Tàu cao tốc đưa thực phẩm thiết yếu về TP.HCM

Chỉ khoảng 1,5 giờ đồng hồ, mỗi tàu cao tốc có thể mang về TP.HCM 20 tấn hàng hóa.

Ngày 19-7, ngày đầu tiên luồng xanh đường thủy được Sở GTVT TP.HCM triển khai và nhanh chóng được áp dụng. Ngay buổi trưa cùng ngày, hai tàu cao tốc của Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (Greenlines DP) đã cập bến tại bến phà tạm Rạch Miễu bờ Song Thuận, huyện Châu Thành (Tiền Giang) để vận chuyển hàng nông sản từ Tiền Giang về TP.HCM. Đây là địa phương đầu tiên tàu cao tốc tới để vận chuyển hàng hóa ở ĐBSCL. Dự kiến trong những ngày tới, TP sẽ có ít nhất 100 tấn thực phẩm thiết yếu thông qua tàu cao tốc này.

Sau khi tàu cập bến, hàng hóa nhanh chóng được vận chuyển lên xe chuyên chở đợi sẵn bên ngoài bến Bạch Đằng. Ảnh: NGUYỆT NHI

Sau khi tàu cập bến, hàng hóa nhanh chóng được vận chuyển lên xe chuyên chở đợi sẵn bên ngoài bến Bạch Đằng. Ảnh: NGUYỆT NHI

20 tấn hàng đầu tiên về TP bằng đường thủy

Ghi nhận của PV tại TP.HCM, đúng 16 giờ, chuyến tàu cao tốc đầu tiên đã cập bến Bạch Đằng. Trên khoang tàu chứa đầy các mặt hàng như dưa hấu, rau củ được xếp gọn. Sau khi tàu cập bến, hàng hóa nhanh chóng được vận chuyển lên xe chuyên chở đợi sẵn bên ngoài bến Bạch Đằng.

Ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Công ty Greenlines DP, cho biết hôm nay hai tàu chỉ chở khoảng 20 tấn hàng (tối đa 40 tấn) theo yêu cầu của các hãng phân phối. Có một nhà phân phối đề nghị chở một container 40 tấn hàng nhưng nếu chở hết sẽ quá tải và công ty đã từ chối. Trong những ngày tới, tùy vào nhu cầu của các đơn vị, Greenlines DP sẽ huy động tối đa số tàu được cấp phép để phục vụ.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết Sở GTVT sẽ hỗ trợ các đơn vị về thủ tục về vận tải. Đến nay, mọi thủ tục được thông suốt, tàu cao tốc có thể chạy và mang hàng hóa về ngay trong ngày.

Theo ông An, khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, việc lưu thông bị hạn chế thì đường thủy là một kênh vận chuyển mới giúp các phương tiện được lưu thông thuận lợi hơn. Tàu cao tốc đi đường sông sẽ nhanh hơn vì không phải qua các trạm kiểm soát dịch, tuy nhiên cũng phải tuân thủ các quy định.

Ông An cho rằng để vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thì cần sự phối hợp giữa Sở GTVT và Sở Công Thương TP. Trong đó, Sở Công Thương sẽ kết nối với các địa phương để tìm nguồn hàng, thực phẩm. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng nhanh chóng hướng dẫn, chấp thuận để tàu cao tốc được vận hành, chia sẻ với áp lực vận tải hàng hóa bằng đường bộ.

Các địa phương sẵn sàng để hỗ trợ

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết khi có sự ủng hộ của Greenlines DP chắc chắn TP.HCM có thêm một tuyến cung cấp thực phẩm mới và ổn định. Chính vì vậy, Sở Công Thương và Sở GTVT TP đã kết nối, tạo điều kiện và hoàn thành các thủ tục cấp phép nhanh nhất để sớm hoàn thành chuỗi cung ứng thực phẩm bổ trợ, hỗ trợ thêm cho vận tải hàng hóa bằng đường bộ cho TP một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Ông Tú đánh giá Sở Công Thương các tỉnh ĐBSCL và UBND các tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn nguyên liệu, cung ứng để đáp ứng được nhu cầu của TP hiện nay. Việc điều động hàng sẽ được hệ thống phân phối tự điều động với đơn vị vận chuyển là tàu cao tốc, hai doanh nghiệp sẽ làm việc với nhau. Sở Công Thương TP và các tỉnh, thành sẽ cùng nhau hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nếu doanh nghiệp gặp phải. Từ đó sẽ tạo một đường cung ứng ổn định, thuận tiện về TP.HCM.

Ông Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, cho biết dự kiến cách hai ngày tùy theo nhu cầu thị trường, tàu cao tốc đến Tiền Giang để gom hàng nông sản vận chuyển về TP.HCM. Cũng theo ông Tuấn, tỉnh Tiền Giang có nhiều vùng sản xuất nông sản có thể cung ứng khoảng 100 tấn rau củ quả mỗi ngày.

“Nguồn nông sản của địa phương rất dồi dào, ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, Sở Công Thương tỉnh cũng đã giới thiệu đến Sở Công Thương TP.HCM nhiều đơn vị cung cấp rau củ quả nhằm kết nối để đáp ứng nhu cầu nguồn hàng nông sản tại TP.HCM. Hiện tại và thời gian tới, địa phương dự kiến sẽ đáp ứng nguồn hàng nông sản vận chuyển bằng tàu cao tốc về tiêu thụ thị trường TP.HCM” - ông Tuấn cho biết.

Còn tại Bến Tre, ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, cho biết hiện nguồn nông sản rau củ quả ở Bến Tre chỉ đủ để phục vụ nhu cầu trong tỉnh. Riêng các sản phẩm chủ lực của tỉnh như dừa xiêm, bưởi da xanh, nhãn, tôm khá dồi dào.

“Sở Công Thương tỉnh đã kết nối với Sở Công Thương TP.HCM và đang rà soát các sản phẩm như dừa xiêm, bưởi da xanh, nhãn, tôm… để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các chợ nông sản ở TP.HCM. Riêng về điều kiện bến bãi tập kết hàng nông sản địa phương đã có sự chuẩn bị sẵn sàng đón tàu cao tốc vào vận chuyển hàng hóa cung ứng cho thị trường TP” - ông Sáu cho hay. •

Theo ông Bùi Hòa An, bên cạnh tạo luồng xanh bằng đường thủy, tới nay Sở GTVT cũng đã cấp giấy nhận diện phương tiện cho hơn 41.000 xe.

Quy định về vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy

Thuyền trưởng, thuyền viên phải đảm bảo số lượng theo đúng định biên an toàn tối thiểu; đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 (ít nhất một mũi) và có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19. Các lực lượng trên phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định…

Các phương tiện thủy nội địa khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa chỉ cử một thuyền viên lên bờ làm thủ tục cảng vụ, các thuyền viên khác không được lên bờ. Không bố trí lực lượng bốc xếp, việc bốc xếp hàng hóa tại các bến thủy nội địa do các đơn vị cung ứng hàng hóa tại địa phương chịu trách nhiệm.

Trong suốt quá trình di chuyển phương tiện thủy không được dừng dọc đường. Sau mỗi chuyến vận chuyển và hàng hóa được bốc dỡ xong, phải thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện trước khi khởi hành chuyến mới.

ĐÀO TRANG - ĐÔNG HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/tau-cao-toc-dua-thuc-pham-thiet-yeu-ve-tphcm-1001961.html