Tất cả vì người nghèo để 'không ai bị bỏ lại phía sau'
Với phương châm 'Không để hộ khó khăn nào bị thiếu đói hay đứt bữa do dịch Covid-19', những phần quà là nhu yếu phẩm được trao tận tay hộ nghèo trên cả nước.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phí sau”, thời gian qua, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố, tinh thần “Lá lành đùm lá rách” càng được phát huy mạnh mẽ, hàng triệu phần quà từ các mạnh thường quân, thậm chí từ những người ít khó khăn hơn đã được chuyển tới tay nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và người yếu thế, những đối tượng không thuộc diện thụ hưởng, khiến họ thêm ấm lòng.
Vừa trang trải cuộc sống, vừa phải chăm sóc cho người chồng bị tai biến, bà Phạm Thị Huệ, nhà ở phường 8, Quận 4, trông chờ hoàn toàn vào gánh hủ tiếu. Thời gian giãn cách do dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến gia đình bà lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Nếu không có sự chăm lo hỗ trợ từ chính quyền địa phương và những hội nhóm thiện nguyện, gia đình bà khó mà vượt qua giai đoạn giãn cách.
“Tôi phải “cầm” cái nhà 10 triệu để trang trải cuộc sống chứ không thì cũng không có tiền. Lo mọi thứ rồi chỉ còn lại 500.000 đồng. Dịch bệnh kéo dài cũng phải cố gắng vượt qua. Cũng nhờ địa phương, công an và Ủy ban, các tổ chức giúp đỡ cho tôi gạo nước, tiền và quà nữa, tôi rất cảm ơn”, bà Huệ bày tỏ.
Với phương châm “Không để hộ khó khăn nào bị thiếu đói hay đứt bữa do dịch Covid-19”, những phần quà là nhu yếu phẩm thiết yếu như: gạo, đường, nước mắm, dầu ăn, hạt nêm…. được các tổ chức, các cấp, hội trao tận tay hộ nghèo không chỉ ở TP.HCM mà nhiều địa phương trên cả nước. Những hộ khó khăn không thuộc đối tượng thụ hưởng từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng nhận được nhiều phần quà ý nghĩa.
“Trước tình hình đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến hộ nghèo chúng tôi. Dù nhiều, dù ít thì đây cũng là phần quà hết sức thiết thực”, ông Lê Đình Nhật ở huyện Thường Tín, một trong những hộ nghèo của Hà Nội chia sẻ.
Năm 2020 và năm 2021 với nhiều thử thách gian nan, khi người dân cả nước vừa phải chống chọi với dịch bệnh Covid-19 vừa phải gồng mình với thiên tai, lũ lụt bủa vây, đời sống người dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nghĩa đồng bào, sự đùm bọc, sẻ chia lại được khơi dậy, chung tay giúp đỡ người nghèo, đồng bào vùng lũ, truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” được nhân lên mạnh mẽ trong trái tim người Việt.
Bên cạnh sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, chúng ta cũng ghi nhận những nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, các doanh nghiệp, doanh nhân, tuy đang rất khó khăn do dịch COVID-19 gây ra nhưng vẫn tiếp tục ủng hộ người nghèo và đồng bào bị thiên tai, lũ lụt.
Chị Thành Thu Lương, Trưởng Nhóm thiện nguyện Mùa Thu và Những người bạn là một trong những tổ chức thiện nguyện, không chỉ kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ các phần quà cho người nghèo, người bị bệnh hiểm nghèo, mà còn tiêu thụ nông sản cho người nông dân, gây quỹ xây nhà tránh lũ, xây trường vùng cao …. Những hoạt động của các hội, nhóm cũng đã và đang đóng góp nhiều công sức giúp người nghèo, người yếu thế bằng cái tâm của mình.
“Dịch bệnh bùng phát thì mọi người cũng đều mong muốn góp một phần nào đó để hỗ trợ cộng đồng. Sau đại dịch này, chắc rằng mọi người cũng sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm cho cuộc sống, cho bản thân. Tôi cũng nhận thấy rằng mọi người yêu thương nhau nhiều hơn, gắn kết với nhau hơn và cũng chung tay để lo cho cộng đồng hơn trước rất nhiều”, chị Lương tâm sự.
Với mục tiêu “Không để người dân nào bị bỏ lại phía sau”, thời gian vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước, nhất là những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho người nghèo.
Ngoài các chính sách hỗ trợ khẩn cấp như việc triển khai Nghị quyết 68 với Gói hỗ trợ lên tới 26.000 tỷ đồng hay mới đây là gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Chính quyền địa phương các cấp các tỉnh, thành phố đã trích ngân sách địa phương có nhiều gói hỗ trợ người dân để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động, các tổ chức xã hội,... đều có các hoạt động thiết thực hỗ trợ những người khó khăn, yếu thế, người lao động tại các khu nhà trọ bị mất việc làm.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: “Phương châm chúng tôi kêu gọi, ủng hộ cho người nghèo năm nay không nhất thiết là phải ủng hộ vào Quỹ vì người nghèo mà có thể đóng góp bằng kinh phí, bằng hiện vật. Ai có gì thì ủng hộ cái đó, chia sẻ cho các địa phương đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và thực hiện theo đúng mục tiêu là không để bất cứ người nghèo nào, người khó khăn nào mà không được quan tâm, hỗ trợ. Đó cũng là chúng ta góp phần để làm ấm lòng những hộ gia đình khó khăn có những động lực, có niềm tin để vươn lên trong cuộc sống”.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, chương trình giảm nghèo ở nước ta đã đạt được những mục tiêu nhất định, nhưng còn nhiều gian nan, vất vả, đặc biệt là “lõi nghèo” ở vùng dân tộc thiểu số và hậu quả sau dịch bệnh Covid 19, nhiều người rơi vào cảnh nghèo và tái nghèo. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục cùng Mặt trận tổ quốc các cấp, các Bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp chăm lo cho người nghèo.
“Tôi cho rằng theo như Chỉ thị 05, muốn thoát nghèo và tiếp tục sự nghiệp này thì Nhà nước vẫn phải đóng vai trò chủ đạo. Thứ hai là tập trung hỗ trợ để khuyến khích sự vươn lên của người nghèo, không ỉ lại. Trong thiết kế này của chúng tôi đặt mục tiêu tuyệt đối là giảm tối đa chuyện cho không mà chuyển mạnh sang hướng là hỗ trợ có điều kiện và cho vay, kể cả ngân hàng chính sách cũng theo hướng đó. Thứ ba là phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phân cấp đầu tư ngân sách cũng như huy động xã hội. Tiêu chí mới đặt cao hơn, cố gắng cuối nhiệm kỳ đạt được 75% mức sống tối thiểu cho người nghèo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, tinh thần tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách” luôn được phát huy trong mọi hoàn cảnh. Hoạt động Vì người nghèo diễn ra không chỉ trong tháng 10 cao điểm mà còn là hoạt động được thực hiện xuyên suốt trong năm, đảm bảo mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau”./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tat-ca-vi-nguoi-ngheo-de-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-898437.vov