'Tất tần tật' các mẹo bảo quản thực phẩm tươi ngon ngày Tết
Dưới đây là những cách đơn giản để bảo quản thực phẩm luôn tươi ngon trong dịp Tết nguyên đán các mẹ nên biết.
Mẹo bảo quản các loại mứt
Mứt chứa nhiều đường nên dễ bị chảy nước, vì vậy cần cất trữ nơi kín không khí như trong túi ni lông, khi mở lấy ra đãi khách xong nhớ buộc chặt lại. Cách bảo quản lâu và an toàn hơn là cho vào lọ thủy tinh hoặc hộp nhựa, rải một lớp đường lên trên mặt để hút ẩm, mứt sẽ giữ được mùi vị thơm ngon.
Với những loại mứt dẻo, nên sên lại, chờ nguội rồi mới cho vào lọ sẽ để được lâu hơn. Không cất mứt vào tủ lạnh vì mứt sẽ hồi ẩm khi đem ra, khiến nấm mốc phát triển.
Cách bảo quản bánh quy
Để bánh trong hộp thiếc hoặc cho bánh vào lọ thủy tinh, đậy kín. Trường hợp bánh bị ỉu, có thể cho vào lò sấy lại khoảng 5-10 phút với nhiệt độ 1100C, bánh sẽ giòn lại như thường.
Bánh chưng, bánh tét giữ thế nào để không bị mốc
Bánh chưng sau khi nấu chín, đem rửa bằng nước sạch rồi để ráo, xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để bánh ra hết nước, chắc mịn và phẳng. Để bánh nơi thoáng gió hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Bánh ăn dở khi để tủ lạnh nên giữ nguyên lá gói, phần mặt cắt lấy màng bọc bao kín. Bánh tét khi nấu xong còn nóng thì nên treo nơi thoáng mát cho nguội dần, có thể treo bên ngoài khoảng hai-ba ngày, nếu dùng lâu hơn, nên để tủ lạnh.
Nếu sau vài ngày bánh bị lại gạo, nên luộc hoặc hấp cho bánh mềm trở lại rồi dùng. Trường hợp bánh bị mốc, chỉ cần hơ trên bếp gas hoặc luộc lại là vẫn sử dụng được.
Bảo quản giò chả
Giò chả cắt ra ăn nếu chưa dùng hết, lấy màng bọc bọc kín mặt cắt để chả không bị thâm đen và khô, cho vào bao ni lông buộc kín, cất vào tủ lạnh. Bảo quản giò chả ở ngăn mát tủ lạnh thông thường thì có thể trữ được khoảng 10 ngày.
Đối với các loại giò thủ hoặc giò xào, ăn lạnh sẽ ngon hơn. Khi cắt ra nên ăn ngay, phần còn lại cất ngay vào tủ lạnh. Riêng các loại giò chả khác, cần lấy ra khỏi tủ lạnh khoảng một giờ trước khi ăn để chả không quá lạnh.
Cách bảo quản thịt kho không bị hỏng
Khi kho thịt đừng nêm nhạt quá, dễ bị thiu. Kho xong, nhấc nồi thịt xuống, nên để yên một nơi cố định, tránh lắc mạnh hoặc di chuyển, không đậy nắp kín quá, có thể dùng rổ đậy lên. Mỗi ngày nên hâm lại vào buổi sáng và buổi tối.
Trứng trong món thịt kho nếu bị bể phải vớt ra để tránh chua nước thịt. Khi ăn chỉ nên múc ra một lượng vừa đủ dùng và hâm riêng. Với phần thịt ăn thừa, bạn cất vào tủ lạnh, không đổ lại vào nồi lớn. Tốt nhất nên chia thịt kho thành từng phần nhỏ rồi trữ trong hộp, cất vào ngăn mát tủ lạnh để tiện dùng.
Mẹo bảo quản lạp xưởng
Lạp xưởng tươi cho vào hộp đậy kín rồi cất vào tủ lạnh, nếu muốn để lâu thì cho lên ngăn đông, khi dùng lấy ra rã đông. Riêng lạp xưởng khô thì để một ly rượu trắng giữa rổ, hộp hoặc khay rồi xếp lạp xưởng xung quanh, đem để nơi thoáng mát. Rượu có tác dụng ngăn ruồi, kiến rất hiệu quả và giúp giữ mùi thơm của lạp xưởng, để lâu ngày vẫn thơm ngon.
Mẹo bảo quản dưa chua, kiệu chua
Kiệu chua, dưa chua các loại chỉ cần đậy nắp, để nơi thoáng mát. Khi ăn dùng muỗng đũa sạch múc ra. Nếu ăn thừa, không nên đổ lại vào hũ, dưa kiệu sẽ bị hư.
Cách bảo quản trái cây, rau củ
Trái cây cần rửa sạch sẽ, lau khô rồi cho vào bao ni lông buộc chặt, để ở ngăn mát tủ lạnh.
Rau nhặt bỏ lá sâu hoặc úa giập, cắt bỏ phần rễ, gói trong giấy báo rồi cho vào bao ni lông cột kín để ở ngăn rau củ của tủ lạnh. Riêng các loại rau chịu lạnh như bắp cải, súp lơ, cà rốt, cần tây… thì chỉ cần để trong bao ni lông rồi đặt trong tủ lạnh là được.
Cách bảo quản cá
Cá có mùi khá mạnh. Do đó, bạn không nên giữ chúng chung với các loại khác vì chúng sẽ lây mùi sang những thứ được bảo quản cùng. Ngoài ra, nên luộc cá trước khi cho chúng vào ngăn mát của tủ lạnh hoặc giữ đông trực tiếp.
Nếu nhà bạn không có tủ lạnh, bạn có thể bảo quản cá trong thời gian ngắn bằng cách:
Khi cá có dấu hiệu chết ngộp, đừng để cá tự chết mà hãy đập đầu cho cá chết tươi. Nhằm duy trì trạng thái tươi của cá, hãy dùng một miếng giấy ướt che mắt cá lại, cách này có thể giữ cho cá tươi từ 3 đến 5 tiếng đồng hồ. Do trong thần kinh thị giác của các có dây tổ chức tuyến trạng, khi rời khỏi nước, tuyến này cũng sẽ đứt ra làm cho cá chết nhanh. Việc lấy giấy ướt che mắt cá kéo dài thời gian đứt tuyến này, giúp cá lâu ươn.
Theo cách của dân gian, có thể dùng giấm pha loãng đổ lên mình cá và đặt nơi thoáng mát để giữ cá tươi. Với cách làm này, cá sẽ không bị hỏng hay có mùi đến tận hôm sau, với điều kiện lúc ban đầu cá còn tươi.
Mẹo bảo quản trứng
Trứng cần được giữ nguyên trong hộp hoặc đặt vào kệ đựng chuyên dụng trong tủ lạnh.
Bảo quản sữa
Sữa có đặc tính dễ hấp thu mùi vị của những khác. Chính vì vậy, bạn không nên để sữa chung với các loại rau xanh, trái cây hoặc có mùi mạnh. Tốt nhất là nên giữ nguyên bao bì của chúng hoặc cho vào hộp có nắp đậy kín rồi đặt vào ngăn mát của tủ lạnh.
Bảo quản phó mát
Vì phó mát rất nhanh khô nên bạn cần dùng màng bọc để bọc chúng lại thật gọn gàng trước khi bảo quản lạnh.
Lưu ý: Bạn cần bảo quản thức ăn sống và chín vào những hộp riêng biệt. Việc bảo quản kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi sinh sang các món ăn khác.