Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược

Đó là tinh thần của nhân dân miền Bắc trong suốt 21 năm thực hiện công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng" của Thái Bình: Người lên đường chiến đấu, người ở lại hậu phương thi đua sản xuất dưới bom đạn

Phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng" của Thái Bình: Người lên đường chiến đấu, người ở lại hậu phương thi đua sản xuất dưới bom đạn

Thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có sự đóng góp vô cùng to lớn của quân và dân miền Bắc. Không chỉ chi viện sức người, sức của, miền Bắc còn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho những người ra trận, cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu ở miền Nam.

Thi đua sản xuất, xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1954), Đảng ta chủ trương thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam. Trong đó, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc không chỉ có mục tiêu xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào ta ở miền Bắc mà còn nhằm xây dựng, củng cố căn cứ địa hậu phương chung của cả nước để tiến hành giải phóng miền Nam.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa II (tháng 8.1955), Ðảng ta nhận định: “Miền Bắc là chỗ đứng của ta. Bất kể trong tình hình nào, miền Bắc cũng phải được củng cố”.

Phát biểu tại Ðại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc (tháng 9.1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt”.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12, khóa II (tháng 12.1957) đã xác định đường lối của Đảng về xây dựng hậu phương trong điều kiện mới. Đảng ta đã nêu phương hướng kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng để vừa có thể nhanh chóng phát triển kinh tế vừa củng cố quốc phòng ngày càng mạnh mẽ, làm tròn được nhiệm vụ hậu phương đối với cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Theo đó, từ những năm 1960 đến 1975, khắp miền Bắc dấy lên các phong trào thi đua lao động, sản xuất với khí thế sôi nổi. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, khí thế hăng say lao động, sản xuất đã trở thành một cao trào lôi cuốn hàng triệu phụ nữ, nông dân, công nhân, bác sỹ trên toàn miền Bắc tham gia. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội đã nổi lên các phong trào: Thanh niên “Ba sẵn sàng", phụ nữ “Ba đảm đang”, nông dân “Tay cày tay súng”, công nhân “Tay búa tay súng”, học sinh làm “Nghìn việc tốt chống Mỹ”... hay Tỉnh Thái Bình ghi bảng vàng 5 tấn, đánh dấu mốc lịch sử về năng suất lúa của miền Bắc. Khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức” của Thái Bình đã cổ vũ tinh thần nhân dân cả nước thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, đánh đuổi đế quốc Mỹ, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Khối công nhân viên chức cũng thực hiện nhiều phong trào thi đua sôi nổi như "Ngày thứ bảy năng suất cao", "Luyện tay nghề thi thợ giỏi". Nhiều sáng kiến có giá trị của các chị em đã được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất...

Cùng với thi đua sản xuất, hậu phương miền Bắc cũng đặc biệt coi trọng việc tăng cường quan hệ đoàn kết với nhân dân thế giới, với các tổ chức dân chủ, hòa bình quốc tế, đặc biệt là với các nước xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, ta đã tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trong đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng, cung cấp hậu cần, bảo đảm vận chuyển, tranh thủ các khoản viện trợ không hoàn lại, cho vay không tính lãi với nhiều chương trình kinh tế, thương mại. Hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của miền Bắc đều có sự giúp đỡ, viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa.

Với những nỗ lực trên, đến năm 1964, miền Bắc đã cơ bản tự bảo đảm được về lương thực và hàng tiêu dùng, đồng thời đã bắt đầu tạo được nguồn tích lũy từ trong nước.

Từ năm 1965, miền Bắc phải chuyển hướng kinh tế từ thời bình sang thời chiến và đến năm 1975 là thời kỳ chống chiến tranh phá hoại xen kẽ với những thời kỳ ngắn khôi phục kinh tế. Dù vậy, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn đạt được những thành tích to lớn.

Đến năm 1975, trong khu vực sản xuất vật chất đã có 99,7% tài sản cố định thuộc về kinh tế xã hội chủ nghĩa và đã tăng gấp 5 lần so với năm 1960. Trong cơ cấu công nghiệp đã có những cơ sở đầu tiên của các ngành công nghiệp nặng quan trọng, như điện, than, hóa chất, cơ khí luyện kim, vật liệu xây dựng.

Sức mạnh của hậu phương không chỉ về kinh tế mà còn gồm quân sự. Công cuộc xây dựng quân sự ở hậu phương được Đảng ta thường xuyên quan tâm. Bộ đội chủ lực miền Bắc từ 16 vạn (năm 1960) tăng lên 27 vạn (năm 1965). Bộ đội địa phương tăng từ 18.000 (năm 1959) lên 46.000 (năm 1965).

Năm 1960, dân quân tự vệ có khoảng 1 triệu người, đến năm 1965 đã có gần 1,7 triệu người được huấn luyện theo định kỳ, đảm nhận vai trò nòng cốt trong bảo đảm trật tự trị an, xung kích trong lao động, chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại các địa phương.

Vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang được đổi mới, ngày càng hiện đại. Qua nhiều cuộc diễn tập hiệp đồng quân-binh chủng, hỏa lực và sức cơ động của bộ đội được tăng cường và không ngừng phát triển.

Được sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước anh em, nền công nghiệp quốc phòng của miền Bắc ngày càng phát triển. Nhiều nhà máy được đầu tư, nâng cấp đã sản xuất ra một số chủng loại vũ khí bộ binh, trang thiết bị phụ tùng và các mặt hàng quốc phòng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của các quân chủng, binh chủng và sự phát triển nhanh của các đơn vị bộ đội chủ lực.

“Tất cả vì miền Nam ruột thịt”

Với tinh thần tất cả vì tiền tuyến “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Bắc trong vai trò hậu phương lớn đã luôn “thắt lưng, buộc bụng”, sẵn sàng chia lửa, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng cung cấp đến những dòng vật chất cuối cùng để chở sức mạnh hậu phương ra chiến trường. Ở khắp nơi, nhân dân miền Bắc thực hiện “mỗi người làm việc bằng hai” để có thể vừa tiếp tục đẩy mạnh sản xuất xây dựng tiềm lực và giữ vững sự ổn định hậu phương, vừa đẩy mạnh chi viện cho tiền tuyến.

Bộ Tư lệnh Ðoàn 559 được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các chiến trường miền Nam, với bạn Lào và hậu phương lớn miền Bắc; chủ động, sáng tạo sử dụng mọi phương tiện, mọi biện pháp hữu hiệu nhất đẩy mạnh vận chuyển vật chất-kỹ thuật (vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… ) chi viện kịp thời, đầy đủ cho chiến trường miền Nam.

Tổng cục Hậu cần quân đội bố trí các cung vận chuyển và chấn chỉnh hệ thống kho, bến bãi. Trước khi bước vào chiến dịch vận chuyển, lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, công binh và nhân dân các địa phương có tuyến đường chiến lược đi qua đã mở mới và củng cố tuyến vận tải cơ giới, hình thành nên thế trận giao thông vững chắc bảo đảm vận chuyển thông suốt trong mọi tình huống.

Giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong bối cảnh không còn nguồn viện trợ từ các nước XHCN, để thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, miền Bắc đã phải dốc toàn bộ sức lực của mình chi viện cho các chiến trường miền Nam.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 1975, từ hậu phương lớn miền Bắc đã có hơn 110.000 quân và 230.000 tấn vật chất các loại được đưa vào các chiến trường ở miền Nam.

Để kịp thời đưa nguồn nhân lực và vật chất được động viên từ miền Bắc vào các chiến trường phục vụ tổng tiến công, ngoài 6.770 chiếc ô tô vận tải chuyên trách của quân đội, các địa phương, cơ quan, ban, ngành ở miền Bắc còn huy động tới 60% các phương tiện vận tải dân sự.

Riêng về nhiên liệu, trong 2 năm 1973-1974, hệ thống đường ống xăng dầu Bắc-Nam đã đưa vào các chiến trường gần 303.000 tấn.

Khối lượng lớn binh khí, kỹ thuật, nhiên liệu được miền Bắc động viên và kịp thời chi viện cho các hướng tiến công trên các chiến trường ở miền Nam đã giúp cho các binh đoàn chủ lực thực hiện cơ động thần tốc, hoàn thành các mục tiêu chiến lược đề ra.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1959 đến năm 1975, hậu phương miền Bắc đã chi viện cho các chiến trường gần 700.000 tấn vật chất (gấp 2 lần số lượng vật chất khai thác tại chỗ), trong đó có trên 180.000 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật. Đó là chưa kể đến sự hy sinh xương máu của bộ đội, dân công làm công tác vận chuyển. Nhưng dù thế nào, bom đạn ác liệt của kẻ thù cũng không thể làm lay chuyển được tinh thần và ý chí của nhân dân miền Bắc tất cả vì miền Nam ruột thịt.

Không chỉ huy động một lượng lớn của cải, vật chất, hậu phương lớn miền Bắc đã động viên một nguồn nhân lực lớn phục vụ cuộc kháng chiến. Trong một thời gian ngắn, hàng vạn nam, nữ thanh niên có trình độ văn hóa, giác ngộ chính trị, có sức khỏe được động viên vào lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong.

Dù biết ra trận sẽ có hy sinh, mất mát nhưng đối với thanh niên miền Bắc khi đó, được đi bộ đội, được cầm súng chiến đấu với kẻ thù là một lý tưởng sống. Để được vào Nam chiến đấu, được sống với lý tưởng của mình, nhiều thanh niên, học sinh miền Bắc đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ bằng máu để thể hiện quyết tâm và mong muốn được xã, huyện phê duyệt cho nhập ngũ.

Trong những năm tháng ấy, toàn miền Bắc đã huy động trên 3 triệu người phục vụ chiến tranh (chiếm trên 12% số dân miền Bắc), trong đó gia nhập quân đội trên 1,5 triệu người. Có tới trên 70% số hộ gia đình ở miền Bắc có người thân chiến đấu trên các chiến trường; trên đồng ruộng, phụ nữ chiếm trên 63% trong số lao động trực tiếp, để nam giới đi đánh giặc, cứu nước. Các lực lượng vận tải, lực lượng bảo đảm giao thông, mở đường và các lực lượng bảo đảm khác... bao gồm hàng chục vạn người đều được động viên từ hậu phương lớn miền Bắc.

Ngoài ra, hậu phương miền Bắc cũng tiếp nhận hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, con em miền Nam tập kết ra miền Bắc học tập và công tác; đón tiếp gần 31 vạn thương binh và hơn 35 vạn lượt người từ tiền tuyến ra hậu phương chữa bệnh, học tập, phục hồi sức khỏe trở lại chiến trường.

Tuyến đường Trường Sơn huyền thoại là nơi đã chứng kiến lòng yêu nước, tinh thần và quyết tâm chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Bắc. Đã có hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của miền Bắc được huy động tham gia bảo đảm giao thông trên mọi nẻo đường từ hậu phương ra tiền tuyến.

Với sự hỗ trợ không ngừng nghỉ, sự chi viện thường xuyên, hiệu quả của miền Bắc, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Một khối lượng khổng lồ vật chất và một lực lượng to lớn các binh đoàn chiến đấu đã được vận chuyển qua tuyến đường này.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong 16 năm, tuyến vận tải quân sự chiến lược này đã vận chuyển khoảng 1.850.000 tấn vật chất hậu cần, vũ khí, trang bị kỹ thuật, kịp thời chi viện tới các chiến trường miền Nam và hai nước bạn Lào, Campuchia; bảo đảm hành quân cơ động, đưa đón hơn một triệu lượt người vào, ra hai miền Nam-Bắc. Mặc dù bị đánh phá ác liệt, nhưng tuyến đường chưa bao giờ bị gián đoạn.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu chiến lược quân sự Mỹ đều cho rằng: Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm cho Mỹ thua ở Việt Nam là do không triệt phá được tiềm lực của miền Bắc.

Ngày 30.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta. Và hậu phương lớn miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đúng như sự khẳng định của Đại hội đại biểu toàn quốc lấn thứ IV của Đảng: “Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa, suốt 16 năm qua luôn luôn cùng một lúc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược, miền Bắc đã dốc vào chiến tranh giữ nước và cứu nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và đã làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước”.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/tat-ca-vi-tien-tuyen-tat-ca-de-danh-thang-giac-my-xam-luoc-134674