Tắt sóng 2G từ 15/10: Xử lý ra sao đối với thuê bao 2G Only không chuyển lên 4G?
Ngày 15/10, các nhà mạng bắt đầu triển khai việc tắt sóng 2G tại Việt Nam. Vấn đề đặt ra, chúng ta sẽ ứng xử ra sao với thuê bao 2G Only không chuyển lên 4G?
Công nghệ 2G đã sử dụng được 30 năm ở Việt Nam
Theo Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết ngày 15/10/2024, các nhà mạng sẽ chính thức dừng công nghệ 2G. Các thuê bao đang sử dụng thiết bị 2G only (chỉ hỗ trợ băng tần 2G) sẽ bị khóa hai chiều, không thể tiếp tục sử dụng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã định hướng để người dùng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone; các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người dùng chuyển đổi; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh... nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Việc tắt công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Theo một khảo sát về việc tắt sóng 2G trên diễn đàn Reddit, trên thế giới có khoảng 102 quốc gia đã thực hiện thành công và đang đẩy mạnh các mạng di động khác.
Nhật Bản là quốc gia đầu tiên tắt sóng 2G vào năm 2010. Tiếp đó vào năm 2011, nhà mạng KT Corp của Hàn Quốc cũng tắt sóng 2G và SK Telecom thì mới áp dụng từ tháng 7/2023.
Tại Mỹ, các nhà mạng lớn như AT&T cũng đã ngừng dịch vụ trên mạng 2G từ năm 2017, Verizon đóng cửa mạng 2G vào năm 2020 và T-Mobile cho biết sẽ tắt mạng 2G GSM vào tháng 4/2024….
Ba nhà mạng lớn nhất Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China Unicom cũng đang trong quá trình tắt sóng 2G, 3G và chuyển đổi khách hàng sang mạng 4G hoặc 5G.
Để thúc đẩy việc tắt sóng 2G tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua, các nhà mạng Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ kinh phí máy điện thoại 4G Only kết hợp các gói cước chuyển đổi, đồng thời hỗ trợ lên tới 100% kinh phí máy điện thoại 4G. Đồng thời, các nhà mạng đều chuẩn bị số lượng máy điện thoại 4G để hỗ trợ bù máy (hỗ trợ 100% kinh phí) cho các thuê bao 2G Only của mình.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quá trình dừng công nghệ 2G chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất từ 15/10 dừng cung cấp dịch vụ đầu cuối thuê bao 2G. Đến tháng 9/2026, chúng ta sẽ dừng toàn bộ cung cấp mạng lưới 2G để dành tài nguyên cho mạng mới hơn như 4G, 5G. Về mặt sử dụng tài nguyên tần số sẽ hiệu quả hơn.
Công nghệ 2G đã sử dụng được 30 năm, nhiều thiết bị mạng lưới chất lượng đi xuống, ngốn điện, thiếu ổn định, do đó thay mới là tất yếu khi công nghệ mới đã sẵn sàng. Đây là sự đồng thuận và thực tế đòi hỏi của sản xuất kinh doanh.
Với người sử dụng, các điện thoại phím bấm chỉ sử dụng trong một vài trường hợp nhất định (người già và trẻ nhỏ). Trong môi trường hiện nay, điện thoại thông minh tiện lợi hơn như giao dịch, hành chính.
Khi người dùng chuyển sang công nghệ mới hơn như 4G, công nghệ mạng được Việt Nam triển khai từ năm 2016, phần lớn thuê bao trên mạng hiện nay là 4G, người sử dụng có quyền lựa chọn điện thoại thông minh hoặc điện thoại phím bấm 4G.
Các nhà mạng đều có chương trình khuyến khích chuyển đổi sang smartphone, hay đổi miễn phí điện thoại phím bấm 2G sang phím bấm 4G cho những người dùng chưa làm quen điện thoại thông minh.
"Đây là cơ hội chuyển đổi sang điện thoại thông minh cho những người dùng đang có nhu cầu, khi các nhà mạng đang có nhiều chương trình hỗ trợ, gói cước hấp dẫn" - ông Nguyễn Phong Nhã nói.
Ứng xử ra sao đối với thuê bao 2G Only không chuyển lên 4G?
Vấn đề đặt ra hiện nay, đó là chúng ta sẽ ứng xử ra sao đối với thuê bao 2G Only không chuyển lên 4G sau ngày 15/10? Tính đến chiều 11/10, vẫn còn khoảng 600.000 thuê bao 2G đang hoạt động.
Ông Nguyễn Phong Nhã cho hay, sau ngày 15/10, theo đúng quy định sẽ phải dừng cung cấp dịch vụ hai chiều gọi đi gọi đến đối với các thuê bao 2G Only. Các doanh nghiệp cần tiếp tục phân tích hành vi người dùng thuê bao để đảm bảo quyền lợi tốt nhất của người dùng.
Các nhà mạng đã sử dụng nhiều hình thức truyền thông (tin nhắn OTT, SMS, CSKH…) nhưng cần sáng tạo thêm hình thức mới: Như đếm ngược thời gian thuê bao 2G không còn được sử dụng, tăng cường lực lượng gặp gỡ khách hàng để đảm bảo người dùng được thông tin đầy đủ… Từ đó, thể hiện trách nhiệm của nhà mạng với quyền lợi người tiêu dùng.
Vì nhiều lý do có thể có người dùng chưa nắm được thông tin hay chưa có cơ hội đổi máy với nhà mạng. Vì vậy, sẽ đẩy mạnh truyền thông hơn, đề nghị cơ quan truyền thông đồng hành cùng cơ quan nhà nước, doanh nghiệp viễn thông để truyền thông tới người sử dụng.
Với các thuê bao dừng cung cấp dịch vụ sau ngày 15/10, ông Nguyễn Phong Nhã đề nghị các nhà mạng tiếp tục có chính sách chăm sóc khách hàng để chuyển đổi các thuê bao này sang đầu cuối 4G, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Về phía các nhà mạng, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Ban Dịch vụ Viễn thông MobiFone chia sẻ, sau ngày 15/10, Mobifone sẽ chặn thiết bị nhưng vẫn giữ lại tài khoản, thuê bao cho khách hàng, để khách hàng có thời gian chuyển đổi, đảm bảo bảo lưu cho tài khoản của khách hàng.
Những thuê bao đã chuyển đổi từ Feature Phone lên smartphone, tự bỏ tiền mua máy, chúng tôi tặng gói cước... Chúng tôi mong rằng sắp tới, tốc độ đổi máy càng tăng hơn nữa, đồng thời, các phương tiện thông tin truyền thông tăng cường truyền thông.
Ông Đỗ Mạnh Dũng, Quyền Giám đốc Ban khách hàng cá nhân VNPT VinaPhone nêu rõ, tất cả thuê bao sẽ được bảo lưu tài khoản sau thời điểm 15/10. Vinaphone sẽ tiếp tục duy trì chính sách tặng máy, hỗ trợ máy cho khách hàng, tiếp tục hỗ trợ khách hàng tại các điểm của Vinaphone, cũng như trực tiếp tại nhà để khách hàng sử dụng dịch vụ như: Đổi SIM, hướng dẫn sử dụng, các chính sách ưu đãi trong thời gian đầu khi chuyển từ máy 2G sang 4G như trải nghiệm data để vào mạng. VinaPhone mong muốn tất cả thuê bao sau 15/10 sẽ tiếp tục chuyển sang và sử dụng dịch vụ.
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết thêm, theo chính sách của các nhà mạng, nếu khách hàng không sử dụng dịch vụ trong 2 tháng, nhà mạng sẽ khóa tài khoản, thu hồi số về kho. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đề xuất chính sách đặc biệt đối với thuê bao 2G còn lại để kéo dài thời gian.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông: Các nhà mạng đã cùng nhau lập cơ sở dữ liệu về các thuê bao 2G không còn được hòa mạng sau ngày 15/10. Đề nghị các nhà mạng truyền thông mạnh mẽ hơn; thông tin đầy đủ tới người dùng để tránh việc mua phải điện thoại 2G nhưng dán mác 3G, 4G, không dùng được cũng như sẽ không được hòa mạng. Bên cạnh đó, việc thu mua lại thiết bị đầu cuối 2G cũng là một biện pháp để giúp thu gom và xử lý rác thải điện tử đúng quy trình, tránh số lượng thiết bị đầu cuối bị vứt bỏ, tiêu hủy như rác thông thường, hoặc sử dụng lại không đúng quy định.