Tắt sóng 2G – xu hướng tất yếu, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Ngày 18/7, báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) tổ chức tọa đàm 'Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?'.

Chuẩn bị cho việc cắt sóng 2G từ tháng 9/2024

Theo thông tin từ tọa đàm, mỗi quốc gia khi tắt sóng công nghệ 2G, 3G đều có những phương pháp, mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nếu một nhà mạng muốn triển khai công nghệ di động mới 5G, thì việc duy trì vận hành quá nhiều công nghệ song song như 2G, 3G, 4G đồng thời sẽ tốn chi phí rất lớn và khai thác không hiệu quả.

Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Việt Nam chọn cách tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

 Tọa đàm "Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?". Ảnh: Lê Anh Dũng

Tọa đàm "Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?". Ảnh: Lê Anh Dũng

Mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến tháng 9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.

Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người dùng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone; các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người dùng chuyển đổi; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh... nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet cho hay, việc tắt công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Theo thống kê của GSMA, cho đến giữa năm nay, có 149 nhà mạng đã và đang triển khai tắt công nghệ cũ. Đại đa số các nước đã tắt 2G là các quốc gia tiên tiến, với 63% ở châu Âu và hơn 20% ở châu Á. Nhiều quốc gia đã tắt 2G từ lâu như Mỹ, Singapore từ năm 2017 và năm 2018 là Australia.

 Ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ TT&TT đã có những chính sách tốt để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, tiêu biểu như vấn đề tiêu chuẩn hóa, không cho phép nhập khẩu thiết bị 2G Only. Nhờ vậy, sẽ tạo điều kiện để việc tắt sóng 2G ảnh hưởng rất ít đến người sử dụng.

Việc tắt sóng 2G đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số.

Cụ thể, với người dân, việc tắt sóng 2G sẽ giúp họ được chuyển sang sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G chất lượng cao hơn. Đồng thời, điều này cũng góp phần hoàn thành mục tiêu “Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh”, phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân Việt Nam của Chính phủ.

Đối với doanh nghiệp, họ sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác, và cũng góp phần phát triển công nghệ xanh. Trên mạng lưới hiện nay, công nghệ 2G gây tốn điện. Vì thế, loại bỏ 2G không chỉ lợi cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho xã hội, hướng tới phát triển xanh.

Còn đối với Chính phủ, việc tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao hơn, đồng thời, thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số.

Hiện các nhà mạng đang xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ người dùng khi dừng sóng 2G, tập trung vào hai hỗ trợ chính là hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước sử dụng để khách hàng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone.

Cơ hội tốt cho người sử dụng làm quen với dịch vụ trên môi trường số

Tại buổi tọa đàm, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử chia sẻ, tắt sóng 2G là xu hướng tất yếu mang lại lợi ích cho nhà mạng, Nhà nước và người dân. Ở Việt Nam, việc tắt sóng 2G không chỉ là việc riêng của nhà mạng, mà có phần trách nhiệm của Nhà nước và người dân. Tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần để cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn, giải phóng chi phí bảo trì bảo dưỡng. Và điều quan trọng nhất là người dân phải có smartphone...

Từ góc độ nhà mạng, ông Lê Đắc Kiên, Phó Tổng Giám Đốc VNPT VinaPhone cho rằng: Đơn vị xác định đây là việc trước sau phải làm, công ty đã có lộ trình chuẩn bị trạm 4G để thay thế 2G; đang sử dụng tần số 900 phủ sóng xa. Khi tắt sóng 2G, một số khách hàng sẽ bị ảnh hưởng, song, VinaPhone đã mua sắm thiết bị đầu cuối smartphone giá rẻ, feature phone 3G, 4G, đảm bảo người dân yên tâm trải nghiệm.

 Các đại biểu chủ trì Tòa đàm

Các đại biểu chủ trì Tòa đàm

“Những người chỉ có nhu cầu nghe gọi nhắn tin không gặp vấn đề, chỉ cần chuyển đổi thiết bị. VinaPhone cam kết với Bộ TT&TT đến tháng 9, tất cả khách hàng sẽ chuyển sang 4G. Hiện còn khoảng 1,5 triệu khách hàng chưa chuyển đổi, mặc dù đã làm nhiều cách. Do đó, khi tắt sóng 2G một số khách hàng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vẫn phải làm đồng bộ từ quản lý, chính sách, tiêu chuẩn, thị trường”, ông Lê Đắc Kiên chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết: “Viettel là nhà mạng có số lượng thuê bao lớn nhất, nên số lượng thuê bao 2G cũng lớn nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đã chuyển đổi hơn 2 triệu thuê bao. Từ nay tới ngày 15/9 sẽ tiếp tục nỗ lực xóa công nghệ cũ, chuyển sang công nghệ mới”.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, buổi tọa đàm hôm nay chủ yếu dành để truyền thông, chính sách quan trọng với người sử dụng. Với câu hỏi ‘Người dân cần chuẩn bị gì?’, chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất khi tiếp cận vấn đề mới là thông tin. Khi thông tin đầy đủ, ý nghĩa của chuyển đổi được hiểu rõ, sẽ được sự đồng thuận của người sử dụng.

Với người dùng 2G chuyển sang điện thoại thông minh 4G, đây là cơ hội trải nghiệm dịch vụ mới. Các dịch vụ từ trước đến nay chưa được dùng, người sử dụng có thể vào mạng, sử dụng dịch vụ hành chính công của Nhà nước từ ứng dụng trên smartphone thay vì vào website. Đây là cơ hội để người dân tiếp cận dịch vụ số, dần dần hình thành xã hội số, với mục tiêu tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận công nghệ mới.

Việc dừng công nghệ 2G là cơ hội tốt cho người sử dụng làm quen với dịch vụ trên môi trường số. Những đối tượng sử dụng ở các thành phố lớn, thị trấn, thị xã, tiếp nhận thông tin đầy đủ và tương đối sẵn sàng chuyển sang smartphone. Nhưng với những người vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, người già, trẻ em, những người không có cơ hội tiếp cận thông tin đầy đủ như lớp trẻ, công tác truyền thông của nhà mạng, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thuộc Bộ cần được tăng cường.

Các doanh nghiệp đã có những giải pháp truyền thông rất tốt. Chẳng hạn, Viettel truyền thông cá thể hóa đến đối tượng ở vùng sâu vùng xa; MobiFone có giải pháp nhạc chờ: khi thuê bao 2G nhận cuộc gọi hay thực hiện cuộc gọi đi đều có thông báo liên quan của nhà mạng về dừng 2G, đầu số hỗ trợ, giải pháp hỗ trợ; VinaPhone có những chính sách hỗ trợ cả máy, truyền thông qua người dùng.

 Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT). Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT). Ảnh: Lê Anh Dũng

“Chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp tiếp tục dựa trên dữ liệu thuê bao để phân tích được các đối tượng sử dụng ở khu vực chưa tiếp cận được thông tin, việc đổi máy còn là vấn đề. Chúng ta sẽ có hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để người sử dụng được bảo đảm quyền lợi. Từ đó, nhà mạng cũng tăng vị thế, uy tín khi cung cấp dịch vụ quan trọng, cơ bản đến người dùng, cũng như đảm bảo uy tín trong suốt thời gian cung cấp dịch vụ vừa qua. Đây cũng là cơ hội để nhà mạng truyền thông về dịch vụ mới với người sử dụng” – ông Nhã nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết thêm, từ nay đến tháng 9, cần có sự quyết tâm cao độ hơn, vào cuộc mạnh mẽ hơn của các nhà mạng, truyền thông của phóng viên. Bộ TT&TT đã có công văn, yêu cầu đối với các Sở TT&TT, UBND các tỉnh, thành phố, thông qua các hệ thống thông tin cơ sở, đài truyền thanh không dây để các nhà mạng truyền thông đến người sử dụng.

Từ góc độ quản lý nhà nước, mục tiêu của Bộ TT&TT là cùng Chính phủ xây dựng xã hội số, Chính phủ số, đưa người dân lên môi trường mạng. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp của người sử dụng, doanh nghiệp để hoàn thiện chính sách và cam kết tiếp tục truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua cơ quan báo đài, phương tiện thông tin cơ sở để chung tay cùng các doanh nghiệp truyền thông việc này đến người sử dụng.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tat-song-2g-xu-huong-tat-yeu-thuc-day-chuyen-doi-so-quoc-gia-post303973.html