Tàu cá Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu ở Biển Đông: Thấy gì từ phản ứng của Mỹ?
Sau khi giới chức và truyền thông Philippines công bố thông tin tàu cá Trung Quốc tập kết với số lượng lớn tại Đá Ba Đầu vào tháng 3, Mỹ đã có những phản ứng chính thức nhanh chóng, liên tục và mạnh mẽ, kết hợp với những biện pháp tuyên truyền từ kênh học giả và truyền thông.
Từ phát ngôn chính thức...
Nếu so sánh với các nước khác, phản ứng chính thức của Mỹ về việc Trung Quốc tập trung tàu cá tại Đá Ba Đầu có một số điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, Mỹ là nước không thuộc nhóm các quốc gia tranh chấp có phản ứng đầu tiên qua kênh ngoại giao.
Ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana công khai sự hiện diện của 220 tàu Trung Quốc ngày 21/3, Đại sứ quán Mỹ tại Manila đã đăng tuyên bố chỉ trích Trung Quốc dùng dân quân biển để “đe dọa và khiêu khích” các nước khác.
Nhật Bản, Anh, Canada, Australia, Đức và Pháp đã đưa ra phản ứng rải rác trong tuần cuối tháng 3. Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/4 cũng đưa ra tuyên bố về vụ việc.
Thứ hai, Mỹ đưa ra phản ứng nhiều lần nhất và ở nhiều cấp nhất.
Sau tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Philippines, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định trên Twitter ngày 28/3 rằng, Washington luôn sát cánh cùng Manila trong cuộc đối đầu với dân quân Trung Quốc tại Đá Ba Đầu.
Sau đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan ngày 31/3 và Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 8/4, trong điện đàm với những người đồng cấp Philippines, đều bày tỏ lo ngại về động thái của Trung Quốc tại Đá Ba Đầu, kêu gọi nước này tuân thủ Phán quyết 2016 và khẳng định giá trị của Hiệp ước Phòng thủ Song phương 1951.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 7/4 khẳng định, Mỹ đứng về phía Philippines và chia sẻ quan ngại về sự hiện diện của tàu dân quân Trung Quốc.
Cuối cùng và quan trọng nhất, Mỹ là nước chỉ trích Trung Quốc trực diện và mạnh mẽ nhất.
Nhật Bản, Anh, Australia, Pháp và Đức chủ yếu chỉ lên tiếng phản đối, hoặc nêu quan ngại về các hành động làm tăng căng thẳng Biển Đông, kêu gọi kiềm chế và tuân thủ luật quốc tế nói chung. Canada có nhắc đến đích danh Trung Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ mới là nước phản bác thẳng thừng lập luận của Trung Quốc rằng đây là các tàu cá đang neo tránh gió bão.
Theo đó, Washington ngay lập tức khẳng định, tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu là tàu dân quân và Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị tấn công.
Lập trường này phù hợp với xu hướng tập trung vào lực lượng dân quân biển Trung Quốc của Mỹ.
Báo cáo Sức mạnh Trung Quốc năm 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng: (i) Lực lượng dân quân biển Trung Quốc có vai trò quan trọng trong các hoạt động cưỡng ép nhằm giúp đạt mục tiêu như: bảo vệ yêu sách biển, do thám, bảo vệ nguồn cá hay hỗ trợ hậu cần... mà không cần tham chiến; và (ii) Tương tác giữa dân quân và quân đội Trung Quốc ngày càng lớn cả về lượng và chất.
Thậm chí, nhiều đơn vị dân quân biển Trung Quốc còn có độ tinh nhuệ cao, được nhà nước trả lương riêng và được tuyển mộ từ các quân sĩ mới xuất ngũ.
Chia sẻ quan điểm này, Đại úy Hạm đội Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM) Robert C. Francis Jr. cho rằng, Mỹ nên chính thức coi tàu cá Trung Quốc là mối đe dọa và có thể bắn cảnh cáo.
Bên cạnh các tuyên bố ngoại giao, cường quốc hàng đầu thế giới đã triển khai hiện diện quân sự liên tục tại Biển Đông trong cùng thời gian với 2 nhóm tàu do tàu USS Theodore Roosevelt và Makin Island dẫn đầu.
Hai nhóm tàu này ngày 9/4 cũng diễn tập chung ở Biển Đông. Trước đó, ngày 6/4, tàu Theodore Roosevelt cũng tập trận chung với Malaysia trên Biển Đông.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh rằng, hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức hành vi vi phạm này.
...đến phản ứng của truyền thông và học giả
Sự việc Đá Ba Đầu được truyền thông Mỹ cập nhật liên tục.
Các trang báo lớn của Mỹ như Bloomberg, Fox News, Washington Post, NBC News hay New York Times, dù có quan điểm chính trị khác nhau, song đều đăng bài về sự việc theo hướng khá thống nhất: cùng lên án hành động của Trung Quốc và phù hợp với các kênh chính thức.
Bên cạnh đó, ảnh chụp các tàu Trung Quốc từ vệ tinh của công ty MAXAR, Mỹ cũng được sử dụng rộng rãi trên các báo.
Từ phía học thuật, các học giả Mỹ đã đưa ra nhiều nhận định khác nhau để phản bác tuyên bố của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Andrew Erickson và Ryan Martinson thuộc Đại học Hải chiến Mỹ đã chứng minh được tuyên bố của Trung Quốc rằng các tàu ở Ba Đầu là tàu cá là sai sự thật.
Hai học giả trên cho rằng, các tàu trên nằm trong chiến lược 3 lớp dân quân - hải cảnh - hải quân nhằm giành quyền kiểm soát Biển Đông. Ảnh vệ tinh cũng cho thấy thời tiết tại đây quang đãng chứ không có bão.
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Viện nghiên cứu CSIS cũng đăng báo cáo cho thấy, tàu cá Trung Quốc đã xuất hiện tại khu vực này từ năm 2019, đi từ tỉnh Quảng Đông, tập trung tại Đá Ba Đầu trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng mà không tham gia hoạt động đánh bắt cá nào nên chắc chắn đây là tàu dân quân.
Joel Wuthnow thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ cho rằng, hành động của Trung Quốc là một phần chiến lược vùng xám nước này.
Các học giả cũng đưa ra nhiều nhận định về hệ lụy của sự việc.
Nghiên cứu viên Greg Poling thuộc CSIS cho rằng, Trung Quốc muốn dùng tàu dân quân để gây áp lực trong một thời gian đủ dài, buộc các nước tranh chấp ở Đông Nam Á phải rút lui.
Trong khi đó, Steven Stashwick của tờ The Diplomat dự đoán, Trung Quốc có thể đưa các tàu cá trở lại với sự hậu thuẫn của tàu hải quân hoặc hải cảnh, tìm cách chiếm các thực thể mới tại Trường Sa trong kịch bản xấu nhất.
Tuy nhiên, học giả Joel Wuthnow đánh giá động thái khiến Trung Quốc khó lòng tập hợp lực lượng với ASEAN để đối chọi với Bộ tứ hơn.
Để đối phó với những bước đi xa hơn của Trung Quốc, hai nhà nghiên cứu Andrew Erickson và Ryan Martinson kiến nghị, Mỹ cần chia sẻ thông tin tình báo về hoạt động trên thực địa của nước này nhiều hơn nữa.
Đồng thời, Philippines nên tận dụng cuộc bầu cử năm 2022 để gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.
Nghiên cứu viên Greg Poling kiến nghị, cộng đồng quốc tế phải ngay lập tức gây sức ép với Trung Quốc vì không gian thỏa hiệp đang thu hẹp dần.
Nhìn chung, Mỹ đã có những phản ứng mạnh mẽ qua kênh ngoại giao. Mặt trận đấu tranh truyền thông và học thuật cũng có những động thái tương tự, dù có số ít ý kiến trái chiều.
Phản ứng của Mỹ trong vụ việc Đá Ba Đầu có thể hé lộ phần nào cách hành xử của chính quyền Tổng thống Joe Biden nếu Biển Đông xảy ra sự cố tương tự trong tương lai.
(tổng hợp)