệt ở những nước có thu nhập cao và trung bình. Hiện có tới 800 triệu người trên toàn cầu chung sống với béo phì và hàng triệu người khác có nguy cơ mắc căn bệnh này. Tại Mỹ, gần 40% người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên bị béo phì và 71,6% người trưởng thành được xem là quá cân.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), béo phì được định nghĩa là trạng thái cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ gây tăng cân và được công nhận là bệnh dinh dưỡng có thể phòng ngừa được. Béo phì đang làm thay đổi cuộc sống của con người, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch và ung thư. Đáng chú ý, trong đại dịch COVID-19, nhiều nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ người béo phì có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng và phải nhập viện cao gấp 2 lần người bình thường nếu mắc COVID-19. Bên cạnh đó, người béo phì cũng có nguy cơ cao mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Theo một số chuyên gia, làm việc từ xa do các biện pháp phong tỏa trong đại dịch đã gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc béo phì - một hệ quả thứ phát do việc giảm vận động và dễ tiếp cận đồ ăn hơn khi người lao động ở nhà và không có nhu cầu ra ngoài.
Không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, béo phì còn gây thiệt hại về kinh tế với chi phí y tế điều trị ước tính có thể lên đến 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Người béo phì thường có năng suất lao động thấp hơn người bình thường. Dù đối mặt với nhiều bất lợi, song đa phần người béo phì lại đang thiếu sự hỗ trợ và chịu sự kỳ thị từ xã hội, gia đình và cả trong hệ thống y tế.
Giáo sư Gerhard Prager thuộc Khoa Ngoại tổng hợp, Đại học Y Vienna (Áo), khẳng định thế giới giờ đây cần phải thay đổi nhận thức, rằng béo phì chính là bệnh kinh niên nghiêm trọng mà không hẳn chỉ là vấn đề về lối sống. Theo Giáo sư Prager, béo phì thực chất là vấn đề xã hội và là bệnh gây hậu quả nghiêm trọng. Ông kêu gọi mọi người cần thay đổi lối sống, vận động thể chất nhiều hơn, bởi “ngồi nhiều cũng tác hại ngang hút thuốc lá”. Lời kêu gọi đó hoàn toàn phù hợp khi sống lành mạnh nhằm thích ứng với hoàn cảnh “bình thường mới” sau đại dịch COVID-19.
Con người cần sống lành mạnh hơn theo hướng cai thuốc lá, giảm hấp thụ đồ uống có cồn, ngủ đủ giấc (từ 7-9 giờ mỗi đêm), ăn đủ rau củ và trái cây cũng như tập thể dục thường xuyên với cường độ vận động trung bình ít nhất 150 phút/tuần. Cũng theo không ít chuyên gia, việc “ăn ít, tập nhiều” là chưa đủ trong cuộc chiến chống béo phì. Họ kêu gọi một cách tiếp cận mới, tập trung vào những nhu cầu về y tế của người béo phì, thay vì chỉ quan tâm đến cân nặng như trước đây.
Một khi được coi là bệnh thì các nhà hoạch định chính sách cũng cần thay đổi cách ứng xử với người béo phì. Brazil chính là một ví dụ thành công cho sự thay đổi tích cực này. Giờ đây, người béo phì ở quốc gia Nam Mỹ này đang được ưu tiên bảo vệ và hỗ trợ trong đời sống theo luật định. Ở góc độ chính sách công, nhiều chuyên gia nhận định Brazil đang nhanh chóng vượt qua nhiều quốc gia phát triển khi việc bảo vệ quyền lợi của người béo phì giờ đây trở thành nội dung nghị sự tại các tòa thị chính, các hội đồng lập pháp cấp bang và cả ở Quốc hội liên bang.
Với chủ đề “Tất cả cần hành động” (Everybody Needs to Act), Ngày Thế giới phòng chống béo phì 4/3 năm nay ghi dấu với hàng loạt sự kiện được tổ chức trên khắp thế giới. Đây là chiến dịch toàn cầu được nhiều tổ chức quốc tế cùng nhau phát động để kêu gọi thế giới thay đổi nhận thức về bệnh béo phì và hành động ngay . Sự kiện năm nay được xây dựng dựa trên thành công của chiến dịch năm ngoái có chủ đề “Ai cũng cần nhau” (Everybody Needs Everybody), với sự ủng hộ chưa từng có của truyền thông và công chúng, được hàng trăm triệu người trên khắp thế giới biết đến.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì cũng tăng nhanh ở mức đáng báo động trong 10 năm qua, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ người thừa, cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc giai đoạn 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.
Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2040. Chiến lược tổng thể nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam gồm 6 mục tiêu cụ thể với 29 chỉ tiêu. Một trong số các mục tiêu quan trọng đó là khống chế thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, dự phòng các bệnh mạn tính không lây và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Với tỷ lệ trẻ em béo phì trên toàn thế giới ước tính tăng 60% trong thập kỷ tới lên (250 triệu em vào năm 2030), nhiều năm qua, Liên đoàn Phòng chống béo phì thế giới (WOF) - đơn vị tổ chức Ngày Thế giới phòng chống béo phì - đã phát động rất nhiều chương trình và chiến dịch kêu gọi thế giới cần có đánh giá đúng đắn về béo phì nhằm có cách tiếp cận phù hợp để giải quyết vấn đề. Thế giới cần coi béo phì là bệnh nghiêm trọng và phức tạp chứ không phải chỉ là vấn đề về lối sống, cần xóa bỏ những định kiến và kỳ thị về cân nặng của con người, mở rộng khả năng tiếp cận y tế cho người béo phì, tăng cường nhận thức về béo phì thông qua các chương trình và giáo dục, ứng xử với béo phì dựa trên căn cứ khoa học.
Để biến sự thay đổi trong nhận thức thành hành động cụ thể trên thực tế, tất các cấp chính quyền từ từ trung ương tới địa phương, từ quốc gia tới cộng đồng cũng như mỗi cá nhân cần cùng nhau hành động vì mục tiêu mọi người trên thế giới đều có cơ hội tốt nhất để có một cuộc sống chất lượng và tuổi thọ cao.