Tất cả về phương pháp làm đẹp bằng ánh sáng đỏ
Liệu pháp ánh sáng sinh học không quá xa lạ với những ai ưa thích sử dụng công nghệ làm đẹp. Ngoài hiệu quả chăm sóc da, phương pháp này còn có khả năng làm dịu cơn đau khớp.
Bạn rất có thể đã biết đến liệu pháp ánh sáng đỏ tại bảng dịch vụ của các phòng khám da liễu hay spa cao cấp. Đáng chú ý hơn, người mẫu Chrissy Teigen và diễn viên Kate Hudson từng chia sẻ hình ảnh sử dụng mặt nạ đèn LED đỏ tại gia.
Thực tế, xu hướng thẩm mỹ này khá phổ biến và được nhiều người ưa chuộng khi muốn điều trị sẹo, mụn hay nếp nhăn.
Tuy nhiên, liệu pháp cho da này thực sự là gì và có phù hợp với tất cả không? Women's Health tổng hợp phân tích từ nhiều chuyên gia da liễu để làm rõ hơn về vấn đề này.
Cách hoạt động
Liệu pháp ánh sáng đỏ còn được gọi là liệu pháp ánh sáng laser mức độ thấp, liệu pháp laser mềm hay liệu pháp laser lạnh.
Ngoài thiết bị chiếu ánh sáng dạng vòm thường thấy ở phòng khám da liễu hay thẩm mỹ viện, bạn có thể tìm thấy máy chiếu ánh sáng đỏ dạng cầm tay và mặt nạ đèn LED sử dụng tại gia.
Theo Tiến sĩ Jessie Cheung, bác sĩ da liễu, ánh sáng đỏ có thể xuyên qua da tới 5 mm mà không gây ra bất kỳ tổn thương về nhiệt nào.
Công nghệ làm đẹp này đặc biệt hấp dẫn vì không đau khi sử dụng, không xâm lấn hay gây thêm tổn thương cho da cũng như không cần thời gian hồi phục lâu, Tiến sĩ Dendy Engelman, chuyên gia da liễu tại Mỹ, chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, ánh sáng đỏ thúc đẩy quá trình tái tạo da một cách tự nhiên trong khi những phương pháp làm đẹp thông thường sẽ phải gây thêm một số tổn thương nhất định lên lớp ngoài cùng của da.Đây là lý do tại sao liệu pháp này đặc biệt hiệu quả trong giảm nếp nhăn, sẹo và mụn trứng cá.
Tần suất sử dụng
Tương tự các phương pháp thẩm mỹ khác, liệu pháp ánh sáng đỏ yêu cầu sự cam kết và kiên trì từ người dùng để có được kết quả tốt nhất.
Tiến sĩ Engelman cho biết một buổi điều trị thường kéo dài khoảng 20-30 phút. Để giải quyết dứt điểm một vấn đề cụ thể nào đó, bà khuyến nghị thăm khám mỗi tuần trong khoảng một tháng.
Hiệu quả điều trị sẽ dần rõ rệt theo thời gian. Khi đó, bạn có thể thay đổi tần suất điều trị thành mỗi tháng một lần để bảo dưỡng da tốt nhất.
Trong trường hợp muốn da đẹp lên nhanh hơn, bạn nên cân nhắc kết hợp điều trị cùng các loại ánh sáng sinh học khác.
Tiến sĩ Cheung cho hay ánh sáng đỏ có thể được kết hợp cùng một số ánh sáng màu như vàng và xanh lam, để tăng thêm lợi ích chống viêm hoặc vi khuẩn.
Bạn cũng có thể sử dụng công nghệ làm đẹp này vào các buổi điều trị thẩm mỹ khác để tiết kiệm thời gian cũng như kết hợp giảm sưng hoặc bầm tím (nếu có), theo Tiến sĩ David Shafer, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Hoa Kỳ.
Có thể tự điều trị tại nhà không?
Bạn hoàn toàn có thể tự sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ này tại gia. Chrissy Teigen và Kate Hudson là hai người nổi tiếng sử dụng mặt nạ đèn sinh học ở nhà.
Tiến sĩ Engelmen đề xuất sản phẩm của thương hiệu Dr. Dennis Gross’ hoặc NuFace Trinity nếu bạn có ý định mua mặt nạ ánh sáng đỏ.
Tuy nhiên, những thiết bị cá nhân này sẽ không hiệu quả bằng việc điều trị tại bệnh viện hay các trung tâm da liễu chuyên nghiệp.
Dù chúng có ích trong việc bảo dưỡng và chống lão hóa cho da, bạn vẫn nên đi tới các cơ sở cao cấp hơn khi muốn xử lý nhiều vấn đề về da hơn.
Về tần suất và thời gian sử dụng các sản phẩm tại nhà này, Tiến sĩ Cheung khuyên bạn nên tuân thủ hướng dẫn đi kèm.
Một nguyên tắc bắt buộc nên nhớ cho mọi loại máy chiếu ánh sáng sinh học là luôn tránh vùng xung quanh mắt.
Lợi ích đáng kể
Kháng viêm
Theo Tiến sĩ Nazanin Saedi, bác sĩ da liễu tại Mỹ, lợi ích lớn nhất mà liệu pháp đèn đỏ có thể mang lại là giảm viêm.
Khả năng chống viêm này xuất phát từ việc ánh sáng đỏ có thể kích hoạt sự hình thành mạch máu và thúc đẩy quá trình sản sinh collagen.
Ngoài ra, liệu pháp này còn có thể tăng cường sản xuất chất chống oxy hóa và giảm thiểu sự mất cân bằng oxy, giảm nguy cơ gây viêm nhiễm.
Điều trị mụn trứng cá
Ánh sáng đỏ hơn các loại kem dưỡng hay thuốc bôi da thông thường ở khả năng thâm nhập sâu hơn vào da, chạm đến nguồn gây mụn là tuyến bã nhờn, theo một nghiên cứu năm 2015 trên Tạp chí Da liễu Ấn Độ.
Một số nghiên cứu khác chỉ ra phương pháp chăm sóc da này nên được kết hợp cùng với ánh sáng xanh để tăng khả năng trị mụn.
Ánh sáng xanh được cho là có thể diệt vi khuẩn gây mụn trong khi ánh sáng đỏ điều trị sưng đỏ sau mụn hiệu quả.
Giảm rụng tóc
Dù không thể khiến tóc dày và dài như ban đầu, ánh sáng đỏ có thể kích thích nang tóc sản sinh.
Cơ chế hoạt động chính xác của khả năng này vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Song, gia tăng về lưu lượng máu và collagen sau khi chiếu ánh sáng đỏ có thể là nguyên nhân của sự kích thích mọc tóc.
Tiến sĩ Bhausali đã điều trị bệnh nhân rụng tóc thành công khi sử dụng ánh sáng đỏ sau các buổi điều trị trẻ hóa tóc bằng công nghệ lấy máu tự thân (PRP - Platelet Rich Plasma). Tần suất thăm khám bằng phương pháp này sẽ vào khoảng 4-6 buổi.
Làm chậm quá trình lão hóa
Collagen đảm bảo sự tươi trẻ của chúng ta. Tuy nhiên, mức độ sản sinh collagen của mỗi người giảm dần theo thời gian.
Bên cạnh đó, các yếu tố ngoại cảnh như ánh nắng mặt trời, khói bụi ô nhiễm hay hút thuốc đều góp phần làm da bạn chảy xệ nhanh hơn.
Lúc này, ánh sáng đỏ thúc đẩy da sản sinh collagen, giúp giảm nếp nhăn và mang lại vẻ ngoài trẻ trung hơn.
Chữa lành sẹo và vết thương
Lợi ích chữa lành sẹo mụn, sẹo bỏng hay vết thương của ánh sáng đỏ đến từ khả năng giảm viêm.
Theo đó, ánh sáng đỏ giúp các tế bào da hoạt động và sửa chữa tổn thương hiệu quả hơn bằng cách kích thích các ty thể và tế bào gốc.
Dịu da cháy nắng
Da cháy nắng hay chịu tổn hại khác từ nắng cần thời gian phục hồi lâu hơn bình thường.
Trong trường hợp này, ánh sáng đỏ giúp làm dịu da, giảm viêm và thúc đẩy quá trình chữa lành da nhanh và hiệu quả hơn.
Giảm đau khớp
Dù không hẳn là một lợi ích làm đẹp, liệu pháp ánh sáng đỏ có thể làm giảm bớt cơn đau nhức liên quan đến xương khớp, gân cốt dạng nhẹ. Tia sáng thâm nhập sâu hơn các bước sóng khác nên có thể đặc biệt chữa trị các vấn đề này.
Ánh sáng đỏ còn hỗ trợ đáng kể trong điều trị chấn thương cơ xương với khả năng làm giảm tình trạng viêm và tăng sự hình thành mạch (sự phát triển của các mạch máu mới).
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tat-ca-ve-phuong-phap-lam-dep-bang-anh-sang-do-post1374153.html