Tất cả những gì bạn cần biết trước khi quyết định đeo kính cận
Đeo kính là một trong trong những lựa chọn phổ biến nhất của người mắc cận thị. Thế nhưng đeo kính cận thị cần lưu ý những gì?
Nội dung:
1. Nguyên tắc khi chọn kính cận thị
1.1. Chọn kính đúng độ cận theo kê toa bác sĩ
1.2. Chọn gọng kính
1.3. Chọn tròng kính
1.4. Chọn kính cận áp tròng
2. Khi nào cần đeo kính cận thị?
3. Các loại kính cận thị
3.1. Kính gọng cận thị
3.2. Kính cận áp tròng
3.3. Kính bơi cận thị
3.4. Kính cận thị bảo hộ
3.5. Kính mát cho người cận thị
Cận thị là căn bệnh phổ biến nên có nhiều lựa chọn cho việc đeo kính cận thị để điều chỉnh tầm nhìn của người mắc bệnh. Kính áp tròng và kính gọng là cách phổ biến nhất nhiều người lựa chọn để điều chỉnh cận thị, mặc dù nghiên cứu mới cho thấy kính đa tiêu rất hiệu quả trong việc làm chậm sự tiến triển của tình trạng này.
Bạn có thể mua kính theo toa của bác sĩ từ nhiều nhà bán lẻ trực tuyến và truyền thống. Hàng trăm loại kính và lựa chọn thấu kính cho người cận thị có thể sử dụng được với nhiều mức giá khác nhau.
Nếu đây là lần đầu tiên bạn đeo kính cận thị, thì việc khám mắt toàn diện ở cơ sở y tế uy tín hoặc bệnh viện mắt là nơi tốt nhất để bắt đầu. Bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc nhãn khoa sẽ xem xét cẩn thận về hồ sơ sức khỏe của bạn; đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại và kê đơn các loại kính chính xác nhất.
Nếu bạn bị suy giảm hoặc mất thị lực dù nặng hay nhẹ, bạn cũng nên được kê kính đeo để điều chỉnh tầm nhìn. Tuy nhiên để biết chính xác tình trạng mắt, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán. Dù trước đó bạn đã từng đeo kính cận thị, bạn vẫn nên được thăm khám lại để xác định loại kính hiệu chỉnh phù hợp nhất.
1. Nguyên tắc khi chọn kính cận thị1.1. Chọn kính đúng độ cận theo kê toa bác sĩ
Chắc hẳn bạn đã biết được lí do tại sao người mắc cận thị nên chọn kính đeo theo đúng tình trạng của mắt họ. Bởi khi đeo kính nhẹ hoặc nặng hơn so với thực tế bệnh, mắt sẽ phải điều tiết nhiều hơn gây nên tình trạng mỏi mắt. Về lâu dài, việc chọn kính không đúng độ cận sẽ không giúp cải thiện thị lực mà còn khiến bệnh này càng tiến triển nặng hơn.
Một số trường hợp đeo kính nặng hơn so với độ cận thị của mắt, khiến mắt không thích nghi được, dẫn đến tình trạng choáng váng và đau nhức mắt. Nếu tình trạng này kéo dài, người bệnh phải đối diện với việc thị lực sẽ trầm trọng hơn ban đầu.
Do đó, để việc đeo kính cận thị được chính xác, người bệnh nên được thăm khám và xác định tình trạng từ bác sĩ chuyên khoa mắt. Sau đó, bạn có thể chọn lựa mẫu kính phù hợp với khuôn mặt hoặc phù hợp với nhu cầu theo toa kê của bác sĩ.
1.2. Chọn gọng kính
Việc chọn lựa gọng kính vô cùng quan trọng, bởi kính sẽ gắn liền với đôi mắt của bạn suốt cả ngày. Khi chọn lựa, bạn có thể dựa vào các tiêu chí như: chất liệu (titan, kim loại, nhựa…); kiểu dáng của gọng; màu sắc; thương hiệu…
Những gọng kính của thương hiệu lớn thường có độ dẻo để tạo sự thoải mái dù đeo trong thời gian dài. Tùy theo cấu trúc khuôn mặt và sở thích mà bạn có thể lựa chọn được gọng kính phù hợp.
1.3. Chọn tròng kính
Việc chọn mắt kính cận vô cùng quan trọng bởi đây không phải là loại kính thời trang mà tác dụng chính là giúp điều chỉnh tầm nhìn trong sinh hoạt cũng như làm việc. Một chiếc mắt kính tốt sẽ giúp bạn thoải mái hơn trong mọi hoạt động.
Bạn có thể lựa chọn mắt kính theo những tiêu chí sau:
- Tròng kính cận chống chói lóa: Chống chói lóa là tiêu chí vô cùng cần thiết cho người mắc bệnh cận thị, nhất là trong việc tham gia giao thông. Hiện nay, có nhiều loại mắt kính tốt được phủ một lớp váng giúp các tia sáng đi qua dễ dàng và không bị dội ngược lại trên mặt kính. Những tia sáng bị dội ngược lại chính là nguyên nhân gây ra tính trạng chói.
- Tròng kính cận chống nước: Tròng kính chống nước sẽ giúp người mắc bệnh cận thị tránh được nguy hiểm khi gặp mưa. Loại mắt kính tốt sẽ được thiết kế giúp chống nước, không làm cản trở tầm nhìn của người đeo.
- Tròng kính cận chống xước: Việc tròng kính được chống xước sẽ giúp người đeo không bị khó chịu bởi những vết trầy xước cũng như làm tăng tính thẩm mỹ của đôi kính.
- Tròng kính cận chống bám bụi: Việc bụi bám trên bề mặt tròng kính sẽ khiến đôi mắt dễ bị nhiễm trùng. Hiện nay, các loại tròng kính cận chống bám bụi vô cùng phổ biến, giúp đôi kính của bạn sạch sẽ hơn.
- Tròng kính chống ánh sáng xanh, chống tia UV: Tia UV và ánh sáng xanh là những tác nhân gây hại cho mắt, do đó người mắc tật cận thị cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các loại ánh sáng này.
1.4. Chọn kính cận áp tròng
Hiện nay, có khá nhiều thương hiệu và nhiều loại kính áp tròng dành cho người cận thị. Người bệnh cần được bác sĩ chẩn đoán xem dùng loại kính áp tròng nào là phù hợp. Theo đó, bạn có thể lựa chọn kính áp tròng cứng hoặc kính áp tròng mềm khác nhau.
2. Khi nào cần đeo kính cận thị?
Các chuyên gia từ Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ (AOA) giải thích rằng, khi bị bị cận thị ở bất kỳ mức độ nào cũng nên được điều trị nhằm kiểm soát tình trạng cận thị. Kính đa tròng có thể giúp tình trạng bệnh không tiến triển nặng hơn, hoặc cũng có nhiều lựa chọn khác nhau như kính áp tròng hoặc kính gọng cận thị đơn.
Vậy khi nào bạn cần đeo kính cận thị? Đó là khi mắt có các triệu chứng cho thấy bạn cần phải đeo kính để cải thiện tình trạng sức khỏe mắt, bao gồm:
- Mờ mắt
- Tầm nhìn kép, nhìn đôi
- Nhìn thấy mọi mắt mờ hoặc mơ hồ
- Nhức đầu
- Thường xuyên nheo mắt
- Mỏi mắt
- Nhìn thấy hào quang hoặc quầng sáng xung quanh vật thể sáng
- Tầm nhìn kém đi, các vật nhìn bị biến dạng
- Tầm nhìn lái xe ban đêm kém
Theo AOA, hiện có hơn 150 triệu người ở Mỹ đang phải đeo một số loại kính hiệu chỉnh tầm nhìn. Trong số đó có khoảng 37 triệu người đeo kính áp tròng. Do đó, nếu mắt bạn bị cận thị và cần phải dùng kính, đừng lo lắng vì đây là phương pháp vô cùng phổ biến.
Nếu bạn có lo lắng về sức khỏe của mắt, hay bắt đầu bắt cách thăm khám với bác sĩ chuyên khoa mắt để được chẩn đoán ngay hôm nay.
3. Các loại kính cận thị
Hiện nay, có khá nhiều các loại kính cận thị phù hợp với nhu cầu của bạn, nhất là với đặc thù công việc và sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Bạn có thể bắt đầu quyết định đeo kính cận thị từ việc lựa chọn các loại sau:
3.1. Kính gọng cận thị
Kính gọng là lựa chọn phổ biến nhất hiện nay để điều trị tật khúc xạ cận thị của mắt, bởi sự tiện lợi và giá thành rẻ. Kính gọng cận thị giúp người dùng không gặp khó khăn khi tháo rời hoặc vệ sinh kính, do đó giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng ở mắt. Loại kính này cũng giúp hạn chế được tình trạng khô mắt.
Ngoài ra, kính gọng cận thị cũng tiết kiệm hơn dùng kính áp tròng do thời gian sử dụng lâu dài, cho đến khi bạn muốn thay mắt kính mới.
3.2. Kính cận áp tròng
Kính cận áp tròng là loại kính có đặc trưng nhỏ, được đeo sát mắt và cũng giúp chữa tật khúc xạ cận thị. Hiện nay, có 2 loại kính áp tròng cứng và mềm; kính cận áp tròng cứng thường được dùng cho người bị cận thị nặng và loại kính này dùng được trong thời gian khá dài; kính áp tròng mềm thường có hạn sử dụng ngắn hơn, có loại chỉ dùng 1 ngày hoặc 1 tuần.
>> Đau mắt đỏ do kính áp tròng là gì? Bị đau mắt đỏ có được đeo kính áp tròng không?
3.3. Kính bơi cận thị
Kinh bơi cận thị là loại kính được dùng trong thời gian dưới bể bơi của người mắc bệnh cận thị. Loại kính này thường được thiết kế nhỏ gọn và thường được sản xuất với chất liệu cao cấp để không gây hại cho mắt. Việc dùng kính bơi đúng độ cận thị sẽ giúp hoạt động bơi lội thoải mái hơn cũng như giúp người đeo an toàn hơn trong các hoạt động dưới bể bơi.
3.4. Kính cận thị bảo hộ
Những người mắc tật khúc xạ cận thị làm việc thường xuyên trong môi trường ô nhiễm hoặc chứa nhiều khói bụi thì kính đeo thiết kế bảo hộ là vô cùng cần thiết. Đây là sáng kiến mới thông minh, giúp người cận thị ngăn ngừa được sự tác động của môi trường làm việc đến mắt.
Hiện nay, có khá nhiều kiểu dáng cho kính cận thị bảo hộ, bạn có thể lựa chọn kiểu dáng và giá thành phù hợp với mong muốn.
3.5. Kính mát cho người cận thị
Kính mát cận thị, kính clip-on và kính đổi màu là 3 sự lựa chọn của người bị cận thị khi muốn dùng kính mát.
Kính mát cận thị: Là loại kính râm nhưng được thiết kế có độ cận. Về bản chất của kính mát cận thị, đây là loại kính có độ được nhuộm hoặc phủ lên trên một lớp có màu sắc.
Kính clip-on: Là loại kính mát cận, được lắp bên ngoài chiếc kính cận thị thông thường.
Kính đổi màu: Nghĩa là khi đi ra bên ngoài, kính cận này có thể đổi màu và sẽ trở lại trong suốt khi vào trong nhà. Tùy vào các loại tròng kính khác nhau và việc đổi màu có thể mất từ 30 giây cho tới 5 phút.