Tất cả vì nạn nhân da cam
Suốt hơn 16 năm, từ khi thành lập (năm 2005) đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (viết tắt là NNCĐDC) tỉnh Tiền Giang đã làm tốt vai trò, chức năng của một tổ chức xã hội - từ thiện, gắn kết tình thương với NNCĐDC, giúp họ vượt qua nỗi đau da cam, vươn lên trong cuộc sống.Tiền Giang hiện có trên 12 ngàn người nhiễm chất độc da cam/dioxin; trong đó có 1.559 người thuộc điện chính sách, còn lại là dân thường; có 10.657 người được hưởng trợ cấp hằng tháng của Nhà nước. Hầu hết các gia đình có NNCĐDC, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân đều nghèo khó rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội. TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN VÀ CỦNG CỐ TỔ CHỨC HỘI
Thực hiện phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”, hoạt động của Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang với 11.965 hội viên đang sinh hoạt tại 174 tổ chức hội 3 cấp gồm: Tỉnh hội; 11 Hội huyện, thành, thị và 162/172 Hội cơ sở xã, phường, thị trấn; còn 10 xã thuộc huyện Tân Phước chưa có tổ chức Hội. Trong thời gian qua, phương châm hoạt động của các cấp Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang luôn hướng về cơ sở, chăm lo thiết thực cho NNCĐDC. Trong đó, nổi bật có hoạt động Hội NNCĐDC của các huyện Châu Thành, Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công Tây và TX Cai Lậy.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ Hội là những người năng nổ, nhiệt tình, giàu lòng nhân ái, sâu sát và luôn chia sẻ nỗi đau với NNCĐDC, có thể kể đến như ông Trần Quốc Đạt, Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè); ông Nguyễn Văn Êm, Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Điểm Hy (huyện Châu Thành); ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch Hội NNCĐDC xã An Hữu (huyện Cái Bè)…
Đồng thời, các cấp Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang còn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập trung vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh chung tay giúp đỡ nạn nhân. Tập hợp đoàn kết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; giáo dục, động viên nạn nhân vượt khó vươn lên, tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống…
Các cấp Hội không ngừng kiện toàn tổ chức, xây dựng Hội làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và quản lý nạn nhân. Đặc biệt trong thời gian qua, các cấp Hội tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị 43 của Ban Bí thư và Công văn 54 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.
Qua đó, tạo sự đồng cảm sâu sắc của xã hội đối với NNCĐDC; giúp nạn nhân hiểu được những chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho họ; đồng thời, tạo sự chuyển biến trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước các cấp đối với hoạt động Hội và sự quan tâm đối với NNCĐDC. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, UBND, HĐND tỉnh Tiền Giang, các ngành liên quan của tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động Hội, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội trong tỉnh thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
CẦU NỐI NHỮNG TẤM LÒNG VỚI NNCĐDC
Hầu hết NNCĐDC đều có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn do bệnh tật, hạn chế trong lao động… Họ sống chủ yếu dựa vào gia đình, người thân và sự trợ giúp của cộng đồng xã hội. Trước thực tế này, Hội NNCĐDC từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt chú trọng công tác vận động nguồn lực giúp đỡ nạn nhân và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong hoạt động Hội.
Theo đó, thời gian qua, các cấp Hội đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương; thường xuyên giữ mối quan hệ tốt với các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để tạo thuận lợi trong tác vận động. Đặc biệt từ tháng 6-2011, Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động phong trào “Tất cả vì nạn nhân da cam” thì công tác vận động của các cấp Hội có nhiều thuận lợi và tập trung hơn.
Qua 16 năm, các cấp Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang đã vận động tổng số tiền trên 111,3 tỷ đồng, điển hình trong công tác này có Hội của các huyện: Cái Bè, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây và TX Cai Lậy. Với nguồn vận động được, tùy theo hoàn cảnh của từng hộ gia đình nạn nhân, các cấp Hội tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp với thực tế cuộc sống của họ, cụ thể đã trao hàng trăm ngàn suất quà, trị giá trên 87 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa 599 “Mái ấm da cam”, tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng; trao tặng 703 xe lăn, xe lắc cho nạn nhân khuyết tật, tổng trị giá trên 2 tỷ đồng; hỗ trợ vốn sản xuất cho 395 hộ gia đình NNCĐDC với số tiền trên 3 tỷ đồng…
Các cấp Hội đã xây dựng mối đoàn kết gắn bó 11.965 hội viên cùng chung tay hướng về NNCĐDC nhằm xoa dịu nỗi đau da cam. Nổi bật có Chương trình “Một địa chỉ nhân đạo gắn với một hoàn cảnh” của các chư ni, phật tử Tịnh xá Ngọc Hiệp (ấp Tân Phong, xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành) đã duy trì việc giúp đỡ hằng tháng cho hơn 60 gia đình NNCĐDC nghèo khó, bệnh nặng, mỗi gia đình được hỗ trợ 200.000 đồng và 10 kg gạo/tháng.
Ngoài ra, còn có những đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân luôn đồng hành với hoạt động của các cấp Hội như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Tài nguyên và Môi trường; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Đoàn Đại biểu Quốc hội và Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh; Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền, Công ty Anco, Công ty Apolo, Hội Việt kiều Pháp (VNED), Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (TICCO), Công ty TNHH Thuận Phú, Công ty TNHH Xây dựng -Thương mại - Dịch vụ Tân Hoàn Thiện; Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các huyện; bà Nguyễn Thị Ánh (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền); bà Lê Kim Huệ (phường 6, TP. Mỹ Tho); ông Lê Trường Vân (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh); ông Trần Đỗ Liêm (Giám đốc Hợp tác xã Rạch Gầm)… và rất nhiều nhà tài trợ của các huyện, thành, thị trong tỉnh Tiền Giang.
NỖ LỰC VÌ NNCĐDC
Trong thời gian tới, tỉnh cần khảo sát, đánh giá toàn diện về tình hình NNCĐDC để có giải pháp quản lý nạn nhân tốt hơn, giúp họ được hưởng chính sách do Nhà nước ban hành, được sự chăm sóc của toàn xã hội và trong vấn đề này vai trò nòng cốt vẫn là các cấp Hội NNCĐDC.
Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang Dương Thị Lệ cho biết, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục củng cố, xây dựng, kiện toàn tổ chức Hội vững mạnh, làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, tư vấn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Cụ thể, nâng chất công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền Chỉ thị 43 của Ban Bí thư nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Phối hợp tham mưu, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách đối với NNCĐDC, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nạn nhân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng nhiều hình thức vận động nguồn lực trong và ngoài tỉnh để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội ở địa phương.
Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Tôn vinh, biểu dương những tấm gương NNCĐDC vượt khó vươn lên, các thân nhân tiêu biểu trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân; các tập thể, cá nhân có thành tích ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC và cán bộ Hội tiêu biểu trong các phong trào thi đua của Hội.
Những kết quả ấn tượng và đậm tính nhân văn đạt được qua 16 năm của Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang đã thể hiện sự nhiệt tình, tâm huyết, tình thương và trách nhiệm của những người làm công tác Hội; sự chung tay, giúp sức của biết bao tấm lòng nhân ái, các tổ chức từ thiện; sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp đầy trách nhiệm của các cơ quan hữu quan…
Tất cả nguồn lực và sức mạnh đó đã giúp hàng chục ngàn NNCĐDC trong tỉnh Tiền Giang vượt qua số phận và bệnh tật để hòa nhập với cộng đồng xã hội. Những thành tích xuất sắc của Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang thể hiện trong thời gian qua là đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Trung ương Hội NNCĐDC Việt Nam, UBND tỉnh Tiền Giang tặng nhiều Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen...
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202108/tat-ca-vi-nan-nhan-da-cam-931986/