Bản báo cáo cho biết, những chiến đấu cơ Su-25 và máy bay tấn công không người lái (UCAV) CH-4 của Iraq thực tế đã hoạt động lần cuối hồi tháng 9/2019. Nguyên nhân của sự việc được phía Iraq tiết lộ đang chờ phụ tùng thay thế từ nhà sản xuất.
Tuy nhiên theo nguồn tin Tổng thanh tra Mỹ có được, chỉ Su-25 là thiếu phụ tùng thay thế trong khi tất cả những chiếc CH-4 đều thể hiện năng lực chiến đấu kém, tấn công thiếu chính xác nên bị Iraq cho ngừng bay để tránh gây thiệt hại phụ không mong muốn.
"Không quân Iraq đã mua tổng cộng 20 chiếc CH-4 từ Trung Quốc năm 2015. Trong thời gian thực chiến chống phiến quân đã có 8 chiếc bị rơi không rõ nguyên nhân, số còn lại không chứng miinh được năng lực chiến đấu như kỳ vọng..."
"...Đây chính là nguyên nhân những chiếc UCAV này đã bị cho ngừng bay từ gần 2 năm nay", Tổng thanh tra Mỹ cho biết.
Nói về nguyên nhân vì sao Iraq không mua UCAV Mỹ mà lại là sản phẩm từ Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq khi đó là Khaled al-Obeidi thẳng thắn cho rằng: "Chúng tôi có thể mua vũ khí của bất kỳ ai nhưng không phải Mỹ nhằm giảm lệ thuộc vào vũ khí của họ".
Trong khi đó, theo tạp chí Air Force Times, để thực hiện thành công thương vụ UCAV CH-4 này, Iraq đã nhận được rất nhiều ưu đãi từ Trung Quốc.
Lý giải cho nhận định của mình, Air Force Times cho rằng hiện nay Trung Quốc đang muốn tăng sự ảnh hưởng của mình tại Iraq, Syria cùng toàn bộ Trung Đông. Vì vậy, việc bán UCAV cho Iraq không hẳn chỉ vì mục đích thương mại của Trung Quốc.
Liên tục bị bắn hạ bởi các loại vũ khí từ hiện đại tới cũ kỹ tại chiến trường Trung Đông, UCAV chiến đấu CH-4 do Trung Quốc chế tạo không mạnh như lời quảng bá.
Từ lâu vũ khí do Trung Quốc sản xuất luôn bị đem ra bàn tán về tính hiệu quả so với các loại vũ khí cùng loại trên thế giới.
Các khí tài do Trung Quốc sản xuất thường sao chép từ các cường quốc như Nga và Mỹ.
CH-4 cũng bị cho là sao chép từ chiếc MQ-9 nổi tiếng của Mỹ. Dù mang dáng dấp của huyền thoại MQ-9 do Mỹ sản xuất, nhưng giới chuyên gia cho rằng, năng lực tác chiến của loại UCAV này thua xa hàng của Mỹ.
CH-4 là UCAV cánh cố định lớn nhất của dòng Rainbow (tính đến cuối năm 2013).
Những chiếc UCAV này có khả năng hoạt động trong phạm vi từ 3.500 đến 5.000 km và thời gian hoạt động từ 30 đến 40 giờ.
Chúng có thể mang được 6 loại tên lửa (tải trọng từ 250 đến 345 kg).
Theo quảng bá, loại UCAV này có khả năng khai hỏa tên lửa không đối đất từ độ cao 5000m, tuy vậy thực chiến cho thấy chúng thường phải hạ độ cao thấp hơn nếu muốn bắn trúng mục tiêu.
Chính điều này vô tình khiến cho CH-4 trở thành mồi ngon cho các loại vũ khí phòng không.
Hiện UCAV CH-4 được sử dụng rộng rãi trong quân đội Trung Quốc và được xuất khẩu sang Ai Cập, Arab Saudi, Algeria và Iraq.
Việt Hùng