'Tất cả vì miền Nam ruột thịt' - Bài 1: Dốc toàn lực cho tiền tuyến
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa đến non song gấm vóc, đất nước liền một dải. Làm nên thắng lợi đó có sự đóng góp to lớn của quân dân miền Bắc khi trở thành nền, thành gốc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa đến non song gấm vóc, đất nước liền một dải. Làm nên thắng lợi đó có sự đóng góp to lớn của quân dân miền Bắc khi trở thành nền, thành gốc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Thử nghiệm tự động chuyển đổi văn bản thành tiếng nói Tiếng Việt (Viettel)
Your browser dose not Support the audio Tag
Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Bắc Xã hội chủ nghĩa trong vai trò hậu phương lớn luôn "thắt lưng, buộc bụng”, sẵn sàng chia lửa, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng cung cấp đến những dòng vật chất cuối cùng để chở sức mạnh hậu phương ra chiến trường, vì một miền Nam thành đồng,"đi trước, về sau”.
"Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”… đã khởi lên những phong trào thi đua khắp miền Bắc khi đế quốc Mỹ leo thang và mở rộng chiến tranh phá hoại ra hậu phương lớn Xã hội chủ nghĩa còn chế độ Sài Gòn tiếp tục những tội ác man rợ với đồng bào Nam bộ.
Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, khí thế hăng say lao động, sản xuất đã trở thành một cao trào lôi cuốn hàng triệu phụ nữ, nông dân, công nhân, bác sỹ trên toàn miền Bắc tham gia. Cũng theo đó, nguồn nhân lực, vật lực bất chấp bom đạn của kẻ thù đã băng ngàn, vượt bể kịp thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
Từ "Quê hương người gái đảm”
Tượng đài Phụ nữ Ba đảm đang ở Quốc lộ 32, đoạn tại trung tâm Thị trấn Phùng, hướng nhìn thẳng về phía Thủ đô Hà Nội, thể hiện một phụ nữ tư thế hiên ngang, vai đeo súng, tay bồng con, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến yên tâm đánh giặc. Tượng đài cũng là hiện thân cho lòng yêu nước, khát vọng hòa bình của phụ nữ Đan Phượng nói riêng và hàng triệu phụ nữ cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhớ như in ngày khánh thành công trình tượng đài vào năm 2009 cũng như nguồn gốc, ý nghĩa của tượng đài, bà Lê Thị Quýnh (nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, nơi khởi đầu của phong trào "Ba đảm đang”) chia sẻ: Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt, khắp miền Bắc đang phát động hàng loạt phong trào thi đua lao động, sản xuất để xây dựng hậu phương vững mạnh và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Lúc đó, thanh niên đã có "Ba sẵn sàng” nhưng phụ nữ chưa có phong trào gì để tập trung lực lượng, góp sức bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 3/1965, Hội Liên hiệp Phụ nữ Đan Phượng đã đề xuất với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào "Ba đảm nhiệm” với quyết tâm xây dựng hậu phương vững chắc, tiếp thêm sức mạnh động viên chồng con vững bước ra trận diệt thù. Phong trào có các nội dung: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay cho nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Được sự đồng ý, ngày 8/3/1965, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đan Phượng phát động phong trào tại Trường cấp II xã Đan Phượng.
"Khi ấy, tôi mới 23 tuổi, một mình nuôi hai con nhỏ và mẹ già, ông ấy đi thanh niên xung phong, nên vất vả lắm. Sau khi các xã nghe phát động phong trào về, tôi cùng chị em triển khai ngay. Thời kỳ đó, làm bất cứ một phong trào gì mà vất vả, chúng tôi đều gọi đó là "Ba đảm đang”. Như xã Trung Châu không có ruộng, chúng tôi phát động chị em làm bèo hoa dâu, làm phân xanh, tăng gia sản xuất đảm bảo lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Chị em còn tổ chức đắp một con đường chống tràn từ Vân Thủy về Vân Môn gọi là "Con đường ba đảm đang”. Chị em ngày đi sản xuất, đêm về tập luyện dân quân. Chị em nào có chồng đi B lâu ngày, chúng tôi còn tập trung đến giúp làm cỏ, an ủi, đùm bọc”, bà Quýnh nhớ lại.
"Sau này, Bác Hồ đã sửa tên "Ba đảm nhiệm” thành "Ba đảm đang”. Cũng từ đây, phụ nữ Đan Phượng vinh dự được nhân dân cả nước biết đến là "quê hương người gái đảm”, bà Quýnh tự hào kể.
Đến làn gió mới trong lao động, sản xuất
Khởi nguồn từ Đan Phượng, chỉ trong thời gian ngắn, phong trào "như diều gặp gió” lan rộng toàn miền Bắc. Sau hơn hai tháng thực hiện, đến tháng 5/1965, toàn miền Bắc đã có hơn 1,7 triệu phụ nữ đăng ký thực hiện các nội dung của "Ba đảm đang”. Làn gió mới thúc đẩy thi đua lao động, sản xuất, bảo vệ quê hương trong giới nữ đã được các chị em ở khắp nơi hưởng ứng, thực hiện theo cách riêng của mình.
Phụ nữ nông thôn tăng gia sản xuất, tích cực áp dụng các biện pháp khoa học để tăng diện tích và sản lượng lúa, chăn nuôi theo kỹ thuật mới. Chị em khối công nhân viên chức thực hiện nhiều phong trào thi đua sôi nổi như "Ngày thứ Bảy năng suất cao", "Luyện tay nghề thi thợ giỏi". Nhiều sáng kiến có giá trị của các chị được ứng dụng trong sản xuất...
Nhớ lại những năm tháng đó, bà Phương Kim Dung, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, nguyên cán bộ Quân dược công tác tại Xí nghiệp Dược phẩm 6/1 thuộc Viện Bào chế, Cục Quân y- Bộ Quốc phòng cho hay: Khí thế thi đua của phong trào sôi nổi, rộng khắp trong các phân xưởng, toàn thể chị em trong xí nghiệp đều nhiệt tình hưởng ứng.
"Chị em ở xí nghiệp có đặc thù là vừa sản xuất các loại dược phẩm thiết yếu vừa sản xuất thuốc chiến thương phục vụ các chiến trường với nhiều loại thuốc như: Thuốc tiêm, thuốc viên, thuốc nước, đặc biệt là các loại như Penecilin, Moocphin, Steptomicin, Atrophin… vừa trực tiếp tham gia trực chiến, tham gia bảo vệ xí nghiệp, vừa chăm sóc, nuôi dạy con cái vì nhiều người có chồng là bộ đội đi chiến trường”, bà Phương Kim Dung kể lại.
Theo bà Phương Kim Dung, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, Mỹ đã mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Đặc biệt là trong 12 ngày đêm từ 18 đến 29/12/1972, máy bay B-52 của Mỹ bắn phá ác liệt, quyết đưa Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố "về thời kỳ đồ đá”. Xí nghiệp nơi bà làm việc nằm cạnh Bến phà Đen, Nhà máy Xay Lương Yên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện Quân y 108 nên là một trong những trọng điểm rải bom của máy bay Mỹ. Tiểu đoàn tự vệ của Xí nghiệp đã phối hợp với các đơn vị phòng không để bảo vệ Xí nghiệp, bảo vệ vùng trời Thủ đô. Theo sự phân công, ca nào sản xuất, chị em vẫn có mặt sản xuất, pha chế, đóng gói thuốc, chuyển dược phẩm, thuốc men ra chiến trường, ca nào trực chiến thì bám trận địa.
"Không khí lao động khẩn trương nhưng đảm bảo nghiêm ngặt về yêu cầu và điều kiện vệ sinh vô trùng của sản xuất thuốc, điều này đã giảm đau đớn cho thương, bệnh binh cũng như góp phần vào chiến thắng ngày 30/4/1975”, bà Phương Kim Dung xúc động nói.
Sẽ là không đủ nếu chỉ nhớ đến hậu phương lớn với "Ba đảm đang”! Suốt chiều dài chiến tranh, từ những năm 1960 đến 1975, khắp miền Bắc dấy lên các phong trào thi đua lao động, sản xuất với khí thế sôi nổi. Như Thủ đô Hà Nội khởi lên Thanh niên "Ba sẵn sàng", phụ nữ "Ba đảm đang”, nông dân "Tay cày tay súng”, công nhân "Tay búa tay súng”, học sinh làm "Nghìn việc tốt chống Mỹ”... Tỉnh Thái Bình lại ghi bảng vàng 5 tấn đánh dấu mốc lịch sử về năng suất lúa của miền Bắc. "Thóc thừa cân, quân vượt mức” của Thái Bình đã cổ vũ tinh thần nhân dân cả nước thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, đánh đuổi đế quốc Mỹ, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Cuối năm 1972, hơn 2 vạn thanh niên miền Bắc đã tham gia thanh niên xung phong, bổ sung cho lực lượng đảm bảo giao thông. Họ cùng với các lực lượng khác lập nên nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông: Chỉ trong 24 giờ sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc vào đầu năm 1973, tuyến đường bộ và toàn bộ cầu phà trên tuyến đường 1A đã được khai thông từ Hà Nội đến Vĩnh Linh; 3 ngày sau, trên tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh, ô tô ray đã kéo 10 tấn hàng đến ga Vinh an toàn.
"Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã trở thành một cao trào sôi nổi, lôi cuốn hàng triệu người tham gia. Và "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường của hầu hết thanh niên miền Bắc.
Bài 2: Sống mãi ký ức hào hùng