Tàu cá 67 nằm bờ, ngư dân và ngân hàng cùng 'mắc cạn'
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã giúp nhiều ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để đóng tàu công suất lớn vươn khơi. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều tàu hoạt động hiệu quả thì cũng có một số tàu khi đưa vào khai thác, đã rơi vào thua lỗ khiến chủ tàu lâm vào tình trạng mất khả năng trả nợ và đối diện nguy cơ phá sản.
Ông Trần Văn Mười, (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là một trong những người được tiếp cận nguồn vốn của Nghị định số 67 để đóng tàu vỏ thép. Thời gian đầu, tàu cá của ông Mười ra khơi đánh bắt hiệu quả nên ông trả nợ ngân hàng đúng hẹn. Nhưng chỉ được một thời gian, tàu của ông Mười liên tục hỏng hóc phải nằm bờ sửa chữa. Đến nay, suốt nhiều tháng qua, con tàu trị giá gần 20 tỉ đồng của ông Mười đang phải nằm bờ do hỏng hóc và các chuyến ra khơi không đủ để bù tiền dầu khiến ông không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Ông Mười bị ngân hàng đưa vào danh sách nợ xấu.
Ông Mười là một trong nhiều trường hợp bị ngân hàng đưa vào diện nợ xấu của nguồn vốn Nghị định số 67. Hiện nay, tại các tỉnh miền Trung có hàng loạt con tàu vỏ thép đóng mới theo chương trình này không đảm bảo chất lượng, thường xuyên phải nằm bờ để sửa chữa. Bên cạnh đó, nguồn lợi hải sản suy giảm, thời tiết trên biển bất lợi ảnh hưởng đến những chuyến ra khơi của tàu cá. Lao động đi biển ngày càng khan hiếm, giá cả hải sản không ổn định, nhiều tàu doanh thu không đủ bù đắp chi phí dẫn đến ngư dân không có tiền trả nợ ngân hàng. Đã có chủ tàu cá phải bỏ nhà đi trốn nợ.
Theo thống kê sơ bộ, tại TP Đà Nẵng, trong số 9 chiếc tàu đóng mới từ nguồn vốn vay của Nghị định số 67 thì 7 chiếc tàu vỏ thép đánh bắt kém hiệu quả, nợ xấu ngân hàng gần 110 tỉ đồng. Tại tỉnh Khánh Hòa, hiện có 12 chủ tàu 67 nợ xấu hơn 100 tỉ đồng. 24 chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 ở tỉnh Phú Yên vay hơn 280 tỉ đồng nhưng hiện các ngân hàng mới thu nợ được hơn 10 tỉ đồng, nợ xấu 31 tỉ đồng. Đến giữa năm nay, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã cho 10 chủ tàu cá tỉnh này vay 178 tỉ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 144 tỉ đồng…
Trên thực tế, mỗi con tàu vỏ thép đóng mới có trị giá từ 15 - 18 tỉ đồng, có tàu hơn 20 tỉ đồng, trong đó, 95% là vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Bình quân hàng tháng, mỗi chủ tàu phải trả tiền gốc và lãi suất hơn 100 triệu đồng, cứ 3 tháng trả một lần. Việc các tàu đánh bắt không hiệu quả hoặc nằm bờ khiến các chủ tàu phải đối mặt với việc mất khả năng thanh toán tiền lãi cho ngân hàng.
Để cùng chia sẻ khó khăn với ngư dân, các ngân hàng thương mại đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng. Theo ông Hồ Sỹ Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Trị, vốn vay đóng tàu theo Nghị định số 67 do các Ngân hàng huy động trong dân với lãi suất lên tới 8,4%/năm, nhưng ngư dân vay lại chỉ với lãi suất 1%/năm là rất ưu đãi. Hiện nay, thời gian trả nợ được Trung ương nâng từ 11 năm lên 16 năm nhằm đảm bảo cho hệ thống ngân hàng an toàn về vốn, vừa phù hợp với vòng đời của tàu cá nên không thể gia hạn thêm được nữa.
Trong khi đó, ông Trần Đình Khoái - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, những chủ tàu thực sự khó khăn cần được xem xét, nhưng cũng cần kiên quyết với chủ tàu chây ỳ, không chịu trả nợ.
Để gỡ khó cho những ngư dân là chủ tàu cá vay từ nguồn vốn của Nghị định số 67 nhưng chủ tàu không thể “kham nổi” việc trả nợ ngân hàng do vận hành đánh bắt không hiệu quả, Chính phủ đã có Nghị định số 17 bổ sung Nghị định số 67 cho phép chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản. Theo Nghị định số 17, chủ tàu mới sau chuyển đổi chủ tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.
Bên cạnh đó, để giải quyết bài toán về nợ xấu của các tàu cá thuộc diện này, nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung đã yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng thương mại đánh giá lại năng lực tài chính của từng chủ tàu.
Cơ quan chức năng trao đổi về tình hình hoạt động, khai thác để ngân hàng đánh giá đúng về khách hàng; nghiên cứu phương án chuyển các nguồn hỗ trợ, nguồn vốn ưu đãi như: nhiên liệu, tiền hỗ trợ ngư dân về tài khoản ngân hàng cho vay để hỗ trợ ngân hàng quản lý đồng vốn đầu tư, đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích. Qua đó, tạo điều kiện cho những chủ tàu thật sự khó khăn tiếp tục khai thác và trả nợ; kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với những chủ tàu cố tình chây ỳ, không trả nợ ngân hàng.
Chiều 6/11, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến hành vi phạm tội trong công tác đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ - CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án này và hiện sắp đưa ra xét xử.
"Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã có quyết định khởi tố vụ án vào ngày 16/8/2018. Qua quá trình điều tra, đến ngày 9/1/2019, đã có kết luận Số 03 của Cơ quan An ninh điều tra kết luận điều tra vụ án hình sự và đề nghị truy tố. Hiện vụ án sắp được đưa ra xét xử", Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, một số tổ chức tín dụng đã khởi kiện ra TAND TP Nha Trang đối với 10 chủ tàu vay vốn để đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ, nhưng cố tình chây ỳ, không trả nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Thực tế cho thấy, một số khách hàng gặp khó khăn trong việc khai thác, đánh bắt thủy sản, nhưng vẫn có các chủ tàu đi biển thường xuyên, tình hình tài chính tốt, song cố tình chây ỳ, thiếu thiện chí trả nợ, khai báo chuyến biển bị lỗ... để chờ chính sách xóa nợ của Nhà nước.